Báo chí giải pháp và vai trò của Tổng Biên tập, lãnh đạo cơ quan
Chiều 21/9, tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, gần 100 Tổng Biên tập các cơ quan báo trên cả nước tham dự Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề 'Báo chí giải pháp – hướng đi cho báo chí truyền thống' do Báo Nhà báo và Công luận tổ chức.
Đến với diễn đàn có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Dự và phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho biết, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Diễn đàn bao gồm 2 phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có chủ đề: "Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng"; Phiên thứ hai có chủ đề: "Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?"
Những vấn đề nóng, thời sự, những câu chuyện thực tế của báo chí thế giới, của Việt Nam và của từng các cơ quan báo chí trong cả nước được các đại biểu, chuyên gia cùng với lãnh đạo các cơ quan báo chí bàn luận, chia sẻ tại diễn đàn.
Tham gia thảo luận tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, trong một xã hội mà thông tin luôn tăng theo cấp số nhân, tràn ngập trên báo chí và các nền tảng mạng xã hội thì việc định vị giá trị và sức thu hút với công chúng là một trong những thách thức lớn nhất với mỗi cơ quan báo chí và từng người làm báo. Nhu cầu phải chuyển đổi phương thức làm báo, bài toán về sự lựa chọn những nội dung ưu tiên sản xuất là một trong những thách thức gay gắt đối với báo chí, trong đó có các cơ quan báo chí chủ lực, vốn có biên độ thông tin rất phong phú đa dạng so với các tạp chí chuyên sâu hoặc các báo chuyên ngành ở Việt Nam.
Tuy vậy, nếu tự nhìn vào mặt bằng thông tin hằng ngày trên báo chí nói chung, những tác phẩm báo chí được xếp vào “Báo chí giải pháp” xuất hiện chưa nhiều, chưa có nhiều tác phẩm gây được ấn tượng và thực sự có ích với công chúng.
Lý giải vấn đề này, ông Phạm Mạnh Hùng cho biết, việc chuyển từ phong cách chạy theo tin tức thông thường sang tổ chức những sản phẩm báo chí chuyên sâu, chuyên biệt là rất khó, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau.
Ông Hùng cho biết thêm, với bất kỳ một tổ chức nào, vai trò của người đứng đầu cũng quan trọng nhất, nhận thức của Tổng Biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc ưu tiên chuyển đổi sang các nội dung có tính giải pháp quyết định đến việc thay đổi tư duy làm việc của tòa soạn, từng thành viên ban biên tập.
Bên cạnh đó, cần đội ngũ phóng viên giỏi tinh thông nghiệp vụ; cơ chế đầu tư cho báo chí giải pháp, cho báo chí chất lượng cao; cơ chế đặt hàng; tháo gỡ thể chế chính sách: đặt hàng, đấu thầu; tổng kết đánh giá lại Nghị quyết 19 về các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, cũng cần tính đến đặc thù của báo chí, tạo khuôn khổ thuận lợi cho báo chí phát triển, huy động được nguồn lực Nhà nước và xã hội đầu tư cho những sản phẩm báo chí chất lượng cao.
“Đây là miếng đất rất tốt để chúng ta chuyển đổi. Tổng Biên tập, lãnh đạo cơ quan báo chí phải là người quyết định. Nhận thức của người lãnh đạo phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu, chuyển đổi hệ thống gồm cả nguồn lực về con người và về nội dung để ưu tiên sản xuất được những sản phẩm như vậy. Trong định hướng của Đài Tiếng nói Việt Nam, những nội dung có tính chất tích cực, tạo năng lượng tích cực thì luôn được ưu tiên”, ông Phạm Mạnh Hùng nói.