Báo chí giải pháp: Xu thế tất yếu nhưng cần hội tụ nhiều yếu tố để phát triển
Báo chí giải pháp là xu thế phát triển tất yếu và là cơ hội để các cơ quan báo chí khẳng định vai trò của mình trong việc định hình, thúc đẩy sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển báo chí giải pháp vẫn đang đứng trước những thách thức, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ.
Lợi ích “kép” từ báo chí giải pháp
Tại Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 "Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?" do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - ông Lê Quốc Minh - chia sẻ: Một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo chí là báo chí xây dựng/báo chí giải pháp.
Báo chí xây dựng/báo chí giải pháp là sự đi ngược lại xu hướng báo chí lá cải ngày càng tăng, đi ngược lại sự xuất hiện chủ nghĩa giật gân và xu hướng tiêu cực trên các phương tiện truyền thông, đồng thời đặt ra yêu cầu các tờ báo, các cơ quan báo chí phải nghiên cứu các vấn đề xã hội, đề xuất các giải pháp cải thiện tình hình theo hướng tích cực, chứ không chỉ là đưa tin thuần túy hay nhấn mạnh quá mức vào những tiêu cực. Đến nay, nhiều cơ quan và tổ chức báo chí có uy tín trên thế giới đã chuyển đổi theo mô hình báo chí giải pháp.
Ông Lê Quốc Minh cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng báo chí xây dựng cải thiện tâm trạng của người dùng tin tức, thúc đẩy, khuyến khích họ có những việc làm mang lại lợi ích cho xã hội và khích lệ họ tương tác nhiều hơn với các cơ quan báo chí.
Ảnh: Báo Nhà báo và Công luận
Nhiều chuyên gia tin rằng báo chí xây dựng/báo chí giải pháp là chìa khóa. Lối làm báo truyền thống 5W (who, what where, when, why) được thay thế bằng “what now” và “how”.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh
Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ hiệu quả của báo chí giải pháp: Ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của người dùng; trao quyền cho độc giả bằng cách thúc đẩy niềm tin vào năng lực bản thân; không bị coi là báo chí chất lượng thấp; thúc đẩy hành động có ích cho xã hội của mọi người; gia tăng tương tác với cơ quan báo chí, tác giả bài báo và chủ đề; tăng số “likes” dù có thể không thúc đẩy chia sẻ hoặc bình luận; thu hút và tăng nguồn thu quảng cáo.
Chung quan điểm về lợi ích của báo chí giải pháp, ông Nguyễn Bá - Tổng Biên tập Báo VietNamNet - đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của báo chí giải pháp trong việc tạo dựng lòng tin và hình ảnh tích cực; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; định hướng dư luận một cách tích cực; đóng góp vào phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Biên tập Báo Văn hóa - thì cho rằng, báo chí giải pháp trở thành một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội và mở ra con đường phát triển cho chính nó là nhờ vào ưu thế tìm kiếm, đề xuất các giải pháp hiệu quả.
Không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xã hội, “báo chí giải pháp chính là cách thức giúp các cơ quan báo chí cân bằng, hài hòa giữa yêu cầu thông tin thời sự “nhanh nhất”, “mới nhất”, thu hút nhiều bạn đọc nhất với thông tin mang tính hiến kế, kiến giải, góp phần giải quyết vấn đề theo chiều hướng tốt đẹp hơn, giá trị hơn, nhân văn hơn”, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phùng Công Sưởng, báo chí giải pháp không né tránh tin tức tiêu cực, mà phản ánh tiêu cực theo hướng kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nền tảng, đặt lợi ích của bạn đọc, của xã hội lên trên hết, trước hết.
“Cách thông tin này giúp báo chí tạo dựng được niềm tin với công chúng, sự đồng hành với chính quyền và doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề, các thách thức đặt ra”, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nhận định.
Báo chí giải pháp phải hội tụ nhiều yếu tố
Bên cạnh những lợi ích thiết thực, việc thực hiện báo chí giải pháp tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Theo ông Nguyễn Bá, công cuộc chuyển đổi sang báo chí giải pháp đòi hỏi sự thay đổi căn bản về tư duy, thay đổi cách tiếp cận và sản xuất nội dung. Trong khi đó, không phải cơ quan báo chí nào cũng có sẵn nguồn lực để thực hiện báo chí giải pháp.
