Bão đã qua, nhiều trường đại học trở lại dạy trực tiếp
Nhiều trường đại học trở lại dạy trực tiếp sau khi khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3.
Ngày mai, 16/9, các trường đại học trở lại hoạt động bình thường, trong đó, hoạt động dạy và học được tổ chức bằng hình thức trực tiếp thay vì trực tuyến như tuần vừa qua do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.
Theo Tiền Phong, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo tới toàn thể sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường từ ngày 16/9, các đơn vị tiếp tục thực hiện các chương trình, sự kiện, hoạt động bị hoãn do ảnh hưởng của mưa, lũ sau bão số 3; các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu bảo vệ luận văn, luận án diễn ra bình thường theo hình thức trực tiếp.
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thông báo sinh viên toàn trường đi học trực tiếp từ ngày 16/9. Tương tự, sinh viên khóa mới của Trường Đại học Luật , Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chính thức học trực tiếp từ ngày mai sau 2 lần lùi lịch học do ảnh hưởng của mưa lũ sau cơn bão số 3.
Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cũng từ ngày 16/9, các hoạt động dành cho tân sinh viên diễn ra bình thường ở cơ sở chính tại Hà Nội như khám sức khỏe, làm thẻ sinh viên, mua bổ sung đồng phục.
Còn tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, giảng viên, sinh viên và học viên trở lại học tập theo hình thức trực tiếp trên giảng đường từ chiều ngày 12/9.
Đối với sinh viên, học viên không thể đi học trực tiếp trên giảng đường do ảnh hưởng của thời tiết (sinh sống trong khu vực ngập, lụt không thể di chuyển), sinh viên, học viên chủ động liên hệ với giảng viên giảng dạy. Giảng viên cung cấp tài liệu, hướng dẫn sinh viên, học viên tự học, tự nghiên cứu hoặc làm bài tập để đảm bảo nội dung học tập qua email hoặc các hình thức khác phù hợp.
Trước đó, Trường Đại học Kỹ thuật Công Nghiệp (Đại học Thái Nguyên) quyết định cho giảng viên và sinh viên trở lại trường học từ ngày 13/9. Nhà trường sẽ thông báo lịch học bù những buổi đã nghỉ học sau.
Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) thông báo các hoạt động đào tạo sẽ quay trở lại bình thường từ 12/9. Sáng 11/9, các đơn vị đã kịp thời khắc phục hậu quả của mưa lũ, ổn định trường lớp.
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cũng thông báo các hoạt động nhập học, đón tân sinh viên diễn ra bình thường vào ngày 14/9, không có sự thay đổi.
Hậu quả nặng nề từ bão số 3
Ngày 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo gửi Thường trực Chính phủ về tình hình thiệt hại, các giải pháp khắc phục hậu quả mưa bão, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh sau cơn bão số 3.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn.
Bão đã gây ra tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng cùng lúc, cả trên biển và trên bờ, toàn bộ địa bàn của một số địa phương và tại nhiều địa phương, khiến công tác thông tin, liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn càng trở nên khó khăn, nặng nề và nhiều thách thức hơn. Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại còn có thể còn nặng nề hơn.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cơn bão số 3 đã tác động toàn diện tới tình hình kinh tế - xã hội của nước ta.
Đến nay đã có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.
Bão lũ gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.
Trúc Chi (t/h)