Báo động tình trạng bạo loạn vì thiếu thực phẩm, giá cả tăng

Tình trạng bất ổn, bạo loạn vì thiếu thực phẩm, giá cả tăng cao ngày càng báo động ở nhiều quốc gia, thậm chí có nơi dẫn đến khủng hoảng chính trị.

Tình trạng thực phẩm thiếu thốn, giá cả tăng vì sự hoành hành của đại dịch COVID-19 và chiến tranh đã gây bất ổn, thậm chí bạo loạn dẫn tới khủng hoảng chính trị ở nhiều nước. Nhiều tuần qua, người dân hàng loạt quốc gia các châu lục đổ xuống đường biểu tình phản đối chính phủ để xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, chi phí sinh hoạt cao, bất bình đẳng xã hội.

Biểu tình, bạo loạn ở nhiều châu lục

Tại châu Á, có thể nói đáng ngại nhất là tình hình ở Sri Lanka. Quốc đảo hơn 22 triệu dân này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập. Với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu cùng việc mất điện thường xuyên, cuộc sống của người dân đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Họ phải xếp hàng dưới ánh nắng chói chang hàng giờ liền để có thể mua nhiên liệu hoặc lương thực. Đã có người ngã gục chết sau nhiều giờ xếp hàng chờ mua xăng.

Cảnh sát chống bạo động bảo vệ tòa nhà quốc hội ở Jakarta (Indonesia) ngày 11-4, khi người biểu tình tập trung phản đối tình trạng dầu ăn bị tăng giá và phản đối đề xuất kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo. Ảnh: CNN

Cảnh sát chống bạo động bảo vệ tòa nhà quốc hội ở Jakarta (Indonesia) ngày 11-4, khi người biểu tình tập trung phản đối tình trạng dầu ăn bị tăng giá và phản đối đề xuất kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo. Ảnh: CNN

Nhiều tuần qua, người dân liên tục xuống đường biểu tình. Chính phủ Sri Lanka đã ban hành nhiều biện pháp cứng rắn như áp lệnh giới nghiêm nhưng không giúp làm dịu được làn sóng biểu tình.

Việc lương thực, thực phẩm khan hiếm và tăng giá đang làm sâu sắc hơn tình trạng bất bình đẳng xã hội ở Indonesia. Nhiều cuộc biểu tình, thậm chí bạo loạn đã nổ ra. Theo đài NHK, tình trạng biểu tình ở quốc gia Hồi giáo này có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn với việc dầu ăn tăng giá trùng với tháng ăn chay Ramadan.

Tại châu Mỹ Latinh, biểu tình nổ ra ở nhiều nước. Tại Peru, công nhân, nông dân nghèo và thanh niên đình công phản đối việc chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao. Tổng thống Peru Pedro Castillo hôm 5-4 ban bố giới nghiêm và thay bằng tình trạng khẩn cấp toàn quốc một ngày sau đó vì tình hình quá báo động. Tại Argentina, người biểu tình yêu cầu chính phủ giải quyết tình trạng giá cả tăng cao. Làn sóng đình công nổ ra ở Brazil.

Ở khu vực Trung Đông, căng thẳng chính trị do thiếu thực phẩm diễn ra nghiêm trọng. Những quốc gia ở khu vực này phụ thuộc nhiều vào nguồn lương thực nhập khẩu từ Nga và Ukraine vốn đang trong chiến tranh.

Lebanon khủng hoảng trầm trọng khi nước này phụ thuộc 70%-80% sản lượng lúa mì nhập khẩu đến từ Nga và Ukraine. 3/4 dân số Lebanon rơi vào cảnh nghèo đói do hậu quả của suy thoái kinh tế và chính trị. Biểu tình cũng nổ ra ở Iraq khi chiến tranh Nga - Ukraine làm nước này thiếu lương thực và giá cả tăng. Cụ thể, giá bột tăng từ 35.000 IQD (gần 500.000 đồng) lên 45.000 IQD (hơn 700.000 đồng) cho một bao 50 kg, giá gạo tăng 10%, giá dầu ăn tăng gấp đôi. Người dân chen chúc tại các cửa hàng mua tích trữ thực phẩm, trong khi các thương nhân lợi dụng tình hình này đầu cơ tăng giá.

