Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy
Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường thủy, các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, lực lượng Công an tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân sinh sống và hoạt động kinh doanh trên tuyến đường thủy chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh tuyên truyền chủ bến tập kết vật liệu tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Ảnh: Trường Khanh
Vĩnh Phúc có 3 dòng sông lớn chạy qua, đó là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, với tổng chiều dài hơn 100 km và 3 hồ đầm lớn, gồm hồ Đại Lải (Phúc Yên), hồ Xạ Hương (Tam Đảo) và hồ Đầm Vạc (Vĩnh Yên). Trong đó, hồ Đại Lải hoạt động vận tải hành khách du lịch bằng du thuyền rất phát triển. Trên các tuyến sông, hằng ngày có hàng trăm phương tiện thủy lưu thông, đây là các tuyến giao thương quan trọng của người dân trong và ngoài tỉnh.
Bước vào mùa mưa bão, hoạt động trên tuyến giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn nguy hiểm, khi mực nước tăng cao, nhiều luồng lạch, phức tạp về xoáy nước… gây mất an toàn khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng về số lượng phương tiện thủy trong khi cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp; ý thức tham gia giao thông và việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người dân trên đường thủy còn hạn chế.
Tình hình vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông, hoạt động của các loại tội phạm luôn tiềm ẩn phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi… Điều đó gây ra những khó khăn, thách thức đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và trật tự xã hội trên tuyến đường thủy.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, hệ thống giao thông đường thủy phức tạp, không những thế, một bộ phận người dân, chủ tàu, thuyền, lái tàu, chủ bến khách ngang sông chưa tuân thủ, chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thủy hoặc vì lợi nhuận kinh doanh có hành vi vi phạm an toàn giao thông.
Do đó, để ngăn ngừa nguy cơ tai nạn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông chạy qua địa bàn tỉnh. Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bố trí cán bộ, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sát với tình hình thực tiễn.
Tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: Chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người quy định, vi phạm về thiết bị an toàn, vi phạm về đăng ký, đăng kiểm phương tiện…
Từ năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh đã tổ chức gần 1.000 ca tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông, với gần 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, chủ động phòng ngừa các phức tạp về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trên các tuyến sông qua địa bàn, ngăn chặn và phát hiện gần 400 trường hợp vi phạm, nộp ngân sách nhà nước hơn 300 triệu đồng.
Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; không để các đối tượng lợi dụng tuyến đường thủy để phạm tội và vi phạm pháp luật, nhất là các đối tượng hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép…
Công an tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí của địa phương, trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham gia giao thông đường thủy bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, địa bàn (sông, hồ, đập…).
Trọng tâm là phổ biến các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; kỹ năng tham gia giao thông đường thủy an toàn và xử lý tốt các tình huống phát sinh...
Đồng thời, tổ chức khảo sát các tuyến đường thủy nội địa, xác định những khu vực trọng điểm, phức tạp có thể xảy ra sạt, lở đê, các điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, hệ thống biển báo không phù hợp với tình hình thực tế để kịp thời có phương án, biện pháp khắc phục, thay thế, tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông đường thủy an toàn.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương và lực lượng công an cơ sở phát động hiệu quả phong trào toàn dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự và trật tự, an toàn giao thông trên đường thủy…