Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phát triển hạ tầng giao thông ở Thanh Hóa
Ngày 13/9, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ tỉnh đến các cơ quan, xã, phường, thu hút 59 nghìn đại biểu, cán bộ, đảng viên tham gia.
Các đại biểu tham dự hội nghị cùng quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” cùng kế hoạch hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa gồm 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nội dung chỉ thị.
Hiện Thanh Hóa đang ra quân tuần tra, kiểm soát các phương tiện vận tải cơ giới đường bộ, xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải, sử dụng ma túy, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông cùng các hành vi vi phạm khác, nhất là tụ tập, lạng lách, đánh võng ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Nội dung Chỉ thị số 23 và kế hoạch hành động của tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân trong lĩnh vực giao thông.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và tích cực vận động người thân, gia đình, nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.
Hội nghị cũng đã quán triệt, thông qua kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị khóa XIII “Về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đó, Thanh Hóa hoàn thiện phương án phát triển giao thông đường sắt đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan; huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường sắt.
Đi đôi với phối hợp nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, sớm khởi công đoạn Hà Nội-Vinh trong giai 2026-2030, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành cải tạo, nâng cấp, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh nghiên cứu, đề xuất xây dựng các đoạn đường sắt kết nối tới cảng biển Nghi Sơn, từ cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa-Sầm Sơn; phát triển công nghiệp đường sắt và nguồn nhân lực đường sắt.
Phát triển nhanh hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông là chương trình công tác trọng tâm, khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa nhằm khai thác hiệu quả 4 phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, vận tải thủy và đường biển vốn là lợi thế ở tỉnh đầu bắc miền trung.