Báo chí trước 'cơn sóng thần' GenAI
Những gã khổng lồ của truyền thông số hiện nay như Google, Facebook có thể bị 'lật nhào' khi nhân tố mới mẻ nhưng vô cùng nguy hiểm xuất hiện: Generative AI
Người dùng internet cách đây 20 năm từng gắn chặt danh xưng của mình trên thế giới mạng bằng một nick Yahoo. Và giờ đây, con cái họ hẳn sẽ tròn mắt ngạc nhiên khi bố mẹ chúng kể chuyện từng tán tỉnh nhau qua chat Yahoo như thế nào.
Mọi thứ đều có thể thay đổi
Khi mô tả về sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số (digital media), Hiệp hội Báo chí và Các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) từng sử dụng thuật ngữ "wave of disruption" (tạm dịch: sóng sau đè sóng trước). Đứng trước những cơn sóng, không có gì là bất biến, nhất là cơn sóng thần Generative AI (GenAI, trí tuệ nhân tạo tạo sinh).
Khi đâu đó còn đang mải tranh cãi về web 3.0 hay chính xác hơn là media 3.0 thì thế giới đã chuẩn bị bước sang giai đoạn media 4.0. Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters và Đại học Oxford trong báo cáo kỹ thuật số năm 2022 giải thích web 3.0 là giai đoạn "người dùng tự tạo nội dung, người dùng tự kiếm tiền". Đó là thời đại mà các KOL/KOC đôi khi có sức hút còn lớn hơn cả các cơ quan báo chí.
Chẳng hạn, Dylan Page - một nhà sáng tạo tin tức trẻ đến từ Vương quốc Anh - có nhiều người theo dõi và xem video thường xuyên hơn cả hãng truyền thông BBC và tờ New York Times cộng lại. Hay tại Việt Nam, một Facebooker có khoảng 200.000 lượt người theo dõi từng tiết lộ giá đăng mỗi bài viết (status) của anh lên tới 50 triệu đồng trong khi giá bài PR với số chữ nhiều hơn, treo trên trang chủ của một tờ báo điện tử lớn cũng chỉ 30 triệu đồng.
Nhưng rồi thời đại đó cũng có thể bị cuốn bay nhanh như cách Google từng quật ngã Yahoo trong quá khứ, khi ngày càng có nhiều chuyên gia đề cập media 4.0. Tại một tọa đàm do Văn phòng Ngoại giao Mỹ ở Việt Nam tổ chức mới đây, diễn giả Rashid Patel đến từ Splice Media cho rằng media 4.0 là "truyền thông vô tận". Nó được tạo ra bởi AI theo yêu cầu trong thời gian thực, có khả năng mở rộng vô hạn, rẻ, bằng bất kỳ giọng nói nào, theo bất kỳ phong cách nào, dưới bất kỳ định dạng nào.
Với các công cụ AI, chỉ cần 1 - 2 người đã có thể vận hành cả một tờ báo, xuất bản mỗi ngày cả trăm bài bằng đa ngôn ngữ. Còn người đọc sẽ không tiếp nhận thông tin theo cách trước đây là tìm kiếm bằng cách gõ từ khóa trên các công cụ như Google, Bing, Cốc Cốc mà sẽ hỏi các chatbot vốn ngày càng trở nên thông minh hơn.
Bảo lưu những giá trị cốt lõi
Suốt một thời gian dài, thuật toán của Google đã buộc các phóng viên, biên tập viên phải tuân theo những quy tắc đặt tít, viết tin đôi khi đi ngược lại những điều được dạy trong trường. Nhưng giờ đây, có thể các SEO-er mới là những người phải cắp sách học các nhà báo chuyên nghiệp, bởi nội dung do con người viết ra bằng trí óc sẽ được dán nhãn "premium" nếu như báo chí tràn ngập nội dung do AI tạo nên.
Do vậy, chuyên gia Patel tin rằng "truyền thông tương lai là tập trung vào người dùng, theo nhu cầu và dựa trên sở thích". Nhận định này thật ra không khác mấy so với điều mà báo chí đã tập trung làm trong khoảng 1 - 2 năm gần đây, đó là sản xuất nội dung xoay quanh mô hình user-needs (tạm gọi là phân tích nhu cầu thật của độc giả).