Ở châu Phi, cuộc khủng hoảng an ninh do thiếu hụt lương thực và giá cả tăng cao gợi nhắc người dân châu lục này ký ức đầy ám ảnh về làn sóng biểu tình chống chính phủ được gọi là “mùa xuân Ả Rập”.

Ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn ở châu Âu, vốn có nhiều khả năng để bảo vệ người dân khỏi tình trạng giá cả leo thang, hiện cũng không có đủ công cụ để chống đỡ hoàn toàn cuộc khủng hoảng này. Tại Hy Lạp xảy ra biểu tình khắp nước trong tuần đầu tháng 4 yêu cầu chính quyền tăng lương trong bối cảnh lạm phát và giá cả tăng.

Các quốc gia nên có chính sách “thương mại mở” và tránh áp đặt các hạn chế xuất khẩu.

Sẽ còn nguy hiểm hơn, phải chung tay giải quyết ngay

Theo các chuyên gia, tình hình hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn thời điểm xảy ra làn sóng “mùa xuân Ả Rập”. Và cuộc xung đột ở Ukraine - quốc gia có lượng xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu thực vật lớn, cũng như các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga - nhà sản xuất lúa mì và phân bón chủ chốt, dự kiến sẽ càng đẩy giá lương thực, thực phẩm tăng thêm nữa trong những tháng tới.

Ông Arif Husain - nhà kinh tế trưởng, giám đốc nghiên cứu, đánh giá và giám sát của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo rằng nếu cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine kéo dài thêm hai tháng nữa thì “việc thu hoạch ngũ cốc và lúa mì của Ukraine cũng như lệnh cấm xuất khẩu phân bón của Nga sẽ hạn chế hơn nữa quá trình sản xuất lương thực và khiến hàng trăm triệu người rơi vào cảnh chết đói”.

Theo đài CNN, ngày 5-4 tại Mỹ, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã gửi thư đến Tổng thống Joe Biden cảnh báo về những tác động chính trị của “một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu nghiêm trọng, có nguy cơ đẩy hàng triệu người vào cảnh đói kém và gây mất ổn định các khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ”. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cảnh báo rằng “tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay đối với nạn nghèo đói có thể còn đáng kể hơn những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vào năm 2007-2008”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đưa ra những cảnh báo tương tự về tình trạng thiếu lương thực toàn cầu ngày càng gia tăng. Trong khi đó, chính phủ Đức gọi các cuộc biểu tình đang nổi lên là “một giai đoạn mới của sự mất ổn định lớn, sẽ ảnh hưởng đến các chính phủ cũng như những người dân nghèo trong xã hội”.

Để có thể tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên khắp các châu lục, hôm 13-4, một số tổ chức quốc tế lớn đã cùng nhau kêu gọi cộng đồng thế giới khẩn cấp tăng cường nguồn tài trợ để hỗ trợ nông dân các nước và tăng nguồn cung lương thực cho thế giới.

Trong một tuyên bố chung, các lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính để đảm bảo nguồn cung lương thực toàn cầu và sự an toàn cho các gia đình và nông dân nghèo, cũng như tăng cường sản xuất nông nghiệp. Họ cũng đề nghị các quốc gia nên có chính sách “thương mại mở” và tránh áp đặt các hạn chế xuất khẩu.•

“Điều quan trọng là phải nhanh chóng phối hợp với nhau để cung cấp sự hỗ trợ cho các quốc gia bị mất an ninh lương thực” - các lãnh đạo của IMF, WB, WTO và WFP cùng ra tuyên bố chung.

Xử lý nạn đói và hậu quả với khí hậu

Nhân loại đang cảm nhận sự tồi tệ của “cơn địa chấn khủng hoảng đói”, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo hồi đầu tháng này.

Theo WFP, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn gấp đôi - từ khoảng 135 triệu người trước đại dịch COVID-19 lên khoảng 276 triệu người hiện nay. WFP ước tính tổ chức này sẽ phải mất thêm 71 triệu USD mỗi tháng để tài trợ cho hoạt động của mình.

Về lâu dài, các chuyên gia lo ngại rằng ứng phó với những vấn đề này có thể dẫn đến việc phải sử dụng nhiều hơn nhiên liệu hóa thạch và mở rộng các hoạt động nông nghiệp không bền vững. Hướng đi này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu và làm sâu sắc thêm tình trạng đói nghèo và mất an ninh lương thực.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-dong-tinh-trang-bao-loan-vi-thieu-thuc-pham-gia-ca-tang-post676328.html
Zalo