Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa Lễ hội Rằm tháng Giêng
Những ngày này, du khách thập phương đến các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong tỉnh đang tăng cao. Theo đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ăn uống cũng sẽ tăng theo, nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn hiện hữu. Trước thực trạng này, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; đồng thời rất cần sự chung tay của người dân vào công tác này.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Sau Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm của các lễ hội. Từ nay đến hết Rằm tháng Giêng, lưu lượng người dân và du khách thập phương đổ về Bình Dương tham gia các lễ hội đang tăng cao. Hòa lẫn trong không gian các lễ hội là sự phong phú của dịch vụ ăn uống.Tại TP.Thủ Dầu Một, để chuẩn bị chu đáo cho mùa Lễ hội Rằm tháng Giêng, thành phố thường xuyên ra quân kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, nhắc nhở các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), bảo quản thực phẩm, ký cam kết và thực hiện đúng các yêu cầu quy định.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_413_51418207/5bcf2121186ff131a87e.jpg)
Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội được ngành chức năng TP.Thủ Dầu Một quan tâm. Trong ảnh: Một điểm chế biến cốm ngò, bánh tổ tại đường Nguyễn Trãi, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Bà Võ Thúy Hằng, Trưởng phòng Y tế TP.Thủ Dầu Một, cho biết đầu năm trên địa bàn diễn ra nhiều lễ hội lớn, nổi tiếng, nên từ trước Tết Nguyên đán, thành phố đã thành lập đội kiểm tra liên ngành về ATTP; tăng cường kiểm tra những mặt hàng người dân tiêu thụ nhiều trong dịp lễ hội như đồ ăn, uống nhanh, các loại thực phẩm đóng gói... Ngoài công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, thành phố và 14 phường còn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trong mùa lễ hội xuân. “Quan điểm của các ngành là xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, các trường hợp không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh”, bà Võ Thúy Hằng cho biết.
Người tiêu dùng khi ăn uống cần lựa chọn các cơ sở kinh doanh thực phẩm uy tín, đầy đủ giấy phép; khi chế biến cần phải rửa sạch tay, bề mặt thớt và nơi sơ chế; không dùng chung vật đựng đồ sống, đồ chín; ăn chín, uống sôi, không nên ăn thực phẩm sống vì chứa nhiều giun, sán, các vi sinh vật và vi trùng có hại cho cơ thể; bảo quản thực phẩm luôn ở nhiệt độ thích hợp; không ăn đồ đã để lâu, mốc, hư hỏng. Người dân không mua thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và không được kiểm nghiệm, nên sử dụng thực phẩm tươi sống để chế biến.
Trước đó, bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cũng chỉ đạo các địa phương có di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thu hút nhiều du khách vào dịp Lễ hội Rằm tháng Giêng, xây dựng phương án bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các phường phối hợp cơ quan, ban ngành liên quan kiểm tra cơ sở về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (cơ sở thuộc diện phải cấp giấy), hồ sơ khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm, danh sách đáp ứng kiến thức ATTP của người tiếp xúc với thực phẩm... Các ngành, địa phương hướng dẫn cho chủ nhà hàng, khách sạn thực hiện tốt quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, như: Khám sức khỏe, cập nhật kiến thức ATTP...
Theo ghi nhận của P.V, tại núi Châu Thới, phường Bình An, TP.Dĩ An, hơn 20 hộ kinh doanh, buôn bán hàng ăn sáng, thức ăn nhanh đã thực hiện ký cam kết với chính quyền địa phương về bảo đảm vệ sinh ATTP. Các lực lượng của UBND phường Bình An cũng ra quân chỉnh trang đô thị, tránh tình trạng mua bán bát nháo, gây mất mỹ quan tại khu vực núi Châu Thới.
Bà Đỗ Thị Chiến, một người bán bún, phở tại khu vực cổng vào núi Châu Thới, cho biết: “Chúng tôi đã làm cam kết với địa phương niêm yết giá cả hợp lý, chế biến món ăn ngon, an toàn, để tạo niềm tin với du khách. Chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng TP.Dĩ An là điểm đến an toàn đối với khách hành hương”.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Để bảo đảm ATTP cho du khách thập phương vãn cảnh, đi chùa Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, thức ăn đường phố. Năm nay, với tinh thần “Giữ uy tín với du khách thập phương”, các ngành, địa phương trong tỉnh nâng cao tinh thần cảnh giác, hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng tới hình ảnh đất và người Bình Dương trong lòng du khách khi về dâng hương trong mùa Lễ hội Rằm tháng Giêng.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_413_51418207/6a25e6d4df9a36c46f8b.jpg)
Tiểu thương bán bánh ngò, bánh tổ dịp Lễ hội Rằm tháng Giêng tại TP.Thủ Dầu Một
Điển hình những ngày trong tết, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã đồng loạt ra quân kiểm tra ATTP tuyến tỉnh và các huyện, thành phố. Theo đó, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã thành lập 134 đoàn kiểm tra 998 cơ sở. Qua đó, phát hiện 110 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm các điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người. Các đoàn đã tiến hành xử phạt 35 cơ sở với tổng số tiền hơn 262 triệu đồng; buộc 7 cơ sở ngưng hoạt động và nhắc nhở 68 cơ sở. Quá trình kiểm tra, các đoàn liên ngành cũng đã hướng dẫn, nhắc nhở một số cơ sở còn có mặt hàng chưa niêm yết giá hàng hóa, nâng cao nhận thức của chủ các cơ sở kinh doanh nhằm giữ uy tín thương hiệu với khách thập phương, người tiêu dùng và tuyên truyền những quy định của Nhà nước về bảo đảm ATTP. Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết nhờ làm tốt công tác kiểm tra bảo đảm ATTP nên trong suốt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào hoặc sự cố về ATTP làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân vui xuân, đón tết. Về bảo đảm ATTP sau tết và mùa Lễ hội Xuân năm 2025, đặc biệt Lễ hội Rằm tháng Giêng, ngành y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động, phối hợp với các cơ quan triển khai giám sát ATTP phù hợp với tình hình đặc điểm của mỗi địa phương. “Các địa phương chịu trách nhiệm về sự cố ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trên địa bàn. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan đầu mối tổ chức hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng phương án cấp cứu, giường bệnh, phương tiện, điều trị kịp thời cho người ngộ độc thực phẩm trong các sự kiện tập trung đông người, ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm.