Báo động tình trạng đuối nước trẻ em
Ngày 20.4, một nhóm trẻ em từ 10–12 tuổi ở xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau đi tắm sông. Trong quá trình tắm, hai cháu không may bị đuối nước. Sau hơn 16 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của các em và bàn giao cho gia đình mai táng theo phong tục địa phương.
Vụ việc thương tâm một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Quảng Bình. Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm, địa phương này đã ghi nhận nhiều vụ đuối nước thương tâm, khiến cộng đồng bàng hoàng, xót xa.
Quảng Bình là tỉnh có hệ thống sông, suối dày đặc, địa hình nhiều đồi núi, khe suối và vùng trũng nguy hiểm. Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến nhiều trẻ em rủ nhau ra sông, suối tắm để giải nhiệt. Tuy nhiên, nhiều em không biết bơi, chưa được trang bị kỹ năng an toàn dưới nước, dẫn đến nguy cơ đuối nước cao.

Một buổi học bơi cho học sinh vùng cao
“Nhiều trẻ chỉ vì ham vui, không lường trước được dòng nước xiết hay hố sâu bất ngờ mà mất mạng oan uổng. Đó là nỗi đau không chỉ cho mỗi gia đình mà còn là mất mát lớn của cộng đồng” – một người dân xã Nhân Trạch chia sẻ.
Mặc dù các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước, nhưng thực tế vẫn cho thấy mức độ nguy hiểm đang hiện hữu. Các gia đình, nhà trường, chính quyền chưa thực sự đồng bộ trong việc giám sát, quản lý trẻ em trong dịp hè.
Hệ thống cảnh báo nguy hiểm ở nhiều khu vực có nguy cơ cao vẫn còn sơ sài, chưa phát huy hiệu quả. Không ít phụ huynh còn chủ quan, để trẻ tự do vui chơi mà thiếu sự giám sát. Các em không chỉ thiếu kỹ năng, mà ý thức về an toàn của trẻ cũng còn rất hạn chế. Nhiều em vẫn tự ý ra sông suối chơi, không nhận thức được sự nguy hiểm
Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực tổ chức các lớp học bơi miễn phí, tuyên truyền phòng tránh đuối nước qua các hoạt động ngoại khóa tại trường học. Các điểm “nóng” về tai nạn đuối nước đã được rà soát để cắm biển cảnh báo, làm rào chắn ngăn trẻ tiếp cận khu vực nguy hiểm.
Thầy giáo Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chia sẻ: "Chúng tôi kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cá nhân hỗ trợ cho các xã thị trấn và chỉ đạo các trường phối kết hợp, triển khai cho các trường tổ chức một số mô hình học bơi cho học sinh tiểu học và THCS, kết hợp hướng dẫn kỹ năng ứng phó tai nạn dưới nước, sơ cứu ban đầu, gọi cứu trợ đúng cách. Tạo cho các em có những kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước là cần thiết, nhất là ở địa bàn có nhiều sông suối như huyện Tuyên Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung".
Những vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em không chỉ là tai nạn, mà là lời nhắc nhở mạnh mẽ về trách nhiệm của toàn xã hội. Từ phụ huynh, nhà trường đến chính quyền địa phương, mỗi người cần chung tay để trẻ được trang bị kỹ năng sống, học cách bảo vệ chính mình.
“Chỉ có kỹ năng – chứ không phải may mắn – mới là “phao cứu sinh” thực sự giúp trẻ thoát khỏi nguy hiểm khi đối mặt với những dòng nước bất ngờ. Và nếu không hành động ngay hôm nay, những tiếng khóc đau lòng sẽ còn tiếp diễn vào mỗi mùa hè”, thầy giáo Hoàng Văn Phúc chia sẻ.