Bảo đảm an toàn thực phẩm những ngày đầu xuân

Vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh. Cùng với nỗi lo về giá cả, vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là điều khiến người tiêu dùng quan tâm. Thời điểm này, các đối tượng thường lợi dụng nhu cầu tăng cao, tuồn một lượng hàng hóa, thực phẩm không có nguồn gốc, kém chất lượng ra thị trường.

Vài năm trở lại đây, cứ sau kỳ nghỉ Tết, trên chiếc xe quay trở lại TP Hà Nội của gia đình anh Ngô Đức Thọ ở khu 2, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ lại chở đầy thịt lợn, thịt gà và rau nhà trồng. Anh Thọ cho biết: “Từ trước Tết, gia đình tôi đã lên kế hoạch nhờ bố mẹ ở quê đặt trước một số loại thực phẩm sạch để sau kỳ nghỉ sẽ mang lên thành phố vì tôi rất lo lắng vấn đề vệ sinh ATTP những ngày đầu xuân”. Có lẽ đây không chỉ là tình trạng của riêng gia đình anh Thọ mà còn của rất nhiều gia đình khác sinh sống tại TP Hà Nội.

Qua khảo sát và tìm hiểu tại một số chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn quận Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy và các tuyến phố Hàng Bè, Hàng Buồm, Hàng Giấy... những ngày giáp Tết và sau Tết, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại, từ thực phẩm tươi sống đến đồ ăn chín nấu sẵn. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin, vẫn còn không ít loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng lo ngại, tại các chợ tạm này, thực phẩm tươi sống bày bán lẫn lộn với thức ăn chín, không được che đậy, vệ sinh môi trường không bảo đảm; hàng hóa chưa được kiểm soát tốt về nguồn gốc.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm tại thôn Làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, ngày 8-1.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm tại thôn Làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, ngày 8-1.

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội liên tục phát hiện và bắt giữ các vụ việc vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn, sản xuất các loại thực phẩm có chứa hóa chất độc hại và các cơ sở kinh doanh vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh ATTP. Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho hay, chỉ trong mấy ngày đầu tháng 1-2025, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phát hiện và xử lý hàng chục tấn thực phẩm “bẩn”. Để bảo đảm ATTP, sức khỏe của nhân dân, Sở Công Thương TP Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về ATTP với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Vào ngày 8-1, một kho hàng chuyên thu gom buôn bán, sơ chế thực phẩm đông lạnh trôi nổi không bảo đảm ATTP có địa chỉ tại thôn Làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội vừa bị Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an xã Kim Quan phát hiện, bắt quả tang. Tại đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện hơn 3 tấn nầm, tràng, thịt, đuôi trâu bò các loại đang chuẩn bị được đưa ra thị trường tiêu thụ. Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra đã phát hiện cơ sở có các hành vi vi phạm như: Bảo quản, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, sơ chế, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hoạt động sơ chế, đóng gói thực phẩm, khu vực sản xuất có côn trùng gây hại.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Anh, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an TP Hà Nội cho biết: “Việc bảo quản, sơ chế lại hàng hóa đã hư hỏng, hết hạn sử dụng là vô cùng nguy hiểm. Những thực phẩm đã hỏng hoặc hết hạn muốn đóng gói mới, các đối tượng phải sử dụng hóa chất để khử hết mùi hôi thối và làm trắng lại hàng hóa. Những hóa chất này vô cùng độc hại, khi đến tay người tiêu dùng, dư lượng thuốc còn nhiều và nguy hiểm đến sức khỏe. Thời điểm này, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết và dịp lễ hội như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm; kiểm soát các cơ sở đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, vận chuyển thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; quản lý chặt hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng”.

Thời điểm đầu năm, lượng tiêu thụ hàng hóa tăng, kéo theo số lượng các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” cũng tăng. Để bảo đảm ATTP, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, cơ quan chức năng cần công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng để người dân được biết. Mỗi người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng tại những cửa hàng bán thực phẩm uy tín, an toàn; không mua thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dam-an-toan-thuc-pham-nhung-ngay-dau-xuan-814238
Zalo