'Báo động đỏ' về tình trạng sữa giả lọt vào bệnh viện

Sự việc sữa giả xâm nhập các bệnh viện là lời cảnh báo nghiêm túc về sự cần thiết phải kiểm soát chất lượng và giám sát chặt chẽ hơn nữa trong ngành y tế và thực phẩm.

Hình ảnh (chụp từ màn hình) quảng cáo sản phẩm của một công ty sản xuất sữa giả vừa bị phanh phui

Hình ảnh (chụp từ màn hình) quảng cáo sản phẩm của một công ty sản xuất sữa giả vừa bị phanh phui

Vì sao sản phẩm kém chất lượng vẫn trúng thầu?

Mới đây, nhiều bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, đối mặt với sự việc nghiêm trọng liên quan đến sữa giả được sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân. Các bệnh viện đều khẳng định, sản phẩm sữa mà họ sử dụng đã được đấu thầu đúng quy trình. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng xác nhận đó là sữa giả, bệnh viện và bệnh nhân sẽ trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, ông Hoàng Xuân Sơn cho biết, Bệnh viện chưa nhận được kết luận chính thức về sữa Hapomil có phải là sữa giả hay không, nhưng nếu đó thực sự là sữa giả, Bệnh viện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bệnh nhân.

Đề cập việc sữa giả lọt vào bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga nhấn mạnh, sự việc này là minh chứng rõ ràng cho những bất cập trong quy trình đấu thầu hiện nay, khi sản phẩm kém chất lượng vẫn có thể trúng thầu, bởi hồ sơ kỹ thuật mang tính hình thức, thiếu kiểm tra thực tế.

Theo Điều 193, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm có thể bị phạt tù đến 20 năm, tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại. Hơn nữa, các đơn vị cung ứng còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn diện, không chỉ dừng lại ở việc hoàn tiền, mà còn bao gồm cả chi phí y tế phát sinh (nếu có), thiệt hại tinh thần và uy tín của cơ sở y tế.

Bác sỹ Hoàng cũng chỉ ra, quy trình nhập hàng hiện nay chủ yếu tập trung vào số lượng, kiểm tra hạn sử dụng và tem nhãn, trong khi chưa có một hệ thống kiểm nghiệm độc lập để kiểm soát chất lượng. Đặc biệt, các sản phẩm không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế, mà bệnh nhân phải tự chi trả, không được giám sát chặt chẽ.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ khẳng định, Bệnh viện luôn tuân thủ quy trình đấu thầu và mua sắm thuốc, vật tư y tế theo các quy định của Bộ Y tế, đồng thời đảm bảo chất lượng quốc tế. Về việc bác sỹ kê đơn thực phẩm chức năng, ông Cơ nhấn mạnh rằng, việc này không hề sai, miễn là các sản phẩm đó thực sự có lợi cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, sau khi sữa giả “lọt” vào một số cơ sở khám chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai đã lập tức tiến hành rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng và nhà thuốc trong Bệnh viện. “Chúng tôi đã ngừng bán thực phẩm chức năng trong nhà thuốc và nghiêm cấm bác sỹ kê đơn thực phẩm chức năng cho bệnh nhân”, ông Cơ cho biết.

Tăng cường giám sát và kiểm tra

Trước tình trạng “báo động đỏ” về sữa giả xâm nhập các bệnh viện, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê đơn và sử dụng thuốc, vật tư y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu các bệnh viện và sở y tế các tỉnh, thành phố rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác khám chữa bệnh.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã triển khai chiến dịch kiểm tra các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em, người bệnh và người cao tuổi. Cơ sở sản xuất, phân phối và kinh doanh các sản phẩm này phải cung cấp hồ sơ chứng minh tính hợp pháp, an toàn của sản phẩm.

Sữa giả không chỉ thiếu dưỡng chất, mà còn có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và người bệnh. Sữa giả thường chứa melamine, một hợp chất hóa học độc hại có thể gây ngộ độc cấp tính, suy thận cấp và tổn thương gan. Việc sử dụng sữa giả trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sỏi thận, suy thận mãn tính, thậm chí là ung thư.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi sử dụng sữa giả sẽ phải đối mặt với nguy cơ chậm phát triển, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa và có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng về thần kinh. Những người cao tuổi và bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận cũng sẽ đối mặt với nguy cơ lớn hơn nếu sử dụng phải sữa giả.

Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần phải hết sức cảnh giác với các sản phẩm sữa có dấu hiệu nghi ngờ. Sữa giả thường có bao bì không sắc nét, tem chống hàng giả không rõ ràng, mã vạch mờ hoặc sai lệch. Sữa thật khi pha vào nước sẽ tan từ từ, không để lại cặn và có mùi thơm nhẹ. Sữa giả thường tan nhanh, để lại cặn và có mùi hắc. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên chọn mua sữa tại các cửa hàng, siêu thị lớn, hoặc các nhà thuốc uy tín có giấy phép kinh doanh rõ ràng. Một cách khác để đảm bảo chất lượng là mua sản phẩm qua các website chính thức của nhà sản xuất.

Bảo vệ sức khỏe người bệnh không chỉ là trách nhiệm của các cơ sở y tế, mà còn là của mỗi người tiêu dùng. Mỗi cá nhân cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn sản phẩm chất lượng để không trở thành nạn nhân của hành vi gian lận, lừa đảo.

Đã đến lúc các bệnh viện và cơ quan quản lý cần xem xét lại tiêu chí lựa chọn nhà cung ứng, tăng cường hậu kiểm và có cơ chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn với các công ty tham gia cung ứng hàng hóa trong môi trường đặc thù như y tế. Trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người như y tế, mọi hành vi liên quan đến hàng giả cần được xem xét không chỉ ở góc độ kinh tế, mà cả đạo đức và pháp lý.

Với người tiêu dùng, việc phát hiện mình có thể đã sử dụng sữa giả trong quá trình điều trị là điều không dễ chấp nhận. Sự đồng hành của các bệnh viện trong việc thu hồi, hoàn tiền cho người bệnh là kịp thời, nhưng chỉ mang tính xoa dịu trước mắt. Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cũng như xử lý nghiêm minh các đơn vị, cá nhân vi phạm mới có thể mang lại niềm tin lâu dài cho người bệnh và nhân dân.

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bao-dong-do-ve-tinh-trang-sua-gia-lot-vao-benh-vien-d273535.html
Zalo