Bảo đảm bình đẳng, khách quan giữa người học với người thực hiện tư vấn học đường
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học.

Người học là trung tâm, không phân biệt đối xử; bảo đảm bình đẳng, khách quan, chuẩn mực giữa người học với người thực hiện công tác tư vấn học đường
Theo dự thảo, mục đích công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học nhằm nâng cao năng lực cho người học trong phòng ngừa, tự giải quyết và tìm kiếm sự trợ giúp phù hợp để khắc phục khó khăn về học tập, sức khỏe thể chất, tâm lý và quan hệ xã hội. Hình thành thái độ ứng xử phù hợp trong quan hệ xã hội, góp phần hoàn thiện nhân cách của người học.
Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học.
Bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin
Dự thảo nêu rõ, nguyên tắc thực hiện công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học là bảo đảm quyền lợi hợp pháp, an toàn và bảo mật thông tin, quyền được tham gia, tự nguyện, tự quyết định của người học.
Người học là trung tâm, không phân biệt đối xử; bảo đảm bình đẳng, khách quan, chuẩn mực giữa người học với người thực hiện công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học. Tập trung vào điểm mạnh, tôn trọng đặc điểm, hoàn cảnh cá nhân của người học, tận dụng nguồn lực sẵn có của người học, nhà trường, gia đình, xã hội.
Công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học phải được thực hiện kịp thời khi người học gặp khó khăn, có nhu cầu cần tư vấn, hỗ trợ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Nội dung công tác tư vấn học đường và công tác xã hội
Dự thảo nêu rõ, nội dung công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học gồm:
Tư vấn, hỗ trợ về học tập: Xác định mục tiêu học tập; xây dựng kế hoạch học tập; quản lý thời gian học tập; lựa chọn cách thức, phương pháp học tập; giải quyết các khó khăn về học tập.
Tư vấn, hỗ trợ về sức khỏe thể chất, giới, quan hệ xã hội: Sức khỏe thể chất và tâm sinh lý lứa tuổi; giới, giới tính, bình đẳng giới; tình bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình và quan hệ xã hội khác.
Tư vấn, hỗ trợ về tâm lý: Phòng ngừa khó khăn về tâm lý của người học; tư vấn, tham vấn tâm lý đối với người học có khó khăn về tâm lý; kết nối dịch vụ tư vấn tâm lý ngoài nhà trường khi cần thiết.
Tư vấn, hỗ trợ về kỹ năng sống: Kiến thức, thái độ, kỹ năng ứng xử phù hợp; hành vi có văn hóa, thói quen lành mạnh, lối sống tích cực; hạn chế nguy cơ người học rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bỏ học, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống xâm hại trực tiếp và trên không gian mạng; một số kỹ năng khác…
Tư vấn, hỗ trợ về hướng nghiệp, việc làm, khởi nghiệp: Thông tin về nghề nghiệp, ngành học, chương trình đào tạo, xu hướng thị trường lao động; kỹ năng nhận thức về sở thích, nguyện vọng, năng lực, hoàn cảnh của bản thân phù hợp với định hướng nghề nghiệp và tư vấn hướng nghiệp cho người học phù hợp với lứa tuổi, cấp học; kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp, tìm việc, khởi nghiệp và kết nối với người sử dụng lao động.
Tư vấn, hỗ trợ về chính sách, pháp luật: Thông tin về chính sách đối với người học; quy định pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ liên quan đến người học; thông tin pháp luật về phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.
Tư vấn, hỗ trợ về dịch vụ công tác xã hội: Thông tin về các dịch vụ công tác xã hội trong và ngoài nhà trường cho người học; cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong trường học cho người học theo quy định; kết nối với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công tác xã hội ngoài nhà trường khi cần thiết.
Các nội dung tư vấn, hỗ trợ khác: Căn cứ nhu cầu của người học, cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt triển khai các nội dung tư vấn và hỗ trợ khác phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Công tác tư vấn học đường là hoạt động tư vấn, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, giảng viên vận dụng kiến thức, kỹ năng và nguyên tắc chuyên môn về tâm lý, hướng nghiệp, kỹ năng sống và một số lĩnh vực khác để tư vấn, hỗ trợ người học hoặc kết nối người học với các cơ sở, chuyên gia cung cấp dịch vụ tư vấn học đường để nhận diện, tiếp cận giúp người học phòng ngừa và giải quyết những khó khăn người học đang gặp một cách chủ động và tích cực.
Công tác xã hội trong trường học là hoạt động tư vấn, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, giảng viên vận dụng kiến thức, kỹ năng, nguyên tắc công tác xã hội để trợ giúp người học phòng ngừa các vấn đề của bản thân, can thiệp phục hồi năng lực thực hiện các chức năng xã hội; kết nối người học tiếp cận với các cơ sở, chuyên gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội để có cuộc sống lành mạnh, hòa nhập vào môi trường học đường, gia đình, xã hội.