Bảo đảm nguồn cung, ổn định giá thực phẩm
Hiện nay, người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau mưa lũ. Theo khảo sát của chúng tôi tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Thái Nguyên (khu vực bị ảnh hưởng lớn bởi lũ lụt) và một số nơi trong tỉnh, các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân được bảo đảm về số lượng, giá cả không biến động nhiều.
Tại chợ Thái (TP. Thái Nguyên), các mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng, thịt, rau xanh… được bày bán khá nhiều. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Vân, một tiểu thương tại chợ, trong buổi sáng 11-9, giá thịt lợn không tăng so với trước. Cụ thể, thịt lợn được bán với giá từ 80-150 nghìn đồng/kg tùy loại. Giá đậu phụ, trứng gà giữ nguyên ở mức 5 nghìn đồng/bìa đậu, 4 nghìn đồng/quả trứng…
Sau khi nước lũ rút, nhiều nơi đã được cấp điện trở lại, do đó nhiều hộ dân đã chủ động được việc nấu ăn hàng ngày. Vì vậy, lượng người đi chợ mua hàng nhiều hơn so với những ngày nước lũ dâng cao. Chị Lê Thị Khanh, ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Hôm nay đi chợ, tôi rất mừng khi thấy hàng hóa không khan hiếm, giá bán ổn định, không có tình trạng tiểu thương đẩy giá lên cao. Người dân chúng tôi rất yên tâm khi giá cả các mặt hàng thực phẩm được điều tiết ổn định như thế này…
Không chỉ riêng TP. Thái Nguyên, các chợ truyền thống lớn, nhỏ trong tỉnh, hàng hóa cũng phong phú, giá cả khá ổn định so với trước khi lũ về. Tại Siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên), dù hàng hóa được tiêu thụ rất mạnh trước khi siêu bão YAGI về nhưng ngay sau bão, lượng hàng, nhất là lương thực, thực phẩm đã được “lấp đầy”. Các mặt hàng như gạo, mỳ tôm, sữa, rau xanh, hoa quả, nước khoáng đóng chai… khá phong phú, giá bán ổn định. Giá gạo tẻ thường (Khang dân, Bao thai…) dao động từ 15-16 nghìn đồng/kg. Riêng các loại thịt gà, lợn, bò, do ảnh hưởng bởi nước lũ, chưa thể giết mổ nên chưa có để phục vụ khách hàng. Dù vậy, người tiêu dùng cũng không lo vì các loại thịt được bày bán tại chợ truyền thống rất nhiều.
Trong đợt mưa lũ, hầu hết các mặt hàng nhu yếu phẩm đều ổn định về nguồn cung và giá cả. Tuy nhiên, giá bán rau xanh lại tăng khá cao do vùng sản xuất rau lớn của tỉnh là Linh Sơn, Đồng Bẩm, Túc Duyên (TP. Thái Nguyên); Nhã Lộng (Phú Bình)… bị nhấn chìm trong “biển” nước, việc thu hái khó khăn. Ngoài ra, nhiều diện tích rau bị ngập úng 2, 3 ngày nay bị úa vàng…
Cụ thể, 1 mớ rau muống, rau cải xanh có giá từ 15-20 nghìn đồng, tăng từ 5-10 nghìn đồng so với trước. Bắp cải, bí xanh, bí đỏ, cà rốt… cũng có giá bán tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Bà Nguyễn Thị Liễu, tiểu thương ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), nói: Tình trạng ngập tứ bề không chỉ làm rau xanh bị hỏng, việc thu hái gặp khó khăn mà còn làm cho chi phí vận chuyển tăng lên. Đây cũng là lý do khiến rau xanh tăng giá. Tiểu thương như chúng tôi vất vả đi lấy hàng từ sáng sớm, mua buôn đã 12-13 nghìn đồng/mớ, dù bỏ công làm lãi vẫn phải bán lên 15 nghìn đồng/mớ rau…
Dù giá rau xanh có tăng hơn so với trước cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của người dân. Theo dự báo của các tiểu thương, rau xanh sẽ vẫn giữ mức giá như hiện nay trong vài tuần tới vì chỉ khi hết mưa, tình trạng ngập úng không còn, điều kiện canh tác thuận lợi, giá rau xanh mới giảm xuống.
Từ thực tế có thể thấy, trừ những tác động do khách quan, chưa thể khắc phục được ngay (như việc bình ổn giá rau xanh), các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân TP. Thái Nguyên nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn bảo đảm nguồn cung, giá cả ổn định. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, nhận định: Trước và trong lũ, việc bình ổn giá cả và nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm đã được tỉnh thực hiện tốt. Bởi vậy, sau lũ, công tác này tiếp tục được duy trì tốt hơn.