Báo chí đối ngoại: Mãi tận tụy một sứ mệnh cao quý
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, báo chí Việt Nam nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng đã, đang và sẽ tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang, vững vàng, kiên định với sứ mệnh cao cả là lực lượng tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng; đồng thời tiếp tục làm mới 'diện mạo', xứng với tầm vóc, tâm thế của đất nước ta trong bối cảnh tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh của dân tộc.
Thưa Thứ trưởng, năm 2025 là năm đặc biệt ý nghĩa với mốc dấu mốc quan trọng Kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Thứ trưởng kỳ vọng như thế nào về “diện mạo” của báo chí Việt Nam nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng trước mốc dấu này?
100 năm về trước, số đầu tiên của tờ Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập đã được xuất bản, đánh dấu sự khởi đầu của Báo chí cách mạng Việt Nam. Các số báo đầu tiên của Báo chí cách mạng Việt Nam được viết trên giấy sáp, nhân bản bằng cách chép tay, chia sẻ thông qua truyền tay giữa các đồng chí cách mạng, rồi từ đó truyền đạt lại cho nhân dân, góp phần xây dựng tiền đề chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau gần một thế kỷ hòa nhịp cùng dòng chảy của đất nước, từ quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, đến công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Ngày nay, báo chí nước nhà không còn là những trang giấy thô sơ, mà được truyền tải dưới đa dạng hình thức gồm báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, truyền thông mạng xã hội…
Tuy nhiên, dưới bất kỳ diện mạo nào, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn trung thành, tận tụy với sứ mệnh cao quý từ thuở sơ khai - là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì phồn vinh, hạnh phúc của nhân dân.
Là một phần của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí đối ngoại đã luôn nỗ lực không ngừng để đóng góp vào sứ mệnh chung, tích cực truyền tải thông tin để thế giới hiểu đúng, đủ về chủ trương, đường lối và tình hình mọi mặt của Việt Nam; quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế; lập trường chính nghĩa trong các vấn đề lợi ích cốt lõi của ta; quảng bá hình ảnh Việt Nam để thu hút nguồn lực bên ngoài, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế đất nước. Đồng thời, lực lượng báo chí đối ngoại là nòng cốt tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác hiệu quả với những âm mưu phá hoại hình ảnh Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế của các thế lực thù địch.
Với trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, tôi tin chắc rằng báo chí Việt Nam nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng đã, đang và sẽ tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang, vững vàng, kiên định với sứ mệnh cao cả là lực lượng tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng; đồng thời tiếp tục làm mới “diện mạo” bằng việc không ngừng cập nhật, ứng dụng các công nghệ truyền thông mới nhất, thể hiện nội dung sâu sắc nhất, xứng với tầm vóc, tâm thế của đất nước trong bối cảnh tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh của dân tộc.
Năm 2025 là năm sẽ diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Ngày thành lập nước và ngành Ngoại giao… Theo Thứ trưởng, trước những “đề tài” rộng, không giới hạn như vậy, báo chí đối ngoại cần có những góc nhìn, cách tiếp cận ra sao để kể câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam, đúng thông điệp, đúng tầm vóc?
Báo chí đối ngoại là lực lượng đi đầu, chủ công trong công tác thông tin đối ngoại, có nhiệm vụ “đưa Việt Nam tới gần thế giới và đưa thế giới tới gần Việt Nam”. Năm 2025 là thời điểm đất nước có nhiều sự kiện lớn, quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ triển khai các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương quan trọng như Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), tổ chức Lễ mở ký Công ước Liên hợp quốc “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng…
Đây chính là những cơ hội, là nguồn chất liệu hết sức dồi dào để báo chí đối ngoại truyền tải sâu rộng tới bạn bè quốc tế về truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; lan tỏa hình ảnh một Việt Nam tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin đa dạng, tốc độ thông tin nhanh hơn bao giờ hết như hiện nay, nội dung truyền tải đến công chúng, nhất là tới người nước ngoài, cần phải đáp ứng phương châm “dễ tiếp thu, dễ tiếp nhận và hấp dẫn hơn”. Với cách tiếp cận đó, tôi cho rằng báo chí đối ngoại cần có những góc nhìn, cách tiếp cận mới phù hợp với xu thế và tình hình hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, đột phá trong tư duy xây dựng nội dung, theo đó sáng tạo những nội dung có tính lan tỏa mạnh mẽ (viral), tạo ra xu hướng (trendsetting), hoặc khéo léo bắt nhịp, lồng ghép các thông điệp chính thống với các xu hướng mới nhất trên internet, nhằm khuếch đại độ lan tỏa của thông điệp.
Thứ hai, “trực quan hóa” (visualize) nội dung theo hướng trực diện, ngắn gọn, dễ hiểu và sinh động. Ngày nay, khi mà mỗi nội dung chỉ có 2,5 giây để thu hút và giữ chân khán giả, cùng với sự “lên ngôi” của dạng video ngắn (reels), việc đổi mới cách truyền tải những nội dung về lịch sử, văn hóa dân tộc sẽ góp phần đưa những nội dung này dễ dàng “chạm” tới đại chúng hơn.
