Bảo đảm quyền lợi người tham gia Bảo hiểm Y tế

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2025, ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) là đảm bảo quyền lợi đúng, đủ và tốt nhất cho người tham gia BHYT theo đúng các quy định.

Theo số liệu từ Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính đến hết năm 2024, toàn quốc có trên 183,6 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (tăng 9,6 triệu lượt - tương ứng tăng 5,53% so với năm 2023), với chi phí đề nghị quỹ BHYT thanh toán lên tới trên 140 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 18,2 nghìn tỷ đồng - tương ứng tăng 15,2% so với năm 2023).

Người dân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Ảnh: Ngọc Yến.

Người dân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Ảnh: Ngọc Yến.

Đánh giá về hiệu quả công tác giám định BHYT trong năm 2024, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, tỷ lệ tăng lượt khám năm 2024 ít hơn so với năm 2023; tỷ lệ tăng chi hơn năm 2023 chỉ 1%. Giá tăng nhưng tỷ lệ tăng chi cho các dịch vụ khám chữa bệnh không tăng nhiều so với tỷ lệ tăng chi cho các nhóm dịch vụ kỹ thuật của năm 2023 (trừ tiền ngày giường)...

Ước tính số chi bình quân một lượt khám chữa bệnh năm 2024 là 882.000 đồng. Đặc biệt, mức chi bình quân tháng 12 không tăng nhiều so với các tháng trước đó, trong khi thông thường đây là thời điểm tăng khá cao trong các năm trước…

Đáng chú ý, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã cơ bản giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT từ năm 2023 trở về trước và thực thiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đúng quy định pháp luật.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn quỹ BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động tham gia, phối hợp trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc ở cấp Trung ương; phân tích tình hình sử dụng vật tư y tế, giá đấu thầu một số loại vật tư y tế có dải giá rộng để thông báo, cảnh báo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh biện pháp can thiệp…

Theo đánh giá, năm 2024, nhiều gói thầu thuốc quốc gia đã đạt hiệu quả tích cực. Gói thầu mua sắm thuốc tập trung cấp quốc gia cung cấp thuốc giai đoạn 2024 - 2026 đợt 1 với 56 mặt hàng, với giá trị gói thầu hơn 7 nghìn tỷ đồng, giảm 697,8 tỷ đồng so với giá trị gói thầu đề xuất ban đầu. Đối với thuốc kháng HIV/AIDS, kết quả tham gia đàm phán thành công thuốc Acriptega năm 2024 (giá giảm từ 4.645 đồng/viên xuống 3.945 đồng/viên, tiết kiệm được hơn 10 tỷ đồng so với giá gói thầu)…

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2025, việc thực hiện chính sách BHYT được xác định có nhiều điểm mới cần được nghiên cứu, triển khai kịp thời, đảm bảo quyền lợi người bệnh tham gia BHYT. Trong đó, nhiều nội dung mới về chính sách BHYT đã được sửa đổi, bổ sung gồm: Luật BHYT 2024 và Nghị định số 02/2025/NĐ-CP; Thông tư số 01/2025/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT 2024…

“Ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chính sách BHYT, nâng cao hiệu quả công tác giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đảm bảo quyền lợi đúng, đủ và tốt nhất cho người tham gia BHYT theo đúng các quy định” - ông Hòa nhấn mạnh.

Theo ông Hòa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có nhiều điểm mới nổi bật mang lại lợi ích và thuận lợi cho người tham gia BHYT. Luật đã sửa đổi hoàn toàn Điều 12 của Luật cũ về đối tượng, phương thức đóng, mức đóng, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2024. Nhiều nhóm đối tượng mới được bổ sung, cũng như nâng mức hỗ trợ.

Về mở rộng quyền lợi, Luật mở rộng phạm vi hưởng BHYT với hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh y học gia đình, khám chữa bệnh tại nhà để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Một điểm nhấn nữa trong Luật sửa đổi là các quy định được thiết kế hướng đến việc "xóa địa giới hành chính” trong khám chữa bệnh. Luật quy định đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh về phân cấp chuyên môn thành 3 cấp gồm: Chuyên sâu, cơ bản và ban đầu.

Để việc triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các nguồn lực; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai kịp thời, hiệu quả Luật, giúp người dân khám chữa bệnh BHYT ngày càng thuận lợi, chất lượng ngày càng tốt hơn.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động lên kế hoạch, phương án để triển khai Luật ngay từ những ngày đầu có hiệu lực; kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-dam-quyen-loi-nguoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-10299613.html
Zalo