Báo chí thúc đẩy chuyển đổi xanh

Sáng 17-8, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), diễn ra Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 11 (vòng IV) với chủ đề: 'Báo chí tuyên truyền thúc đẩy Chuyển đổi xanh'. Sự kiện do Báo Lâm Đồng đăng cai tổ chức.

Tham dự hội thảo có Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học, lãnh đạo 19 cơ quan báo Đảng tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các cơ quan báo chí trong cả nước.

 Quang cảnh buổi hội thảo

Quang cảnh buổi hội thảo

Hội thảo thu hút 19 tham luận về chủ đề “Báo chí tuyên truyền thúc đẩy Chuyển đổi xanh”, mang tính thời sự, phản biện và nhiều đề xuất, giải pháp hữu ích trong công tác tuyên truyền chuyên sâu về chuyển đổi xanh.

 Nhà báo Hồ Thị Lan, Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị

Nhà báo Hồ Thị Lan, Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo với sự tham gia không chỉ của 19 báo Đảng trong khu vực mà còn có sự góp mặt của nhiều cơ quan báo chí trên khắp cả nước. Đối với Lâm Đồng, chủ đề chuyển đổi xanh càng ý nghĩa, thiết thực hơn trong bối cảnh địa phương chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nắng nóng, thiên tai ngày càng gia tăng. Điều này đã gây không ít khó khăn trong đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học phát biểu tại hội nghị

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng mong muốn, hội thảo sẽ lan tỏa những suy nghĩ, hành động tích cực, nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trần Thị Thu Thủy cho biết, Báo Đà Nẵng hiện tập trung dung lượng khá lớn tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu sử dụng và thải bỏ tài nguyên, không chỉ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, mà còn góp phần giúp địa phương tiến đến thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

“Báo Đà Nẵng tuyên truyền đậm nét về các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ kinh phí lẫn kinh nghiệm, kỹ thuật từ các tổ chức, địa phương Nhật Bản như: JICA, Yokohama... để giúp Đà Nẵng phát triển theo mô hình của thành phố môi trường tiêu biểu của Nhật Bản (Yokohama). Các mô hình, chương trình của KOICA, USAID, GEF, UNDP, CCBO, WB, ADB...”, bà Trần Thị Thu Thủy chia sẻ.

 Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trần Thị Thu Thủy phát biểu tại hội thảo

Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trần Thị Thu Thủy phát biểu tại hội thảo

Đối với địa phương có tiềm năng về nông nghiệp như Đắk Lắk, Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Đinh Xuân Toản cho rằng, dù quy mô ngành nông nghiệp lớn, mang lại nhiều việc làm và thu nhập cho người dân, tuy nhiên trình độ canh tác còn thâm dụng nhiều tài nguyên, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; diện tích trồng trọt/chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán…. Xuất phát từ đặc điểm trên, ban biên tập đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo các phòng chuyên môn, phóng viên đi sâu tìm hiểu thực tiễn chuyển đổi xanh trong nông nghiệp tại cơ sở.

 Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Đinh Xuân Toản

Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Đinh Xuân Toản

“Báo tiến hành đổi mới và nâng cao chất lượng chuyên mục Bạn của nhà nông, các số chuyên đề (mỗi tuần 1 số), đi sâu phân tích, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp chuyển đổi xanh từng lĩnh vực trong nông nghiệp, tập trung vào cây công nghiệp, cây ăn quả, các mô hình liên kết theo chuỗi, hợp tác xã kiểu mới… Phát huy thế mạnh của các thể tài đặc trưng của báo điện tử trong truyền thông chính sách về chuyển đổi xanh nông nghiệp”, Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Đinh Xuân Toản cho biết.

 Tuyên truyền sản xuất theo xu hướng chuyển đổi xanh được các cơ quan báo Đảng quan tâm. Ảnh: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TP Đà Lạt

Tuyên truyền sản xuất theo xu hướng chuyển đổi xanh được các cơ quan báo Đảng quan tâm. Ảnh: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TP Đà Lạt

Tại hội thảo, Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP cho biết, TPHCM là một đô thị lớn với hơn 10 triệu dân, có tốc độ, mật độ xây dựng chóng mặt, cây xanh, khoảng đất trống ngày càng giảm dần, khí thải, chất thải rắn ngày càng tăng lên.

Tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại TPHCM thấp nhất trong các đô thị của cả nước, chỉ đạt khoảng 0,55m2/người, trong khi tiêu chuẩn cây xanh đô thị đặc biệt khoảng 15m2/người. Nhìn nhận thực tế này, trong các Nghị quyết của Đảng bộ, HĐND TPHCM đều chỉ rõ mục tiêu, yêu cầu sắp xếp và tổ chức không gian thành phố trở thành đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; tăng cường kết nối vùng; đồng thời, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thiên nhiên, lịch sử - văn hóa và đô thị; bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

 Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP phát biểu tại hội nghị

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP phát biểu tại hội nghị

Xác định tầm quan trọng của việc tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh, từ rất sớm, ngay từ năm 2005, Báo SGGP đã xây dựng và triển khai công tác truyền thông “Xanh”. Trong đó, tập trung vào mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức “Xanh” trong doanh nghiệp và cộng đồng. Cụ thể, từ năm 2005, Báo SGGP đã thành lập chuyên trang "Môi trường - Đô thị xanh".

Đến năm 2006, Giải thưởng Doanh nghiệp Xanh được Báo SGGP tổ chức và sau đó được UBND TPHCM ủng hộ mạnh mẽ, nâng lên thành giải thưởng cấp thành phố. Giải thưởng này cũng nhận được sự quan tâm tích cực từ phía Bộ TN-MT.

Tiếp đó, đến năm 2010, Chiến dịch Tiêu dùng xanh được Báo SGGP triển khai, góp phần hoàn thiện hoạt động truyền thông “Xanh” của Báo, với 3 trụ cột: Xây dựng Thương hiệu Xanh cho doanh nghiệp; Gia tăng nhận diện Doanh nghiệp xanh cho cộng đồng; Lan tỏa thông tin sâu rộng trong cộng đồng.

 Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng (thứ hai từ phải sang) trao đổi với các đại biểu Báo SGGP dự hội nghị

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng (thứ hai từ phải sang) trao đổi với các đại biểu Báo SGGP dự hội nghị

“Hoạt động truyền thông Xanh của Báo SGGP được phát triển và mở rộng trên toàn bộ hệ sinh thái SGGP gồm các ấn phẩm báo in và báo online. Sự đa dạng về thể loại và ngôn ngữ của các ấn phẩm Báo SGGP là lợi thế và là thế mạnh để thông tin của Báo lan tỏa sâu rộng đến doanh nghiệp và cộng đồng người dân”, Nhà báo Nguyễn Khắc Văn cho biết.

Tại hội thảo, các đơn vị đã trao đổi kinh nghiệm từ thực tiễn; những thuận lợi, khó khăn về công tác tuyên truyền chiến lược quốc gia về chuyển đổi xanh nhằm hướng đến một môi trường xanh và phát triển bền vững.

Hội thảo cũng nêu bật vai trò, trách nhiệm của báo chí nói chung, của báo Đảng địa phương nói riêng nhằm góp phần thay đổi tư duy, chuyển biến nhận thức, hành động cụ thể trong cộng đồng để cùng chung tay thúc đẩy chuyển đổi xanh một cách bền vững.

 Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học chụp ảnh cùng đoàn Báo SGGP bên lề hội nghị

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học chụp ảnh cùng đoàn Báo SGGP bên lề hội nghị

Đại diện các cơ quan, đơn vị đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh gắn với chuyển đổi số báo chí. Qua đó, xây dựng các cơ quan báo Đảng trong khu vực theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Trong khuôn khổ hoạt động của Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ngày 17-8, Báo Lâm Đồng phối hợp với huyện Lạc Dương tổ chức Lễ trao học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó trong huyện, trị giá 1 triệu đồng/phần với tổng số tiền 35 triệu đồng. Nguồn kinh phí được trích từ quỹ từ thiện xã hội của Báo Lâm Đồng.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-chi-thuc-day-chuyen-doi-xanh-post754482.html
Zalo