Thứ ba, phân phối nội dung hiệu quả trên đa nền tảng, nhất là các nền tảng mạng xã hội. Để làm được điều đó, lực lượng báo chí đối ngoại cần hiểu rõ các thuật toán, đặc trưng riêng của mỗi nền tảng, từ đó sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với từng nền tảng, và sự quan tâm của công chúng, bảo đảm nội dung tiếp cận tốt nhóm đối tượng sử dụng các nền tảng đó.
Thứ tư, tăng cường sự tham gia của công chúng vào quá trình truyền thông. Phát huy sứ mệnh của Báo chí cách mạng Việt Nam là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đồng thời bắt nhịp với dòng chảy của “truyền thông đa chiều”, khi mà mỗi thông tin đưa ra nhận được rất nhiều phản hồi, cũng như lan tỏa mạnh mẽ nhờ sự tương tác, chia sẻ của khán giả, công chúng trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng nội dung.
Tăng cường sự tham gia của công chúng bao gồm lắng nghe dư luận để đưa ra sản phẩm truyền thông phù hợp với nhu cầu, thị hiếu; đưa nhiều góc nhìn, tiếng nói của công chúng, nhất là với khán giả nước ngoài, vào các sản phẩm truyền thông để tạo sự gần gũi, đồng cảm…
Thứ năm, phát triển nội dung bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để lan tỏa được đến đông đảo khán giả ở khắp nơi trên thế giới, trong đó tích cực ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ nhất là AI trong công tác chuyển ngữ, dịch thuật, góp phần tiết kiệm nguồn nhân lực, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Thưa Thứ trưởng, đích cuối cùng của kỷ nguyên vươn mình là giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc. Một Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc, theo Thứ trưởng cần được báo chí đối ngoại khắc họa dưới góc nhìn và lăng kính cụ thể nào?
Chúng ta sống trong thời khắc lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Một trong những ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Để xây dựng và truyền tải được thông điệp này đến “rộng hơn, xa hơn” với bạn bè khu vực, quốc tế, lực lượng báo chí đối ngoại, bên cạnh những cách tiếp cận, đổi mới như trên, có thể khai thác một số góc nhìn và lăng kính cụ thể sau:
Một là, Việt Nam là một quốc gia ổn định chính trị, là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Về phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần được thể hiện là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tiềm năng hội nhập sâu rộng. Những câu chuyện thành công trong thu hút đầu tư, chuyển đổi số nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là điểm nhấn quan trọng.
Ở góc nhìn con người, văn hóa và bản sắc dân tộc, báo chí đối ngoại cần truyền tải lịch sử hào hùng, giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tinh thần hiếu khách và bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam. Hình ảnh một dân tộc “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Về vị thế quốc tế, một Việt Nam phồn vinh không chỉ được đánh giá qua sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn qua vai trò và tiếng nói trên trường quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác và phát triển toàn cầu.
Bên cạnh đó, hình ảnh một Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng... và cam kết thực hiện các mục tiêu bền vững lấy người dân làm trọng tâm sẽ góp phần làm nổi bật giá trị cốt lõi của sự phồn vinh cũng cần được chú trọng.
Ngoài ra, còn rất nhiều những đề tài, lăng kính mà báo chí đối ngoại hoàn toàn có thể khai thác tốt như sự gắn kết cộng đồng, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân, những thành tựu về xóa đói, giảm nghèo, cải thiện giáo dục, chăm sóc sức khỏe… Nhưng quan trọng nhất, báo chí đối ngoại cần chọn lọc, xây dựng và lan tỏa những câu chuyện vừa gần gũi vừa có sức thuyết phục, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Năm mới 2025 đang đến rất gần, thông điệp mà Thứ trưởng muốn nhắn gửi tới đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại với những nhiệm vụ mới phía trước?
Năm mới Ất Tỵ đang đến gần, đây là thời khắc để chúng ta cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được và hướng tới những kế hoạch và mục tiêu mới trong công tác thông tin đối ngoại, đó là những kế hoạch, mục tiêu về sự “đổi mới, sáng tạo, hiệu quả và lan tỏa”. Chúng ta đổi mới về tư duy và nhạy bén trong việc nắm bắt các xu thế, xu hướng để đáp ứng các nhiệm vụ mới đã đề ra trong tình hình mới. Chúng ta sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để từ đó có thể nâng cao hơn nữa chất lượng công việc. Chúng ta hiệu quả trong hành động để mỗi sản phẩm, mỗi thông điệp đều hướng tới những giá trị thiết thực, góp phần củng cố vị thế, uy tín của đất nước. Và trên hết, chúng ta lan tỏa được giá trị của Việt Nam giàu bản sắc dân tộc ra thế giới.
Cuối cùng, trước thềm Năm mới Ất Tỵ, xin chúc toàn thể đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí nói chung, các cơ quan báo chí đối ngoại, Báo Thế giới và Việt Nam cùng toàn thể độc giả trong và ngoài nước một mùa Xuân mới an khang, thịnh vượng.