Báo chí và doanh nghiệp: Mối quan hệ đồng hành cùng phát triển

Báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh của các doanh nghiệp, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024" do VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức.

Diễn đàn "Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024" do VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức.

Báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh!

Với hơn 808 cơ quan báo chí hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 60 tạp chí kinh tế, hệ sinh thái thông tin kinh tế ngày càng đa dạng và phong phú, đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao nhận thức kinh tế cho xã hội.

Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát song với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, môi trường truyền thông, báo chí là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt. Đây là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội.

Qua đó, báo chí góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Năm 2024, Việt Nam kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhưng cũng chỉ còn 20 năm nữa để phấn đấu đạt được mục tiêu này.

Các cơ hội lịch sử đang mở ra, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khát khao và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để được góp phần đưa đất nước phát triển.

Chủ tịch VCCI, Phạm Tấn Công chia sẻ tại diễn đàn.

Chủ tịch VCCI, Phạm Tấn Công chia sẻ tại diễn đàn.

Vì vậy, ông Công nhấn mạnh, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng. Yếu tố tinh thần luôn là sức mạnh đặc biệt của cách mạng Việt Nam và con người Việt Nam.

Mới đây, Nghị quyết số 93 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, cũng nêu yêu cầu các cơ quan báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, phản ánh khách quan, trung thực diễn biến, tình hình và công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ.

Thực hiện theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, báo chí góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo khí thế mới, động lực mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển.

Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là mối quan hệ cộng sinh, cùng phát triển.

Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.

Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.

Ở góc độ khác, báo chí là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn.

Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của nhà nước, báo chí với vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp cũng ngược trở lại trở thành là tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng và thực tế của mình.

Với vai trò đó, báo chí đã và đang là kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp chính sách của nhà nước theo kịp diễn biến của nền kinh tế hiệu quả hơn, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp cần hơn sự 'đồng hành'

Nhấn mạnh rằng, báo chí là lực lượng thông tin chủ lực, dòng thông tin chính định hướng xã hội, song theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, từ nhiều năm nay, trong hành trình cùng phục vụ xã hội và người dân, lợi ích của báo chí và doanh nghiệp nhiều khi không song trùng và xung đột.

Điều này làm giảm sút niềm tin của một bộ phận người đọc và làm mối quan hệ không được xây dựng trên cơ sở trong sáng và minh bạch.

Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn chưa quan tâm nhiều đến công tác truyền thông, hình ảnh doanh nghiệp, dẫn đến việc giao dịch giữa doanh nghiệp và báo chí là những thương vụ đơn lẻ, từ đó làm giản tính hấp dẫn và hiệu quả.

Trong khi đó, có một bộ phận báo chí nhìn vấn đề theo hướng tiêu cực, tạo sức ép với doanh nghiệp, gây áp lực lên các cơ quan quản lý quản lý phải tìm hiểu chi tiết, xử lý các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng.

Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt quan hệ với báo chí và có tầm nhìn dài hạn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức đầy đủ, thường nhắm đến lợi ích nhóm trước mắt. Điều này khiến mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp có nguy cơ lệch hướng và phức tạp.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Phó chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, báo chí cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực nếu đưa tin không chính xác hoặc một chiều.

Những thông tin sai lệch có thể làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, gây mất niềm tin từ phía khách hàng, đối tác và dẫn đến sụt giảm doanh thu, lợi nhuận.

Các thông tin tiêu cực cũng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp, làm khó khăn hơn trong việc huy động vốn và thu hút nhân tài.

Đẩy mạnh hơn nữa tính trung thực, khách quan của báo chí

Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, ông Lâm nhận định, để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.

Báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt. Trong đó, dịch vụ cung cấp thông tin là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao.

Hiện nay để có các sản phẩm báo chí chất lượng cao cần có sự đầu tư nghiêm túc trên nhiều khía cạnh như công nghệ, phương tiện, hình thức thể hiện…

Bên cạnh đó, báo chí và doanh nghiệp cần phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại cho nhau những giá trị bằng những phương thức hợp tác khác, không thể chỉ là mối quan hệ “làm phiền đến nhau”.

Để thực hiện điều này, theo Nhà báo, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo chí, trong đó quan trọng nhất là bản lĩnh và trách nhiệm của người làm báo. Nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội và năng lực nghề nghiệp là những yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi nhà báo.

Ông Phong cho rằng, thông tin báo chí về kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội và sự phát triển của doanh nghiệp. Với vai trò cầu nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, báo chí cần không ngừng nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Để báo chí phát huy tốt vai trò của mình, đồng hành cùng doanh nghiệp, theo ông Tuấn, tính trung thực và khách quan trong việc đưa tin cần được đề cao. Nhà báo cần kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin từ nhiều nguồn trước khi công bố.

Đối với lĩnh vực kinh tế, cần nâng cao trình độ chuyên môn của các phóng viên, đảm bảo họ hiểu sâu về các vấn đề kinh doanh, đầu tư và thị trường. Cách thức đưa tin cũng cần cân bằng giữa thông tin tích cực và tiêu cực, tránh phiến diện và luôn cho doanh nghiệp cơ hội phản hồi trước khi kết luận.

Về phía quản lý nhà nước, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về báo chí, ban hành các quy định rõ ràng để xử lý vi phạm. Đồng thời, năng lực quản lý cần được nâng cao, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp để giám sát, đánh giá và xử lý kịp thời các sai phạm.

Mặt khác, việc thiết lập kênh đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và báo chí cũng là điều cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển bền vững, chuyên gia này nhấn mạnh.

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/bao-chi-va-doanh-nghiep-moi-quan-he-dong-hanh-cung-phat-trien-d37613.html
Zalo