Báo động sạt lở đất

Thời gian qua, nhiều vùng trên cả nước xảy ra sạt lở đất, đặc biệt là ở trung du - miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Sạt lở đất cướp đi thành quả lao động, hơn nữa còn đe dọa tính mạng người dân. Riêng với miền Trung - Tây Nguyên, dự báo từ nay tới cuối năm vẫn còn bão, mưa lớn vì thế nguy cơ sạt lở chưa thôi ám ảnh.

Tình trạng sạt lở đất diễn ra ở nhiều địa phương thực sự là nỗi ám ảnh lớn của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Tình trạng sạt lở đất diễn ra ở nhiều địa phương thực sự là nỗi ám ảnh lớn của người dân. Ảnh: Kim Anh.

Ông Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, mưa lớn thời đoạn ngắn tại các lưu vực nhỏ hoặc lũ từ thượng nguồn đổ xuống khiến nhiều khu vực có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra sạt lở đất xảy ra còn do sự tác động của con người, làm hủy hoại môi trường tự nhiên do phá rừng, hay xây dựng không hợp lý...

Đồng bằng sông Cửu Long: Sụt lún, sạt lở ven sông, ven biển diễn biến nghiêm trọng

Ngày 12/8, sau khi khảo sát thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và bố trí nguồn lực để ứng phó sụt lún, sạt lở, ngập úng trong vùng.

Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL là vựa lúa, trái cây và thủy sản lớn nhất cả nước, cung cấp trên 50% sản lượng gạo sản xuất, 90% lượng gạo xuất khẩu, chiếm 70% trái cây, 40% thủy sản đánh bắt và 70% thủy sản nuôi trồng. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Về tình trạng sụt lún, trong 10 năm (2012-2022), tốc độ sụt lún đất trung bình ở ĐBSCL khoảng 0,96 cm/năm, nhanh hơn gấp 3 lần so với nước biển dâng (khoảng 0,35 cm/năm). Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng, đáng báo động. 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 80%. Trong đó, Cà Mau là tỉnh có đường bờ biển dài nhất và cũng bị sạt lở, xâm thực của biển mạnh nhất (cả phía Biển Đông và phía Biển Tây) với trên 90km bị sạt lở. Giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh Cà Mau).

Thủ tướng nhấn mạnh phải ngăn chặn, đẩy lùi sụt lún, sạt lở, ngập úng tại ĐBSCL. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, sắp xếp quy hoạch lại không gian sinh tồn và sản xuất; bảo vệ môi trường sinh thái.

Tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km (bờ sông: 666 điểm/744km; bờ biển: 113 điểm/390km). Mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng: trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha.

Cũng trong khoảng thời gian này, Trung ương đã đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh vùng ĐBSCL là 16.223 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324km. Đã xây dựng hoàn thành 190 công trình/246km/11.453 tỷ đồng. Đồng thời đã trồng và phục hồi 10.042ha rừng ngập mặn với tổng kinh phí 1.931 tỷ đồng; tổ chức di dời 21.696 hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở với tổng kinh phí hỗ trợ 1.773 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn 561 điểm sạt lở, gồm bờ sông 513 điểm/602km; bờ biển 48 điểm/208km. Trong đó, số điểm đặc biệt nguy hiểm là 63 điểm/204km (bờ sông 39 điểm/118km, bờ biển 24 điểm/86km).

Theo giới chuyên gia, ĐBSCL khá “mong manh” trước biến đổi khí hậu. Để kéo giảm thiệt hại, ĐBSCL cần được đầu tư lớn, kéo dài. Trong đó gấp rút hoàn thiện bản đồ cảnh báo những điểm nguy cơ sạt lở ngăn chặn, gia cố và xây dựng những tuyến đê biển đồng thời hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư) và chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở.

Miền núi - trung du phía Bắc: Đối diện với lũ, núi lở

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong mùa mưa bão năm nay, khu vực miền núi phía Bắc có tới 1.750 điểm có nguy cơ sạt lở.

Do tập quán người dân thường làm nhà dưới chân đồi núi hoặc ven suối, nên khi có lũ lớn bất ngờ hoặc mưa to kéo dài nhiều ngày làm nền đất yếu đi, tình trạng sạt lở đất xuất hiện với mức độ rất trầm trọng, vùi lấp, cuốn trôi nhà dân.

Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái hầu như năm nào cũng xuất hiện lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Mùa mưa bão năm nay đã làm 7 người chết, nhiều tài sản bị thiệt hại. Riêng tại tỉnh Yên Bái, chiều tối 5/8, tại xã Khao Mang, xã Lao Chải, xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải) có mưa to và rất to dẫn đến lũ ống, sạt lở ta-luy dương nghiêm trọng gây tắc đường Quốc lộ 32, làm giao thông tê liệt. Đặc biệt, mưa lớn đã làm sạt lở đất, đá lăn vào nhà làm 2 cháu nhỏ của một hộ gia đình ở bản Háng Bla Ha (xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải) thiệt mạng.

