Báo động những 'ngân hàng kiến thức' sống trong tự nhiên suy giảm nghiêm trọng

Theo một nghiên cứu của Australia, hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra sự suy giảm số lượng động vật sống lâu trong tự nhiên cả ở trên cạn lẫn dưới biển, làm trầm trọng thêm tác động của tình trạng mất môi trường sống, bệnh tật và các sự kiện khí hậu khắc nghiệt.

Sư tử hoang dã. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Sư tử hoang dã. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong nghiên cứu được Đại học Charles Darwin (CDU) tại Lãnh thổ phía Bắc Australia công bố ngày 22/11, các nhà khoa học chỉ ra rằng trên đất liền, nạn săn trộm, săn bắn tiêu khiển, săn động vật ăn thịt…là nguyên nhân khiến số lượng động vật sống lâu ngày càng suy giảm. Trong đó, sư tử và voi là hai trong số những loài động vật càng sống lâu càng bị săn trộm để lấy ngà, xương và các bộ phận khác. Trong môi trường nước ngọt và đại dương, những loài cá sống lâu nhất và các rạn san hô cổ xưa cũng đang bị khai thác quá mức để phục vụ nhu cầu của con người.

Ông Keller Kopf tại Viện nghiên cứu môi trường và sinh kế của CDU, tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng động vật sống lâu phải được bảo vệ bởi chúng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học mà còn là những "ngân hàng kiến thức" sống, truyền lại kinh nghiệm cho các thế hệ sau, qua đó đảm bảo sự ổn định của hệ sinh thái. Do đó, việc bảo vệ các loài động vật sống lâu không chỉ là bảo vệ đa dạng sinh học mà còn vì tương lai của chính nhân loại.

Thông qua nghiên cứu này, ông Keller Kopf và các cộng sự kêu gọi cách tiếp cận dài hạn với các chỉ thị chính sách chuyên môn và các chiến lược quản lý để bảo tồn các loài động vật sống lâu trên khắp thế giới.

Thanh Tú (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bao-dong-nhung-ngan-hang-kien-thuc-song-trong-tu-nhien-suy-giam-nghiem-trong-20241122161729802.htm
Zalo