Một thách thức nữa được ông Nguyễn Bá nhắc tới là báo chí giải pháp cần phải cẩn trọng để không chỉ tập trung vào những câu chuyện thành công mà bỏ qua những thất bại và hạn chế của các giải pháp, cũng như tránh việc quá lạc quan hoặc né tránh các khía cạnh tiêu cực của vấn đề.
Ảnh: Báo Nhà báo và Công luận
Thực hiện báo chí giải pháp, các tòa soạn và phóng viên sẽ mất nhiều công sức hơn, kể cả về thời gian và tiền bạc để tạo ra sự hấp dẫn, sinh động, thu hút được bạn đọc. Báo chí giải pháp đòi hỏi các phóng viên, nhà báo phải có tâm, khách quan, trung thực; có tinh thần đồng hành vì sự phát triển, vì lợi ích của xã hội.
Tổng Biên tập Báo Tiền phong Phùng Công Sưởng
Để phát triển báo chí giải pháp tại Việt Nam, ông Nguyễn Bá cho rằng các cơ quan báo chí cần tổ chức các khóa đào tạo cho phóng viên, biên tập viên về các phương pháp báo chí giải pháp, giúp họ hiểu rõ hơn về các tiếp cận này và áp dụng vào công việc hằng ngày. Đồng thời, cần thiết lập các cơ chế đánh giá hiệu quả của báo chí giải pháp, giúp các cơ quan báo chí điều chỉnh và cải thiện nội dung theo thời gian…
Khẳng định vai trò quan trọng của nhà báo trong phát triển báo chí giải pháp, Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ nêu quan điểm: “Người làm báo chí giải pháp cần phải có một tư duy đổi mới, tích cực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ nghiêm túc quy trình tác nghiệp, thành thạo trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ, nâng cao năng lực ngôn ngữ để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn, sáng tạo ra các tác phẩm báo chí thực sự có giá trị”.
Cũng từ góc độ chuyên môn của nhà báo, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - cho rằng, với việc đưa tin - thông tin sâu, cung cấp thêm dữ liệu - phân tích, bình luận, dự báo sự kiện, báo chí giải pháp là cấp độ khó nhất, đòi hỏi trình độ chuyên môn làm báo rất cao, phông kiến thức phong phú và đa dạng, khả năng tổng hợp và xử lý nhuần nhuyễn, sắc xảo.
Ảnh: Báo Nhà báo và Công luận
Người lãnh đạo một khi đã nắm vững xu thế, nhuần nhuyễn yêu cầu của những sản phẩm báo chí giải pháp sẽ là người chuyển đổi nhanh nhất tư duy làm báo của cả đơn vị.
Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Mạnh Hùng, nhận thức của Tổng Biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc ưu tiên chuyển đổi sang các nội dung có tính quyết định đến việc thay đổi tư duy làm việc của tòa soạn, từng thành viên ban biên tập. Đồng thời, nguồn lực tài chính, công nghệ, chính sách, vấn đề bản quyền cũng đóng vai trò quan trọng đối với báo chí giải pháp.
Đặc biệt, để báo chí giải pháp phát triển, ông Hùng cho rằng phải giải quyết vấn đề cơ chế, tài chính. Trong đó, cần có cơ chế đặt hàng, đấu thầu theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Liên quan đến cơ chế tài chính của các cơ quan báo chí, ông Phùng Công Sưởng nhấn mạnh đến việc các cơ quan nhà nước cần tăng cường cơ chế hỗ trợ, cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí trong lĩnh vực truyền thông chính sách, xây dựng chính sách; đặt hàng các sản phẩm báo chí chất lượng cao để không chỉ tuyên truyền, định hướng mà còn hướng đến giải quyết những vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong các lĩnh vực quản lý.
Khẳng định báo chí giải pháp được công chúng và các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho rằng, thời gian tới, từ sự định hướng của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò, phát huy thế mạnh và phát triển báo chí giải pháp, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn./.