Bảo đảm an toàn, ổn định và tăng trưởng tín dụng
Bảo đảm hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ an toàn, ổn định, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sơn La đã tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước; các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm túc quy định về lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình và nhu cầu vay tiêu dùng của nhân dân.
Đến hết tháng 10, dư nợ tín dụng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Sơn La (BIDV Sơn La) đạt 8.490 tỷ đồng, tăng 6,94% so cùng kỳ năm 2023. Phục vụ hơn 4.182 khách hàng vay, trong đó, có 123 khách hàng tổ chức, khách hàng doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã 6 lần điều chỉnh lãi suất cho vay theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phù hợp với diễn biến thị trường.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc BIDV Sơn La, cho biết: Hoạt động kinh doanh của BIDV duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả; huy động vốn đảm bảo cân đối, các chỉ tiêu đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm trước... Tuy nhiên, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ những tháng cuối năm, đơn vị đang tập trung duy trì quy mô tín dụng hợp lý, quản lý tốt danh mục tín dụng theo ngành, lĩnh vực; tăng quy mô ở các ngành nghề có xu hướng phát triển tốt, phục vụ phát triển KT-XH, nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các ngành nghề có rủi ro cao, hạn chế tập trung tín dụng vào một khách hàng, một nhóm khách hàng hoặc một ngành, lĩnh vực nhất định.
Ngoài ra, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng. Triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Thực hiện hiệu quả, thực chất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt sau cơn bão số 3 gây ảnh hưởng nghiêm trọng vừa qua, bao gồm: kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi vay... theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong 10 tháng qua, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, Chi nhánh Sơn La (SHB Sơn La) đã triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi tới khách hàng cá nhân với mức lãi suất từ 5,79%/năm và khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 4,8%/năm. Bên cạnh đó, SHB chủ động cấp các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất để khách hàng cá nhân, doanh nghiệp hồi phục sản xuất, ổn định sau thiên tai. Trong đó, SHB đã công bố gói vay 2.000 tỷ đồng, lãi suất 4,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cùng với miễn/giảm bình quân 50% lãi phải trả trong 4 tháng cuối năm 2024. Hết tháng 10/2024, SHB Sơn La đang phục vụ gần 14.000 khách hàng; huy động dư nợ đạt 1.994 tỷ đồng.
Ông Vũ Mạnh Quý, Giám đốc SHB Sơn La, cho biết: Các chương trình tín dụng đều được thiết kế phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề, nhóm khách hàng, qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, ổn định đời sống, thúc đẩy hồi phục và phát triển hoạt động kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số; đến nay, 90% các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu của SHB đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 92% số lượng giao dịch của các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số Mobile banking, Internet banking.
Đồng hành với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành quản lý hoạt động ngân hàng. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng an toàn, ổn định. Đến hết tháng 10, dư nợ của các tổ chức tín dụng trong tỉnh đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước; huy động vốn tại địa phương đạt 36.180 tỷ đồng, tăng 14,13% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành ngân hàng đang tiếp tục đổi mới việc quản lý, điều hành, thực hiện tốt các nghiệp vụ, cụ thể hóa chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hỗ trợ hiệu quả sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả phù hợp sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tăng cường huy động vốn; hướng tín dụng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.