Bảo đảm quyền tự quyết về sinh sản là phòng, chống bạo lực gia đình

Nói đến bạo lực gia đình, nhiều người nghĩ đến hành vi bạo lực 'nắm đấm' đối với thân thể. Nhưng trên thực tế, bạo lực gia đình diễn ra ở rất nhiều khía cạnh của đời sống gia đình, kể cả ở khía cạnh sinh nở của phụ nữ. Đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra xung quanh chuyện sinh đẻ con cái trong gia đình.

Bạo lực gia đình trong khía cạnh sinh sản - đừng nghĩ là không có

Tháng 4/2022, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sửa đổi, nhiều ý kiến đã đề nghị bổ sung thêm hành vi ép lựa chọn giới tính thai nhi vào nhóm hành vi được coi là BLGĐ trong luật vì đây là một loại bạo lực về giới. Nhiều phụ nữ có thai nhưng giới tính thai nhi không theo ý muốn phải chịu những định kiến rất khủng khiếp, nhất là từ phía người chồng, người thân trong gia đình. “Ép lựa chọn giới tính thai nhi xâm phạm đến sức khỏe, tinh thần phụ nữ, cần được quy định là hành vi BLGĐ”, theo các ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với quan điểm “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo ngành Y tế, trên phạm vi cả nước, tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ biết giới tính thai nhi thông qua siêu âm có con số rất cao, gần như tuyệt đối, dù pháp luật ngăn cấm điều này.

Vì thế, “con đường” từ chỗ biết giới tính thai nhi đến việc ép lựa chọn giới tính thai nhi là rất ngắn. Và từ đó không hiếm những bi kịch gia đình đã xảy ra, như tâm sự đau đớn của một phụ nữ trên diễn đàn dành cho các bà mẹ: “Lần đầu em mang thai bé gái. Lúc báo tin có cháu đầu, bà nội chẳng những không mừng cho vợ chồng em mà còn nguýt lườm, bỏ đi thẳng một mạch. Khi con gái đầu được 2 tuổi thì em dính bầu một lần nữa là thai đôi hai bé gái. Em nhớ rất rõ khi đó đang làm bếp với mẹ chồng, khi biết được em mang thai đôi hai bé gái bà giật nguyên rổ rau làm bay tung tóe khắp bếp rồi mắng em: “Đàn bà có mỗi việc đẻ cũng làm không xong”. Sau đó là những tháng ngày mẹ chồng liên tục bắt em phá thai, chồng em cũng hùa theo mẹ chứ không còn bênh vực em như trước nữa. Em không còn chút hy vọng giữ con dù trong trí tưởng tượng của em, các con gái rất dễ thương. Câu chuyện của em là một đau đớn tận cùng”.

Bên cạnh việc phụ nữ bị ép phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, thì còn là câu chuyện của những phụ nữ bị cưỡng ép mang thai. Vừa sinh mổ được 1 năm, chưa kịp hồi phục sức khỏe, chị T ở Hà Nội bị gia đình chồng yêu cầu sinh thêm một đứa cháu vào năm “lợn vàng”. Người chồng không dám trái lệnh bố mẹ, đành thuyết phục vợ. Khi có thai được 3 tháng, chị đi khám thai, bác sĩ đã cảnh báo ngay việc mang thai quá sớm sau khi mới mổ đẻ là rất nguy hiểm. Dù rất cẩn thận và giữ gìn, song chị T vẫn bị vỡ tử cung từ vết mổ khi thai được hơn 6 tháng. Mẹ suýt tử vong, còn thai nhi vì sinh quá non cũng không sống được.

Từ thực tiễn này, Điều 3 của Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 đề cập đến những hành vi BLGĐ như: cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi… Nội dung Luật cho thấy, BLGĐ trong khía cạnh sinh sản là các hành vi gây tổn hại về thể chất, tinh thần hoặc cưỡng ép tình dục liên quan đến việc sinh sản, bao gồm cả việc mang thai, sinh con và nuôi dưỡng con cái. Các hình thức BLGĐ trong khía cạnh sinh sản như: ép buộc người phụ nữ phải mang thai hay phá thai bất chấp mong muốn của họ; ép buộc người phụ nữ phải sinh con khi họ không muốn, hoặc không đủ sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm, đe dọa, hoặc gây áp lực tinh thần lên người phụ nữ liên quan đến việc sinh sản…

Hậu quả của BLGĐ trong khía cạnh sinh sản gây tổn thương, chấn thương, bệnh tật, thậm chí tử vong cho người phụ nữ; gây trầm cảm, lo âu, sang chấn tâm lý, suy nghĩ tiêu cực và các vấn đề tâm lý khác. Mối quan hệ gia đình cũng vì thế mà rạn nứt, đổ vỡ, mất niềm tin và các vấn đề khác trong mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái… BLGĐ trong khía cạnh sinh sản là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính.

Đề cao quyền tự quyết về sinh sản

Ngày 11/7/2025 vừa qua, Bộ Y tế phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm 2025.

Phát biểu tại lễ mít tinh, bà Đào Hồng Lan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển nhấn mạnh: “Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2025 vừa được thông qua. Trong đó, quyền tự quyết về sinh sản của cá nhân và cặp vợ chồng được tôn trọng, phù hợp với sức khỏe, điều kiện và hoàn toàn tự nguyện. Tinh thần này phù hợp với thông điệp của Ngày Dân số Thế giới năm nay “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”… Pháp luật Việt Nam quy định “Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân trên cơ sở bình đẳng”. Quy định này là một trong những nội dung thể hiện rất rõ việc “trao quyền tự quyết về sinh sản”.

Tại lễ mít tinh, “Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2025” đã được Quỹ Dân số Liên hợp quốc công bố cho thấy thông qua khảo sát 14 quốc gia trên toàn cầu thì cứ mỗi 5 người thì có 1 người cho biết họ sẽ không thể có được số con như mong muốn; cứ mỗi 3 người thì có 1 người từng mang thai ngoài ý muốn… Ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Không thể có phát triển bền vững nếu thiếu đi quyền tự quyết về sinh sản. Khi bảo đảm quyền được lựa chọn của mỗi người, chúng ta đang trao quyền cho các gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới và mở ra tiềm năng của thay đổi dân số”.

Hiện Bộ Y tế đang đề xuất trong dự thảo Luật Dân số trình Chính phủ để trình Quốc hội có ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025, trong đó có nội dung về các biện pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh phù hợp với mỗi địa phương và cả nước. Ở góc độ pháp luật về phòng, chống BLGĐ trong khía cạnh sinh sản, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trẻ em và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản; xử lý nghiêm các hành vi BLGĐ trong khía cạnh sinh sản theo quy định của pháp luật; xóa bỏ các quan niệm bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và các định kiến về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-dam-quyen-tu-quyet-ve-sinh-san-la-phong-chong-bao-luc-gia-dinh.html
Zalo