Cũng trong đợt mưa lũ này, tại tỉnh Lào Cai có tới 138 điểm ta-luy dương trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị sạt lở.

Nhưng, dấu hiệu còn nguy hiểm hơn khi ngay tại huyện Sóc Sơn (ngoại thành Hà Nội) cũng xảy ra sạt lở (ngày 4/8). Đó là điều khó tưởng tượng và cũng không thể chấp nhận khi nguyên nhân gây ra được cho là do việc chặt phá rừng, xây dựng các công trình dân dụng bừa bãi trong một thời gian dài.

Hiện trường vụ sạt lở ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) khiến 12 người bị vùi lấp, tử vong. Ảnh: TL.

Hiện trường vụ sạt lở ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) khiến 12 người bị vùi lấp, tử vong. Ảnh: TL.

Miền Trung - Tây Nguyên: Nguy cơ sạt lở đất lan rộng

Những năm gần đây, miền Trung - Tây Nguyên phải hứng chịu nhiều trận bão lớn, kéo theo tình trạng sạt lở đất.

Tới nay, nhiều người vẫn chưa quên đêm 10, rạng sáng 11/10/2020, tại khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến 17 công nhân bị vùi lấp. Sự việc nhanh chóng được báo cho chính quyền tỉnh, huyện và lực lượng bộ đội của Quân khu 4.

Thời điểm xảy ra vụ việc, hoàn lưu bão số 6 gây ra mưa lớn, tuyến đường độc đạo tỉnh lộ 71 dẫn từ xã Phong Xuân vào hiện trường bị sạt lở, chia cắt nghiêm trọng. Một sở chỉ huy tiền phương được lập tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, lãnh đạo Quân khu 4 và chính quyền tỉnh trực chiến 24/24 giờ, bàn phương án cứu hộ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4 đã dẫn theo đoàn cán bộ 20 người, xuyên đêm băng đèo, lội suối tìm đến hiện trường.

Rạng sáng 13/10, khi đoàn cứu hộ đang dừng nghỉ tại trạm kiểm lâm 67 (cách thủy điện Rào Trăng khoảng 10km) thì gặp lũ ống, đất đá sạt lở khiến 13 người trong đoàn cứu hộ bị vùi lấp và hy sinh.

Nỗi đau từ vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 chưa kịp lắng xuống thì chỉ ít ngày sau, rạng sáng 18/10, cả nước lại tiếp tục đón nhận hung tin về thảm nạn sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Thời điểm các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 đang ngủ trong 4 dãy nhà tập thể của đơn vị thì ngọn núi phía sau bị lở, hàng ngàn khối đất đá đổ trùm lấy 4 căn nhà. 22 người bị vùi lấp.

Cũng trong tháng 10/2020, một sự cố kinh hoàng đã xảy ra tại 2 xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Vụ sạt lở khiến 55 người dân ở thôn 1 (xã Trà Leng) và 8 người dân ở Trà Vân bị lũ ống gây sạt lở đất vùi lấp.

Vụ sạt lở ở Trà Leng khiến người ta nhớ lại sạt lở kinh hoàng cuối năm 2017 cũng tại huyện Nam Trà My. Năm đó ở thôn 1 và thôn 2 của xã Trà Vân đã vùi lấp 5 ngôi nhà, 5 người tử nạn, 13 người bị thương.

Còn tại Lâm Đồng, trong khoảng thời gian từ tháng 6-8 năm nay đã liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở. Vụ sạt lở rạng sáng ngày 29/6 tại TP Đà Lạt khiến 2 người bị vùi lấp. Tới ngày 30/7, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng khác đã xảy ra tại Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui, nằm giữa đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông hy sinh và 1 người khác tử nạn...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, thời gian qua, tình hình sạt lở đất đá ở miền Trung - Tây Nguyên là rất nghiêm trọng.

Nhìn chung, những gì đang diễn ra cho thấy hiện tượng sạt lở đất vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường những biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa, giảm nhẹ thiệt hại; đồng thời phải chặn được nguy cơ đến từ con người và phải quy trách nhiệm rõ ràng khi thảm họa có nguyên nhân từ “nhân tai”.

Khi nào và ai được quyền ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp?

Nghị định số 66/2021 của Chính phủ quy định thẩm quyền và trình tự công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai. Theo đó, rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp tăng dần về mức độ rủi ro, từ đó quy định quyền trách nhiệm cụ thể. Cụ thể: Ở cấp độ 1, Chủ tịch UBND cấp xã; cấp huyện trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền. Cấp độ 2, thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Cấp độ 3, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai biện pháp ứng phó thiên tai. Cấp độ 4, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương liên quan triển khai biện pháp ứng phó.

Trường hợp thiên tai vượt cấp độ 4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai báo cáo Thủ tướng đề nghị Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-dong-sat-lo-dat-5743833.html
Zalo