Báo chí ngày càng khẳng định vị thế
Chỉ còn 1 năm nữa là nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tròn một trăm tuổi. Trải qua gần trăm năm ấy, từ buổi ban đầu còn vô vàn khó khăn, gian khổ… được đặt dưới sự dìu dắt, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh tụ cách mạng tiền bối khác, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành, có những bước phát triển và đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Báo chí ghi dấu ấn trong mỗi chặng đường phát triển
Số lượng, chất lượng các cơ quan báo chí không ngừng tăng lên, các loại hình báo chí cũng đa dạng hơn với trang thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thực sự trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, luôn ghi dấu ấn ở những bước ngoặt của công cuộc đổi mới phát triển kinh tế.
Thời kỳ đất nước đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan để có mặt ở mặt trận, truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến tiền tuyến. Những bản tin, bài viết, những bức ảnh, phóng sự thực sự là nguồn động viên to lớn, đồng thời cũng là lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đánh giặc. Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì dù đối mặt hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng những người làm báo đã ra trận với tư thế hiên ngang của người chiến sĩ - chí sĩ cách mạng, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu, tạo nên những tác phẩm báo chí giàu sức sống, gắn kết triệu người trên cả nước cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.
Bước sang thời kỳ đất nước đổi mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 - giai đoạn lịch sử mang ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước, báo chí nước ta cũng từng được tiếp nhận một luồng gió mới. Nội dung thông tin trên các loại hình báo chí có nhiều đổi mới, hấp dẫn, sinh động, phong phú, phản ánh đầy đủ, toàn diện, nhanh chóng và kịp thời bức tranh hiện thực khách quan, chân thật của đất nước và thế giới. Nhờ vậy, người dân và doanh nghiệp Việt Nam có hiểu biết nhiều hơn về tình hình thế giới, từ đó nắm bắt được những cơ hội cũng như nhìn ra thách thức để tiếp tục giao lưu, hội nhập quốc tế. Bạn bè quốc tế cũng hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước và con người Việt Nam để thúc đẩy hợp tác, đầu tư.
Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp từ năm 1999 và sau này là Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014, cùng với sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của các loại hình doanh nghiệp, người ta thấy rõ vai trò không thể thiếu của báo chí trong sự đồng hành, hợp tác và hỗ trợ cho sự phát triển đó. Sự đấu tranh không mệt mỏi trong nhiều năm của báo chí về việc dỡ bỏ các giấy phép con, cải cách thủ tục hành chính… đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân dễ dàng ra đời và hoạt động hơn. Sau này, báo chí luôn đồng hành cùng sự lớn mạnh của doanh nghiệp. Mọi vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc ở trong bất cứ thời điểm nào của các doanh nghiệp đều được phản ánh trên mặt báo.
Thông qua các bài viết, báo chí chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, cổ vũ những sáng tạo, phê phán những trở ngại, “rào chắn” đối với quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp, hình ảnh của doanh nhân trên thương trường và trong xã hội.
Cũng trong thời kỳ này, trên thế giới diễn ra quá trình toàn cầu hóa. Nền kinh tế tri thức, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, mạng lnternet phát triển mạnh mẽ đã làm biến đổi nhanh chóng bộ mặt thế giới hiện đại - theo cách nói của Thomas L. Friedman - biến thế giới này trở thành “thế giới phẳng”. Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thông của Việt Nam cũng đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa các sản phẩm báo chí để khai thác, xử lý và cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, đa dạng cho công chúng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng.
Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, khi cả thế giới phải đối mặt dịch COVID-19 với đầy khó khăn, thách thức, chúng ta càng thấy rõ vai trò của báo chí trong tuyên truyền, cổ vũ, kêu gọi, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng cảm trong nhân dân về các biện pháp chống dịch, tiêm chủng, đoàn kết, tương thân, tương ái trong lúc khó khăn và nhất là chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Kênh thông tin có sức lan tỏa nhanh và đáng tin cậy
Có thể thấy, mọi vấn đề, mọi khía cạnh của thực tiễn đều đã được phản ánh khá đầy đủ trên báo chí trong những năm qua. Từ những thông tin thời sự, vấn đề nóng, những mô hình thành công của các doanh nghiệp đến những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều được phản ánh khá đậm nét ở hầu hết các tờ báo. Qua các bài phản ánh, báo chí đã thực hiện được vai trò rất quan trọng là cầu nối giữa doanh nghiệp với Chính phủ và các cơ quan nhà nước. Báo chí phản ánh cả những tác động tích cực và tiêu cực đều nhận được sự quan tâm của Chính phủ cũng như các cơ quan nhà nước. Nhiều chính sách mới được điều chỉnh nhanh chóng, hợp lý hơn đến từ sự phản ánh đó.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, vai trò của báo chí rất quan trọng bởi đây là kênh thông tin lớn nhất trong cộng đồng, có sức lan tỏa nhanh và đáng tin cậy. Trong bối cảnh hiện nay, báo chí cần phải bám sát hơn nữa tình hình của đất nước, tham gia tích cực vào việc chỉ rõ những yếu kém, nêu giải pháp khắc phục và lối ra cho những vấn đề nổi cộm của tình hình kinh tế - xã hội. Báo chí phải đi đầu trong đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, tiêu cực, tham nhũng và lãng phí; minh bạch hóa thông tin, đưa ra ánh sáng mọi việc, để cho tiêu cực không còn nơi ẩn nấp và hệ thống chính trị sẽ trong sạch, vững mạnh hơn. Báo chí cũng cần chung tay xây dựng ý thức tự cường, khơi dậy niềm tự hào với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần đẩy lùi những thói hư tật xấu đã và đang làm hạn chế sự phát triển của đất nước
Những người làm báo đừng nên phí lực lượng vào những loại tin tức na ná giống nhau, mà phải suy nghĩ nghiêm túc về giá trị thực sự của báo chí. Đó là khả năng viết những câu chuyện sâu sắc, những câu chuyện riêng có, độc bản, không thể sao chép, không loại máy móc nào có thể ngụy tạo viết được, từ đó tạo ra giá trị riêng có cho thông tin báo chí, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, thúc đẩy các cơ quan báo chí vươn lên, xác lập vị thế, góp sức xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan báo chí hoạt động có hiệu quả, chất lượng, tạo được dấu ấn tốt thì vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa thực sự bám sát tôn chỉ, mục đích. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, vai trò của báo chí càng được đề cao. Nhưng, vai trò cũng đi đôi với trách nhiệm, khi một “thế giới phẳng” về thông tin như hiện nay cũng kéo theo những mặt trái, ảnh hưởng đến nền báo chí cách mạng. Vấn đề đặt ra là làm sao để giữ được trách nhiệm xã hội, lập trường, bản lĩnh của người làm báo.
Trong thời gian tới, để cơ quan báo chí phát huy hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường chất lượng các tác phẩm báo chí, bảo đảm tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, tác động mạnh cả về lý trí và cảm xúc của công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, báo chí phải bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực tiễn đổi mới, sự phát triển của đất nước; phát huy dân chủ, kỷ cương, tăng cường phản biện xã hội để đưa đường lối của Đảng vào thực tiễn, đưa ý Đảng đến gần dân hơn. Nhất là làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội…
Ông Trần Bá Nhẫn - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Trần Bá Nhẫn:
Góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh
Ở góc độ doanh nghiệp, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn gắn bó, đồng hành cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Báo chí vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa phản ánh tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh.
Sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước.
TS. Phan Vĩnh Phúc - Trưởng ban Hỗ trợ Doanh nghiệp Cộng đồng doanh nhân SNG Group
Cần đầu tư nhiều hơn cho khía cạnh kinh tế của báo chí
Nếu chỉ nhìn nhận riêng về khía cạnh đóng góp cho nền kinh tế, cho thành tích GDP quốc gia thì đóng góp của báo chí, truyền thông là rất lớn. Tuy nhiên, “doanh thu” này chưa được đo đếm, ghi nhận một cách cụ thể để có những chính sách đầu tư, điều chỉnh một cách thỏa đáng.
