Báo động đỏ mặt sân Mỹ Đình xấu xí gây chấn thương hàng loạt cho cầu thủ
Trận tứ kết Cúp Quốc gia 2024-2025 giữa CLB Viettel và HA Gia Lai đã khép lại với tỷ số 2-0 nghiêng về đội chủ nhà, nhưng điều đáng lo ngại nhất cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi 3 cầu thủ khách dính chấn thương, gồm trường hợp nghiêm trọng của trung vệ trẻ Phạm Lý Đức do tác động của mặt sân Mỹ Đình xấu tệ.
Tuyển thủ quốc gia Lý Đức bị chấn thương nặng với nguyên nhân chính được chỉ ra là mặt sân Mỹ Đình xuống cấp nghiêm trọng, khiến nhiều người trong cuộc không khỏi phẫn nộ. Giám đốc kỹ thuật Vũ Tiến Thành chua chát ví von mặt sân quốc gia chỉ như một sân bóng huyện. HLV Đức Thắng của Viettel cũng đồng tình với nhận xét mặt sân Mỹ Đình quá tệ.
Sự cố trên sân Mỹ Đình
Phút 89 của trận Viettel tiếp khách HA Gia Lai, trung vệ cao 1m82 Phạm Lý Đức buộc phải rời sân sau tình huống tiếp đất bất thường khiến đầu gối tổn thương. Ban đầu, HLV Lê Quang Trãi chia sẻ rằng cầu thủ này bị đau nặng vùng gối và phải bọc đá ngay để tránh sưng viêm. Đáng nói hơn, đó không phải là ca chấn thương duy nhất trong trận.
Trưởng đoàn HA Gia Lai, ông Nguyễn Tấn Anh, cho biết: “Không chỉ Lý Đức, mà cả ngoại binh Jairo và một cầu thủ khác cũng có dấu hiệu tổn thương đầu gối. Tất cả đều có điểm chung là chấn thương sau khi bật nhảy hoặc tiếp đất, rõ ràng do ảnh hưởng từ mặt sân Mỹ Đình quá kém”.

Mặt sân Mỹ Đình quá xấu đã góp phần gây ra chấn thương cho cầu thủ. Ảnh: CCT.
Hiện tại, Lý Đức đã trở về Pleiku cùng đội và đang chờ được chụp MRI để đánh giá mức độ tổn thương dây chằng. Nếu điều tồi tệ xảy ra, đây sẽ là tổn thất lớn với HA Gia Lai ở chặng đường còn lại của mùa giải, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch nhân sự của U-22 Việt Nam tại SEA Games 33 vào cuối năm.
Thật khó hiểu ở thời buổi này mà mặt sân Mỹ Đình, như là một biểu tượng của sân bóng quốc gia đã gây ra nhiều nỗi thất vọng. Điều khiến người trong cuộc bức xúc là sự xuống cấp quá nhanh của mặt sân Mỹ Đình. Theo ông Tấn Anh, khi HA Gia Lai đối đầu Thể Công Viettel tại vòng 12 V-League hồi tháng 2, mặt cỏ sân Mỹ Đình vẫn ở mức chấp nhận được, đủ điều kiện thi đấu chuyên nghiệp. Nhưng chỉ sau hơn một tháng, sân đã trở nên thảm hại. Nguyên nhân được cho là do sân bị trưng dụng tổ chức sự kiện ngoài bóng đá, cụ thể là các buổi concert âm nhạc.
Ông Tấn Anh tiết lộ: “Theo tôi biết, ban tổ chức sự kiện đặt các tấm pallet lên mặt sân suốt nhiều ngày liền. Cỏ bị đè chết, đất bị nén cứng và hỏng hoàn toàn kết cấu. Hậu quả là cầu thủ đá trên một nền sân không đạt chuẩn, tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cực cao”.

Ban huấn luyện và cầu thủ hai đội Viettel, HA Gia Lai đều chê mặt cỏ Mỹ Đình. Ảnh: CCT.
Đáng nói, đây không phải lần đầu sân Mỹ Đình bị phản ánh về tình trạng mặt sân. Trước đó tại AFF Cup 2024, do vướng lịch tổ chức concert, sân Mỹ Đình không thể đăng cai các trận đấu của tuyển Việt Nam, buộc VFF phải chuyển sang sân Việt Trì. Vấn đề không chỉ là sự cố đơn lẻ, mà đang trở thành hệ lụy nghiêm trọng của việc thiếu quản lý đồng bộ và không ưu tiên thể thao tại một sân vận động mang danh “quốc gia”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Dù đội Viettel là đơn vị thuê sân, nhưng theo ông Nguyễn Tấn Anh, trách nhiệm chính phải thuộc về ban quản lý sân Mỹ Đình – đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm bảo dưỡng và đảm bảo chất lượng sân đấu. “Chúng tôi không thể chấp nhận việc một sân bóng đá quốc gia lại bị hủy hoại chỉ vì sự kiện ca nhạc. Trong một trận đấu mà 3 cầu thủ chấn thương, thì đây không còn là chuyện nhỏ nữa, mà là khủng hoảng về quản trị”, ông Tấn Anh nhấn mạnh.
Vấn đề mặt sân không chỉ ảnh hưởng đến kết quả chuyên môn của các CLB mà còn đe dọa đến sức khỏe, sự nghiệp của cầu thủ – tài sản vô giá của bóng đá nước nhà. Một ca chấn thương nặng có thể khiến sự nghiệp cầu thủ bị gián đoạn, thậm chí không thể hồi phục hoàn toàn. Và điều đáng sợ hơn là nó đến từ những yếu tố hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Thật khó cho các cầu thủ chơi tốt và tránh chấn thương khi đá trên mặt sân xấu tệ. Ảnh: CCT.
Cần giải pháp triệt để và trách nhiệm rõ ràng khi mặt sân thi đấu luôn là yếu tố căn bản trong bất kỳ nền bóng đá chuyên nghiệp nào. Trong khi các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia đang liên tục đầu tư nâng cấp hạ tầng bóng đá, thì Việt Nam không thể để tình trạng “vết xe đổ” như sân Mỹ Đình trở thành điệp khúc lặp lại. Việc trưng dụng sân cho mục đích ngoài thể thao cần được tính toán kỹ lưỡng, có kế hoạch bảo vệ và khôi phục mặt sân đúng quy trình, thay vì chạy theo lợi ích ngắn hạn mà bỏ mặc hậu quả dài hạn.
Đã đến lúc VFF và VPF cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, buộc các đơn vị vận hành sân phải chịu trách nhiệm. Nếu cần thiết, nên có chế tài hoặc cắt quyền đăng cai các trận đấu quan trọng đối với sân không đạt chuẩn, giống như cách các liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp khác đang áp dụng.
Chấn thương của Lý Đức là lời cảnh tỉnh không chỉ với HA Gia Lai, mà với toàn bộ hệ thống bóng đá Việt Nam. Khi các tài năng bóng đá phải đối mặt với rủi ro chấn thương từ mặt sân thi đấu, câu hỏi đặt ra là: Người ta đang thực sự bảo vệ cầu thủ và đầu tư cho tương lai bóng đá nước nhà, hay chỉ đang đùa giỡn với số phận của họ? Đã đến lúc cần một cuộc đại phẫu về tư duy và hành động, để những sân vận động như Mỹ Đình thực sự là niềm tự hào, chứ không phải nỗi lo ngại mỗi khi bước ra sân.