Báo động ở Hàn Quốc nhìn từ 'Squid Game'

Việc có thêm những nhân vật trẻ trong 'Squid Game' mùa 2 đã vẽ nên bức tranh hiện thực khắc nghiệt đang diễn ra ở Hàn Quốc. Nhiều người trẻ lo ngại về việc bị mắc kẹt trong vòng xoáy nợ nần, trong bối cảnh chênh lệch thu nhập ngày càng tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày một thêm nới rộng.

Squid Game phần 2 nhận nhiều lời chỉ trích về kịch bản, song những ẩn ý nhằm phơi bày hiện thực xã hội tại Hàn Quốc vẫn được nhiều nhà phê bình quan tâm. Thế giới trò chơi trong hai phần Squid Game được ví như thế giới thu nhỏ của xã hội Hàn Quốc và là hiện thân của sự bất bình đẳng phát sinh từ phân chia giai cấp: người giàu càng giàu, người nghèo mãi nghèo.

Bức tranh hiện thực trong "Squid Game"

Những người tham gia chơi trò chơi để sinh tồn, thực chất nó chỉ là hình thức giải trí dành cho những người VIP theo dõi từ xa. Người có mặt trong cuộc chơi hầu hết là con nợ đang túng thiếu, họ cần số tiền lớn để đổi đời, vấn đề duy nhất là cần làm là sống sót đủ lâu để vượt qua đối thủ.

Ngoài ra, bộ phim mạnh dạn khắc họa mặt tối của bản chất con người. Với số tiền cược lớn bày ra trước mắt, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để sinh tồn, đôi khi phải trả giá bằng mạng sống của người khác.

Nhiều nhân vật có tuổi đời trẻ xuất hiện trong phần 2 Squid Game. Đây là dụng ý của đạo diễn, vẽ nên bức tranh hiện thực mà xã hội Hàn Quốc đang đối mặt.

Nhiều nhân vật có tuổi đời trẻ xuất hiện trong phần 2 Squid Game. Đây là dụng ý của đạo diễn, vẽ nên bức tranh hiện thực mà xã hội Hàn Quốc đang đối mặt.

Phần thứ hai của Squid Game, đạo diễn Hwang Dong Hyuk cho biết có nhiều nhân vật trẻ xuất hiện hơn để khắc họa hiện thực xã hội. “Trong mùa một, tôi nghĩ thật khó để mắc nợ số tiền lớn ở độ tuổi 20-30, nhưng mọi thứ đã thay đổi. Những người trẻ tuổi thấy khó khăn hơn trong việc đảm bảo công việc ổn định hoặc đạt được địa vị trung lưu, bất kể họ làm việc chăm chỉ như thế nào. Nhiều người đang chuyển sang tiền điện tử hoặc cờ bạc trực tuyến để theo đuổi bước đột phá lớn. Tôi muốn phản ánh thực tế khắc nghiệt này trong các phần mới" - đạo diễn nói.

Nhiều hoàn cảnh từ các nhân vật mới mùa 2, No Eul - một người đào tẩu từ Triều Tiên buộc phải bỏ lại đứa con của mình, Gyeong Seok - họa sĩ vẽ tranh biếm họa cần tiền chữa trị ung thư cho con gái, Myung Gi - cựu YouTuber kiêm tay chơi tiền ảo bị mất sạch tài sản trong vụ lừa đảo hay cô gái trẻ đang mang thai, giấu bụng bầu dưới bộ đồ thể thao rộng thùng thình, cựu quân nhân chuyển giới với hy vọng tìm được cuộc sống mới…

Không chỉ trong thế giới hư cấu...

Nhà phê bình điện ảnh Nemo Kim, tổng biên tập tạp chí Kritique, giải thích rằng đối với khán giả Hàn Quốc, những chủ đề trong Squid Game đều rất gần gũi và quen thuộc:

"Đối với người Hàn Quốc, hoàn cảnh nợ nần chồng chất của các nhân vật không phải là điều chỉ tồn tại trong thế giới hư cấu. Nhiều người trên thế giới cũng đang phải đối mặt với những tình cảnh tương tự, nhưng Hàn Quốc lại nổi tiếng với tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng”.

Tờ Chosun Daily nói người trẻ Hàn Quốc đang bị mắc kẹt trong vòng xoáy giàu nghèo. Theo các cuộc khảo sát do Statistics Korea thực hiện, 40% thanh niên Hàn Quốc thấy mình nằm trong nhóm những cá nhân nghèo đói, với thu nhập giảm xuống dưới 50% mức trung bình. Việc cắt giảm cơ hội việc làm đã khiến họ trở nên túng thiếu, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đã cướp đi của họ cơ hội cạnh tranh công bằng.

Cốt lõi của những thách thức tài chính mà người trẻ tuổi phải đối mặt là gánh nặng nợ nần. Lãi suất cao liên tục, cùng với chi phí sinh hoạt tăng và khó khăn trên thị trường việc làm, cùng với sự suy giảm thu nhập thực tế, khiến họ ngày càng khó tích lũy của cải. Những người trẻ tuổi không có thu nhập ổn định đang chuyển sang vay nặng lãi.

Một số lượng lớn thanh niên bày tỏ mối lo ngại về việc bị mắc kẹt trong vòng xoáy nợ nần, hành trình thường bắt đầu bằng các khoản vay thời sinh viên.

Theo KoreaTimes, sự phân cực xã hội và kinh tế đang gia tăng nghiêm trọng ở Hàn Quốc. Dữ liệu được dựa trên phân tích mức lương mà tổng cộng 20,53 triệu lao động trên toàn Hàn Quốc nhận được năm 2022.

Tổng mức lương lên tới 865,46 nghìn tỷ won, nghĩa là mỗi công nhân kiếm được trung bình 41,23 triệu won, trong khi đó những người thuộc nhóm thu nhập cao nhất 1% kiếm được 331,34 triệu won.

Ngày càng nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc dễ bị nghiện cờ bạc trực tuyến, tình trạng này được ghi nhận năm 2023.

Trong chiến dịch trấn áp đặc biệt của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia đối với hoạt động cờ bạc trực tuyến, 39 trong số 353 người bị bắt là trẻ vị thành niên.

Trong khi đó, cuộc khảo sát chẩn đoán thói quen sử dụng Internet và điện thoại thông minh của thanh thiếu niên năm 2023 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho thấy 28.838 thanh thiếu niên có nguy cơ đánh bạc trực tuyến.

Hà Trang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-dong-o-han-quoc-nhin-tu-squid-game-post1706163.tpo
Zalo