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí có doanh thu sụt giảm, gặp khó khăn về tài chính do sự thu hẹp của báo in cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình mạng xã hội và các nền tảng truyền thông công cộng trên các ứng dụng mạng Internet. Để giúp cho các cơ quan báo chí, truyền thông có lợi thế cạnh tranh, phát huy vai trò trong thực hiện những nhiệm vụ, sứ mệnh truyền tải chính sách, phản biện xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương cần có những ghi nhận về đóng góp của báo chí, truyền thông, từ đó có những chính sách ưu tiên, ưu đãi về tài chính, về thuế phí, tỷ lệ phần trăm được giữ lại khi thu nộp ngân sách…
Khía cạnh đầu tư thỏa đáng cho các cơ quan báo chí, truyền thông theo tôi rất quan trọng, vì chỉ khi nào các phóng viên, nhà báo, người làm truyền thông sống được với đồng lương, đồng nhuận bút, cơ quan báo chí không quá áp lực về các vấn đề tài chính thì mới có thể tập trung sáng tạo, phát huy hết những vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình. Nếu bị áp lực tài chính lớn, báo chí, truyền thông sẽ dễ phát sinh những tình trạng chạy theo sự kiện, trào lưu, câu like, câu view (để cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội).
Ông Tim Evans - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam
Báo chí luôn đóng vai trò quan trọng với ngân hàng
Ngân hàng là một ngành đặc thù, luồng thông tin từ báo chí có thể tác động mạnh mẽ tới hoạt động của các ngân hàng. Do đó, báo chí là một phương tiện quan trọng khi xảy ra khủng hoảng, giúp cơ quan quản lý điều phối thông tin để duy trì lòng tin của người dân và giữ vững hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh người dân có nhiều phương tiện để tiếp cận thông tin như hiện nay, kênh báo chí chính thống vẫn được coi là một kênh thông tin đáng tin cậy đối với độc giả. Nguyên nhân chính là quy trình của báo chí chính thống, ở đó, thông tin được đăng lên sau khi trải qua nhiều tầng phê duyệt, kiểm tra. Nhiều người trong chúng ta có thể bắt gặp một thông tin nóng hổi trên mạng xã hội nhờ tốc độ đưa tin nhanh chóng của loại hình truyền thông này, nhưng để đảm bảo có được thông tin chính xác, chúng ta vẫn tìm kiếm bài viết trên những đầu báo uy tín, chính thống. Đặc biệt với những thông tin trong ngành Ngân hàng như điều chỉnh lãi suất chẳng hạn thì tính trung thực, chính xác của thông tin là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, báo chí cũng là một kênh quan trọng để các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam qua đó có cơ hội bày tỏ ý kiến, đóng góp giúp phát triển, nâng cao hiệu quả cho hoạt động ngân hàng và phổ biến kiến thức về tài chính đến đông đảo người dân. Chẳng hạn như các chuyên gia có kiến thức và chuyên môn của các ngân hàng có thể chia sẻ hiểu biết, kỹ năng về tài chính cá nhân, qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân về quản lý tài chính, góp phần vào nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện.
Là một ngân hàng quốc tế với lịch sử tại Việt Nam từ năm 1870, chúng tôi rất trân trọng sự hỗ trợ quý báu của các đơn vị báo, đài dành cho HSBC nhiều năm qua. Báo chí đã giúp truyền tải đến độc giả thông tin về xu hướng sản phẩm, dịch vụ cũng như những nỗ lực của HSBC trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam. Ngân hàng chúng tôi cũng vinh dự khi đóng vai trò là nguồn thông tin đáng tin cậy, phong phú, giúp các nhà báo có nhiều góc nhìn đa chiều về các vấn đề kinh tế vĩ mô nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Tôi mong rằng mối quan hệ này sẽ ngày càng bền vững và tốt đẹp hơn theo năm tháng.