Bảo đảm cân bằng giữa phát triển gắn với giữ gìn bản sắc

Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp) sáng 31.10, một số ĐBQH cho rằng, khi phát triển Huế thành trung tâm sẽ thu hút lớn lượng người di dân đến, tạo nên áp lực về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm… Điều này đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm cân bằng giữa phát triển gắn với giữ gìn bản sắc của Thừa Thiên Huế.

Đa số ĐBQH tán thành việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đồng thời, khai thác và phát huy toàn diện, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố di sản, đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và tạo động lực lan tỏa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

 Quang cảnh thảo luận tại Tổ 14

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 14

Đồng tình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế theo phương án Chính phủ trình, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ, từ chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đến sự ủng hộ đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với những thành tựu, kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua là cơ sở quan trọng để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

 ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu

Về điều kiện, tiêu chuẩn, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, việc thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương đã bảo đảm đạt đủ điều kiện quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Đồng thời, đã bảo đảm đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Trong đó, đã áp dụng tiêu chuẩn đặc thù của “đô thị di sản” khi đánh giá 2 chỉ tiêu thuộc 2 tiêu chuẩn, gồm: tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc (thuộc tiêu chuẩn “đơn vị hành chính trực thuộc”); và thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước (thuộc tiêu chuẩn “cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội”).

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, giữa phát triển kinh tế - văn hóa và môi trường; giữa bảo tồn gìn giữ truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương và đặt trong tổng thể toàn đô thị Huế sẽ đặt ra thách thức lớn cho Huế.

Bởi, khi phát triển Huế thành trung tâm sẽ thu hút lớn lượng người di dân đến, tạo nên áp lực về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm… Điều này đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm cân bằng giữa phát triển gắn với giữ gìn bản sắc của Thừa Thiên Huế.

 ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, khi nâng từ một tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương thì yêu cầu về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề lớn cần tính đến. Trong khi đó, việc thay thế, nâng cao chất lượng, trình độ không phải chuyện một sớm, một chiều, nhất là khi đặt trong bối cảnh cả nước vẫn đang tiếp tục thực hiện tinh giảm biên chế.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi giấy tờ có liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của các đơn vị hành chính vừa được thành lập mới; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn… Đồng thời, Thừa Thiên Huế cần tiếp tục quan tâm, có phương hướng, kế hoạch giải quyết các khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương…

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-can-bang-giua-phat-trien-gan-voi-giu-gin-ban-sac-post394957.html
Zalo