Bảo đảm cung - cầu thực phẩm
Từ nay đến cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.
Thị trường “tăng nhiệt” đồng nghĩa trách nhiệm của cơ quan chức năng nặng nề hơn, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm có thể phát sinh.
Điểm thuận lợi hiện nay là theo nhận định của cơ quan chức năng, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ không thiếu nguồn cung lương thực, thực phẩm. Đến thời điểm này, các chỉ số phát triển của ngành Nông nghiệp đang rất tích cực. Trong đó, đàn lợn đến cuối tháng 11-2023 tăng 4% so với cùng thời điểm năm 2022; đàn bò tăng 0,6%; đàn gia cầm tăng 3%... Dự báo tháng cuối năm 2023 và thời điểm đầu năm 2024, đàn vật nuôi duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Còn các mặt hàng lương thực, đặc biệt là lúa gạo đạt sản lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và dành phần quan trọng cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, “đến hẹn lại lên”, thị trường thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán luôn tiềm ẩn nguy cơ khó lường về bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực tế, tình trạng nhập lậu động vật (gia cầm, lợn và trâu, bò) vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và giảm nguồn cung trong thời gian tới.
Cùng với đó, dự báo nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm vào dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn sẽ tăng 10-15% so với các tháng khác trong năm. Vấn đề trọng tâm hiện nay là các ngành chức năng, địa phương cần bảo đảm cân đối cung - cầu để không bị thiếu hụt thực phẩm và tập trung bình ổn giá, nhất là những thời điểm “nhạy cảm” trước và sau Tết Nguyên đán.
Để thực hiện được mục tiêu trên, cùng với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn động vật. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm động vật sản xuất trong nước, nhất là các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm… Ngoài ra, các địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt năng suất, sản lượng cao nhất trong vụ lúa thu đông, đông xuân cùng các loại cây rau màu vụ đông.
Đặc biệt, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam. Đồng thời chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ trên địa bàn. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, thao túng thị trường, đẩy giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và người sản xuất lương thực, thực phẩm.
Bảo đảm cung - cầu lương thực, thực phẩm cho thị trường luôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bình ổn giá và giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm chất lượng, an toàn.