Khi mô hình này được BBC World Service và nhà báo Dmitry Shishkin triển khai dựa trên thuật toán của công ty khởi nghiệp chuyên về AI là Smartocto, nhóm thực hiện nhận ra rằng hóa ra độc giả không chỉ quan tâm đến những tin tức nóng hổi như nhiều cơ quan báo chí lầm tưởng, mà họ quan tâm nhiều vấn đề đơn giản khác, tùy theo từng nhóm đối tượng. AI sẽ giúp báo chí tìm đúng và giải quyết vấn đề mà bạn đọc quan tâm.
Một trong những người phụ trách việc đưa sáng kiến nói trên vào Việt Nam thông qua chương trình Google News Initiatives nhìn nhận độc giả sẽ có 2 xu hướng chính. Một là, chối bỏ tin tức (avoidance news) - xu hướng bắt đầu nổi lên từ giai đoạn đại dịch COVID-19 rồi sau đó là xung đột Nga - Ukraine. Hai là, tìm đến những nội dung báo chí tích cực, cung cấp giải pháp và giúp người đọc hiểu các vấn đề phức tạp.
Báo cáo Kỹ thuật số 2024 vừa được Viện Nghiên cứu báo chí Reuters và Đại học Oxford công bố ngày 17-6 cũng phân tích sâu các xu hướng này. Đồng thời, định nghĩa một cơ quan báo chí thành công khi đáp ứng được từng nhu cầu của độc giả, bao gồm cập nhật, giúp bạn đọc hiểu sâu hơn vấn đề, truyền cảm hứng, giúp đỡ, chuyển hướng cho bạn đọc, giúp họ thoải mái hơn, giáo dục và kết nối.
Đặc biệt, đối tượng độc giả trẻ (từ 18 - 25 tuổi) sẽ xếp hạng cơ quan báo chí dựa vào 3 trụ cột, gồm: sự tin cậy, tính cá nhân hóa và cách kể chuyện hấp dẫn. Bên cạnh đó, cho dù truyền thông 4.0 được dẫn dắt bởi AI song độc giả sẽ không chấp nhận AI can thiệp vào các chủ đề liên quan chiến tranh, bầu cử... Điều quan trọng hơn cả là phải đặt ra lằn ranh đạo đức tại mỗi tòa soạn khi sử dụng các công cụ AI để sản xuất sản phẩm báo chí.
Phân tích dữ liệu để nhận diện độc giả
Trước "cơn sóng thần" kỹ thuật số, truyền thông 4.0 đang ở giai đoạn SaaS - xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả thông qua dữ liệu và tối ưu tương tác từ độc giả. Tức là, khi có dữ liệu, chúng ta mới biết đích xác độc giả của mình là ai, có nhu cầu cụ thể ra sao, thích đọc tin tức theo định dạng gì, qua những kênh phân phối nào.
"Chiến lược Chuyển đổi số báo chí quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" xác định đầu tư cho công nghệ là đầu tư cho tương lai. Công nghệ sẽ giúp các cơ quan báo chí thực hiện giá trị cốt lõi là phát triển độc giả và phát triển nguồn thu.
Những cơ quan báo chí thành công trên thế giới và cả ở Việt Nam vẫn là những tờ báo nơi mà mọi thế hệ đều có thể tìm thấy nội dung hữu ích. Những tờ báo này biết cách đa dạng hóa nguồn thu từ các mô hình kinh doanh mới. Có như vậy, các cơ quan báo chí mới tự tin, không sợ bị "cơn sóng thần" cuốn đi xa.
Nỗi lo ngại chatbot tạo ra tin giả dựa trên dữ liệu đương nhiên vẫn sẽ tồn tại. Song, với việc các công cụ này ngày càng được cải thiện tốt hơn, thông minh hơn, nó có thể khiến giới báo chí phải thay đổi hoàn toàn cách phân phối thông tin.