Báo chí tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
(Baoquangngai.vn)- Tại Hội thảo báo chí tỉnh Khánh Hòa lần thứ XI, các nhà báo, chuyên gia đã gợi mở nhiều vấn đề để phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ngày 20/9, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo báo chí tỉnh lần thứ XI, năm 2024 với chủ đề “Vai trò của báo chí trong xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn mới”.
Hơn 200 đại biểu gồm các nhà nghiên cứu, quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, phóng viên, nhà báo hoạt động tại tỉnh Khánh Hòa và các địa phương trong khu vực Nam Trung bộ tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, thời gian qua, nhiều bài viết được đăng trên các cơ quan báo chí trung ương, địa phương đã phân tích, đánh giá việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; góp phần công khai, minh bạch thông tin về công tác cán bộ. Qua đó, giúp người đọc hiểu rõ bản chất, ý nghĩa và tầm quan trọng của các chủ trương, chính sách.
Mong Hội Nhà báo Việt Nam và địa phương tiếp tục có các hội thảo, lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các hội viên, nhà báo với những chủ đề chuyên sâu. Qua đó, giúp cho đội ngũ người làm báo tiếp tục phát huy vai trò, đồng hành cùng địa phương trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách phía Nam Trần Trọng Dũng cho rằng, qua hội thảo lần này, người làm báo cần phát huy thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí, phản ánh chính xác, đa chiều và đa dạng thực tế xã hội... mang lại thông tin có giá trị, có thêm tiếng nói giúp Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn hiện cơ chế khuyến khích; bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.
Hội thảo đã nhận được trên 30 tham luận của các nhà khoa học, nhà báo, cán bộ quản lý báo chí ở trung ương và địa phương. Các đại biểu được nghe một số tham luận và thảo luận xoay quanh các vấn đề, gồm: Báo chí với bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Khánh Hòa bứt phá về khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về biển; một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ; tạo dựng môi trường thuận lợi nhằm phát huy vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề, gồm: Làm rõ nội hàm và hệ thống lý luận về vấn đề “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”; công tác phối hợp giữa các cơ quan của tỉnh với báo chí trong tuyên truyền về triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề liên quan đến nội dung đề cao vai trò của báo chí trong xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong giai đoạn mới; trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo khi đưa tin về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ hiện nay.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam- Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, việc báo chí tham gia tuyên truyền bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đang gặp một số khó khăn nhất định.
Cụ thể, không ít người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngại va chạm, không cung cấp thông tin cho báo chí; không thực hiện tốt quy định về người phát ngôn, chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Báo chí 2016…
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng, cần có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí đến từ các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, được giao nhiệm vụ phát ngôn. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường giám sát việc thực hiện quy chế phát ngôn của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan báo chí.
Còn theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam), cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa cần tạo điều kiện cho phóng viên tiếp cận thông tin, thực hiện các hoạt động báo chí. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi của phóng viên khi tác nghiệp.
Cơ quan báo chí cần cung cấp cho cơ quan chức năng những phản hồi, ý kiến của người dân, của cán bộ, công chức về công tác cán bộ, những vấn đề mà báo chí đã phát hiện, những kiến nghị của độc giả. Qua đó, giúp cơ quan chức năng nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời điều chỉnh các chính sách.
Tin, ảnh: K.NGÂN – T.PHƯƠNG – T.HẬU