Báo chí là 'bệ phóng' cho du lịch tăng tốc

Thông qua báo chí truyền thông, nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước đã được quảng bá, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu du lịch Việt Nam với bạn bè thế giới. Đó là ý kiến của các chuyên gia khi nói về những lợi ích mà báo chí mang lại cho ngành du lịch trong quá trình thu hút du khách.

Quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, năm 2024 ngành du lịch Việt Nam đã đón được 17,6 triệu lượt khách quốc tế. Phát huy những kết quả đã đạt được trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đã đón được 7,67 triệu lượt khách quốc tế tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2024.

Phân tích nguyên nhân khiến ngành du lịch Việt Nam hút khách quốc tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết, đóng góp vào việc hút khách quốc tế đến Việt Nam bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp (DN) còn có sự đóng góp không nhỏ của báo chí trong việc quảng bá, tư vấn và định hướng cho du khách về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ… du lịch Việt.

Khách du lịch tắm biển tại bãi biển đảo Phong Lan (Nha Trang). Ảnh: Hoài Nam

Đối với DN, báo chí là cầu nối chia sẻ những vướng mắc, khó khăn sau khi “mở cửa” đón du khách sau đại dịch Covid-19, qua đó cơ quan quản lý kịp thời xây dựng, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngành du lịch phục hồi, phát triển. Bên cạnh đó, báo chí còn tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, DN hiến kế các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… qua đó đóng góp thiết thực vào quá trình hoạch định chiến lược phát triển du lịch.

Nói về lợi ích mà báo chí mang lại cho ngành du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, báo chí truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra những thông điệp đúng đắn, có tác động lớn đến việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Báo chí đã trở thành công cụ hiệu quả để nâng cao nhận thức của người dân, DN trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tới du khách quốc tế là điểm đến an toàn, thân thiện. “Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ phục hồi du lịch khá cao sau đại dịch Covid-19, càng khẳng định thêm vai trò không nhỏ của báo chí đóng góp vào sự phục hồi và phát triển bền vững của du lịch”- ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

Dưới góc độ DN, Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) Nguyễn Thị Vân chia sẻ, thực tế cho thấy báo chí là người bạn đồng hành đáng tin cậy của ngành du lịch trên con đường phát triển. Các thông tin đăng tải trên báo chí đã góp phần tăng trưởng doanh thu du lịch, tạo việc làm cho người dân, DN tăng thu nhập xã hội. Mặt khác, một số bài báo đã mạnh dạn nêu ra những khuyết điểm, yếu kém của các điểm du lịch và gợi mở một số giải pháp khắc phục. Ví dụ như phản ánh tình trạng quá tải, chặt chém giá cả tại một số điểm du lịch, nêu lên những mặt trái của lễ hội như mê tín dị đoan, chèo kéo du khách, vệ sinh môi trường không đảm bảo…

Khách du lịch quốc tế dạo chơi tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch quốc tế dạo chơi tại không gian đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với phản ánh này, Giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế Anpha Bùi Thanh Bình thông tin, du khách trong quá trình đặt tour, có thể còn nghi ngờ chất lượng dịch vụ mà DN cung ứng. Song với sự giới thiệu, quảng bá từ phía các cơ quan báo chí, du khách sẽ yên tâm, tin tưởng hơn và đồng thời nhận thấy những khác biệt của các sản phẩm. “Trong thời gian tới, để hoạt động thu hút du khách hiệu quả hơn nữa, DN thực sự cần sự phối hợp của các cơ quan báo chí trong việc lan tỏa thông điệp du lịch, trở thành “cầu nối” giữa DN du lịch với khách hàng, góp phần đưa lĩnh vực du lịch cất cánh” - ông Bùi Thanh Bình mong muốn.

Đẩy mạnh số hóa báo chí đa phương tiện

Theo các chuyên gia để tiếp tục phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tới du khách, thời gian tới đòi hỏi các cơ quan báo chí đổi mới các nội dung, ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để truyền tải thông điệp du lịch một cách sinh động, dễ hiểu và hấp dẫn.

Nói về việc báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quá trình truyền thông ngành du lịch, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, báo chí nên chú trọng phát triển báo điện tử. Qua đó, hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu theo cách thức đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, trong quá trình phán ánh sự kiện, ý kiến DN, báo chí nên chắt lọc thông tin, xử lý và lựa chọn những thông tin nào nên đăng và không nên đăng. Nhà báo cần có tinh thần dám nhìn thẳng, nhìn đúng sự thật, cung cấp những vấn đề cần thiết cho các cấp lãnh đạo.

Khách du lịch đặt mua tour tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2025. Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch đặt mua tour tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2025. Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ, cần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Trong đó, tính chuyên nghiệp và hiện đại phải bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới, một trong số đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số. Để thúc đẩy báo chí chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó đặt mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; Làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; Đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Dưới góc độ người làm báo, Chủ tịch CLB Nhà báo Du lịch Việt Nam PGS-TS Nguyễn Thành Lợi nêu rõ, báo chí và du lịch đều không nằm ngoài dòng chảy của chuyển đổi số. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sống còn của du lịch và báo chí trong Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 đi qua. Việc ngành du lịch liên kết chặt chẽ với báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sẽ tạo điều kiện thuận lợi du lịch tăng cường kết nối số và phát triển du lịch thông minh.

Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu. Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu. Ảnh: Hoài Nam

Nói về hoạt động kết nối giữa du lịch với báo chí, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số, ngành du lịch Hà Nội đã triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó, hướng đến mục tiêu hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Theo đó, sẽ xây dựng các nền tảng số, ứng dụng để kết nối các chủ thể trong ngành (khách du lịch, nhà cung cấp dịch vụ, điểm đến và cơ quan quản lý) như: Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, Hệ thống Cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam an toàn, Hệ thống truyền thông trên nền tảng website và mạng xã hội… Tuy nhiên, để phát triển chuyển đổi số trong du lịch có hiệu quả, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, bộ, ngành, địa phương và DN. Trong đó, vai trò cầu nối và lan tỏa từ báo chí là không thể thiếu.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, ngành du lịch Việt Nam muốn phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng thì cần phải có sự truyền thông đúng mực, không quá hay quá xấu làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam. “Thời gian tới, thông qua hoạt động truyền thông báo chí đa phương tiện sẽ tiếp tục tạo sự đột phá trong nhận thức của xã hội về phát triển du lịch xanh, bền vững, khẳng định du lịch đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo công ăn việc làm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, thân thiện và hòa bình”- ông Nguyễn Mạnh Thản mong muốn.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-chi-la-be-phong-cho-du-lich-tang-toc.702799.html
Zalo