Báo chí phải dùng công nghệ số để tăng độc giả, quảng cáo
Trả lời các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực thông tin và truyền thông sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để báo chí trở thành kênh định hướng dư luận, phải dùng công nghệ số để tăng lượng độc giả, tăng quảng cáo.
Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên về giải pháp để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại với mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính.
Nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, quảng cáo dịch chuyển sang trực tuyến với 80% doanh thu chuyển sang mạng xã hội. Như vậy, nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí), nhưng nguồn thu giảm. Trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm 2023, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.
Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, báo chí phải có sự khác biệt với mạng xã hội là dùng công nghệ số để lấy lại thị phần, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời, trong quá trình sửa luật theo hướng Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về giải pháp cụ thể để các cơ quan báo chí duy trì chất lượng, sự trung thực trong thông tin, hạn chế lệ thuộc vào quảng cáo tác động đến cơ quan báo chí, lan tỏa giá trị nhân ái Bộ trưởng cho biết, có tình trạng doanh nghiệp sử dụng phương thức hỗ trợ truyền thông tác động vào cơ quan báo chí để thông tin theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phát hiện, rà soát, đánh giá, xử lý; ban hành các quy định về bảo hộ truyền thông giữa doanh nghiệp và cơ quan báo chí để thực hiện đúng, tránh lợi dụng thông tin.
Để lan tỏa tấm gương, các thông tin tốt, tích cực, Bộ trưởng khẳng định, Bộ có tiêu chuẩn, tiêu chí để xác định tiêu cực, tích cực, trong đó thông tin trên báo chí tích cực trên 60%, thông tin trung tính 25%, thông tin tiêu cực khoảng 15% và đang cố gắng hạ thấp xuống bằng đánh giá hàng ngày đối với các cơ quan báo chí.
Đối với vấn đề liên quan đến báo chí cách mạng, Bộ trưởng cho rằng, trước đây, báo chí cách mạng hoàn toàn do cách mạng nuôi, khi xuất hiện kinh tế thị trường, các cơ quan báo chí bên cạnh ngân sách Nhà nước, còn có nguồn thu từ quảng cáo. Khi mạng xã hội xuất hiện, nguồn thu từ quảng cáo bị thu hẹp lại. Hiện nay, thực tế khoảng 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách. Bộ trưởng cho rằng cần cân nhắc, nếu báo chí 100% dựa vào thị trường, thì có trở thành báo chí thị trường hay không? Nhà nước làm truyền thông thì có chi trả, đặt hàng cơ quan báo chí không? Do đó, cần dựa trên cả nguồn ngân sách, đặt hàng của Nhà nước và cần bám sát thị trường, độc giả, để giữ vị thế của báo chí cách mạng.
Bàn về cách để xử lý vấn đề báo hóa tạp chí và hoạt động không đúng tôn chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đầu tiên, Bộ TTTT công bố tiêu chí để nhận dạng “thế nào là báo hóa tạp chí” và đăng công khai trên các trang tin và mạng xã hội để toàn xã hội giám sát, sẽ dựa trên các tiêu chí này để thanh tra, kiểm tra, qua đó, đánh giá các cơ quan báo chí có vi phạm hay không? Đồng thời, công khai tôn chỉ, mục đích của 800 cơ quan báo chí trên các Cổng thông tin để bất kỳ tổ chức, địa phương có thể tra cứu chức năng hoạt động, tôn chỉ, mục đích, “nếu không đúng thì có quyền từ chối, còn nếu bị ép thì có đường dây nóng để báo cáo”.
Bộ TTTT đã có quy định mới, trong đó sẽ xử lý trực tiếp Tổng biên tập và phóng viên nếu có vi phạm. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các ĐBQH quan tâm đến việc sửa đổi Luật Báo chí trong thời gian tới, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng phóng viên báo chí.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về vấn đề tiêu cực của phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, vấn đề đạo đức phóng viên đang rất được quan tâm trong những năm gần đây. Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế báo chí. Trước đây 80% quảng cáo trực tuyến thuộc về báo chí, hiện nay thuộc về mạng xã hội, tức là nguồn thu từ quảng cáo đối với các cơ quan báo chí giảm đáng kể.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị năm 2023 về truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thống chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và có ngân sách hàng năm để đặt hàng báo chí. Đây cũng sẽ là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện.
Nhận thấy vấn đề đạo đức báo chí trong nhiều năm qua chưa được quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo xác định trong nhiệm kỳ này tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên báo chí.