Báo động tình trạng quản lý dữ liệu khách hàng của doanh nghiệp
Việt Nam đang từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế số. Đối với thời đại 4.0, dữ liệu được các chuyên gia ví như 'vàng thô' của mỗi doanh nghiệp bởi nó chính là điểm cốt lõi kết nối hoạt động để mang lại nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đưa ra quan điểm về dữ liệu, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, hoạt động kinh doanh cần xoay quanh khách hàng chứ không phải sản phẩm hay đối thủ. Dữ liệu lớn chính là chìa khóa cốt lõi của vấn đề ấy.
Bước sang năm thứ 5 của chuyển đổi số, dữ liệu số vẫn là một trong những trọng tâm, được xác định là 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế số. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để quản lý dữ liệu hiệu quả, an toàn, có tính bảo mật cao, không để lộ, lọt thông tin khách hàng.
Tình trạng lộ, lọt dữ liệu có chiều hướng gia tăng
Thực tế cho thấy, số vụ lộ, lột thông tin cũng như lượng dữ liệu bị lộ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phát biểu tại hội thảo "An ninh dữ liệu trên không gian mạng" ngày 16/7 vừa qua tại Hà Nội, đại diện Công ty An ninh mạng Viettel dẫn số liệu từ Viettel Threat Intelligence: 6 tháng đầu năm nay có 46 vụ lộ lọt, rao bán dữ liệu; 13 triệu bản ghi dữ liệu bị rao bán, 12,3 GB mã nguồn bị lộ lọt; 10 vụ tấn công mã hóa dữ liệu.
Tại hội thảo "Tăng cường hệ miễn dịch cho tổ chức, doanh nghiệp trên không gian số" tổ chức cuối tháng 7/2024, số liệu công bố cho thấy các sự cố lộ, lọt dữ liệu có chiều hướng gia tăng khi tin tặc bắt đầu nhắm vào các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hành vi buôn bán chia sẻ dữ liệu lộ lọt đã gia tăng 22,22%. Hậu quả không chỉ gây tổn thất về mặt tài chính cho các cá nhân, đơn vị mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp.
Giải pháp quản lý dữ liệu khách hàng
Hiện tại, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng đã được xây dựng xong trong đó đưa ra những quy định cụ thể về xử lý vi phạm gây ảnh hưởng đến bảo mật dữ liệu cá nhân. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như hạn chế hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân.
Các doanh nghiệp có thể nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài để bảo vệ dữ liệu, giảm thiểu rủi ro khi sự cố xảy ra đồng thời cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư các giải pháp an ninh mạng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp các vấn đề về tài chính nên cân nhắc các giải pháp phù hợp đồng thời tích lũy nguồn lực để nâng cấp các công cụ hỗ trợ quản lý dữ liệu.
Trên thực tế chưa có công cụ nào đạt hiệu quả tối đa, vì vậy doanh nghiệp không nên phụ thuộc mà cần tự chủ động phòng tránh bằng các biện pháp: Tăng cường kiểm tra, đánh giá, nâng cao ý thức pháp luật và kỹ năng bảo đảm an toàn trên không gian mạng; đề ra các quy định quản lý dữ liệu khách hàng, xử lý với những trường hợp vi phạm quy định…
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.
Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại đây.