Báo Đại biểu Nhân dân đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Chiều ngày 3/10, tại Nhà Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân đã long trọng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đến dự buổi lễ có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là đại diện lãnh đạo Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo một số địa phương.
Tại buổi lễ, nhà báo Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân đã thông tin về chặng đường 35 năm hình thành và phát triển của tờ báo.
Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh: "Chặng đường 35 năm so với 1 tờ báo chưa phải là dài, nhưng Báo Đại biểu Nhân dân đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế và sứ mệnh vẻ vang là Tiếng nói của Quốc hội, Diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri".
35 năm qua, kể từ ngày đầu thành lập (5.10.1988), Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân ra mắt bạn đọc, từ 2 đến 3 tháng một kỳ; và tới năm 2002, đổi thành Báo Người Đại biểu Nhân dân, ra mắt bạn đọc hằng tuần.
Trước yêu cầu phát triển mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới và những nỗ lực xuất sắc trong thực hiện tôn chỉ của tờ báo, ngày 27.8.2009, Chủ tịch Quốc hội Khóa XII Nguyễn Phú Trọng, nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã ký Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân.
Nhà báo Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định, Báo Đại biểu Nhân dân ngày càng khẳng định vị thế và uy tín của một cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội, một trong 12 cơ quan báo chí chính trị chủ lực của quốc gia với những bước phát triển mới, từng bước in dấu ấn của một tờ báo sang trọng, trí tuệ và gần gũi.
Để tiếp tục phát triển vị thế, vai trò và uy tín, Báo Đại biểu Nhân dân phấn đấu xây dựng tờ báo có: “Tư duy - Tầm nhìn - Trung thực - Trong sạch - Tinh tế”, như sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đồng thời, phải là một trong những cơ quan của Quốc hội đi đầu trong chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng nhằm tiếp tục tuyên truyền một cách hệ thống, chân thực và sinh động hơn nữa, góp phần thiết thực nâng cao vị thế, vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tiếp tục quan tâm toàn diện, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng tốt cho việc vận hành tòa soạn điện tử, tòa soạn hội tụ; tham mưu phê chuẩn danh mục đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm mức ngân sách hằng năm ngang tầm nhiệm vụ chính trị. Đây là động lực rất to lớn đối với sự phát triển của tờ báo chính trị.
“Nhìn lại và suy nghĩ về chặng đường 35 năm đã qua để thêm nguồn động lực mới cho những bước phát triển phía trước. Báo Đại biểu Nhân dân nguyện tiếp tục là tai mắt cùng nghĩ, cùng nói, là cánh tay cùng làm với cử tri và Nhân dân cả nước”, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kế thừa và phát huy thành quả của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV đã và đang nỗ lực đổi mới và đạt được những kết quả thiết thực. Hoạt động lập pháp ngày càng được đẩy mạnh và có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng; hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới, nội dung tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng của đất nước, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, trong kết quả chung đó có sự đóng góp tích cực, quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung và của Báo Đại biểu Nhân dân nói riêng. Báo đã phát huy vai trò định hướng dư luận xã hội, phê phán, đấu tranh với tư tưởng sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, báo đã khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò là một trong hai cơ quan thông tin chủ lực của Quốc hội với bản sắc riêng, ấn tượng về tính “Chuyên nghiệp, chính xác, bổ ích, nhân văn và hấp dẫn”.
Trong thời gian tới, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Báo Đại biểu Nhân dân cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể; chủ động thực hiện hiệu quả vai trò là “Tờ báo của Quốc hội”, góp phần tích cực vào việc thực hiện các quyết sách của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân.
Báo Đại biểu Nhân dân phải là cơ quan thực sự đoàn kết, thống nhất cao, vững mạnh về mọi mặt, xây dựng cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa; lao động, cống hiến, dấn thân vì nhiệm vụ. Báo cần chú trọng việc thực hiện tốt trách nhiệm chung của báo chí cách mạng Việt Nam là đóng góp quan trọng vào việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; tham gia tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc xây dựng và phát triển một tờ báo chính trị có sức hấp dẫn và cuốn hút người đọc là nhiệm vụ không dễ dàng. Vì vậy mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo phải ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả thế mạnh riêng có, thông tin một cách hệ thống, trung thực, nhanh chóng và sinh động, hấp dẫn. Từ đó để Báo Đại biểu Nhân dân trở thành một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong chuyển đổi số của các cơ quan báo chí trong cả nước...
Tại buổi lễ đã công bố các quyết định khen thưởng và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Báo Đại biểu Nhân dân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nhà báo Phạm Thị Thanh Huyền.