Báo chí cũng chạy theo thuật toán 'câu view' trên mạng xã hội, nên hay không?

Tờ Telegraph, News Broadcasting Digital và The News Movement đang tận dụng các nền tảng như YouTube và TikTok để tìm kiếm nguồn thu nhập mới. Tuy nhiên, liệu họ đang thực sự tạo ra nội dung chất lượng hay chỉ đơn thuần là chạy theo thuật toán để thu hút lượt xem?

Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số 2024 của Viện Reuters năm nay cho thấy việc sử dụng các nền tảng video xã hội để tiếp cận tin tức đang thay đổi.

YouTube là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất ở Anh (tăng 3% trong việc sử dụng tin tức) và đang dần vượt qua X (trước đây là Twitter) vốn đã trải qua nhiều biến động trong thời kỳ Elon Musk. TikTok cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ dưới 25 tuổi (tăng 4%).

Thực tế các nhà báo truyền thống đang đang bị vượt mặt bởi các nhà sáng tạo trẻ tuổi như Dylan Page (10 triệu người theo dõi) và Vitus Spehar (3 triệu người theo dõi), những người đang cung cấp cách tiếp cận nội dung tin tức mang tính bản địa xã hội.

Người trẻ cho biết họ thích các nền tảng này vì chúng tạo ra sự minh bạch và niềm tin, dễ sử dụng và mang đến những góc nhìn mới. Vậy các cơ quan truyền thông sẽ cạnh tranh với các nhà sáng tạo như thế nào?

 Các nhà xuất bản tin tức đã không còn bỏ qua video mạng xã hội.

Các nhà xuất bản tin tức đã không còn bỏ qua video mạng xã hội.

Các nền tảng khác nhau, cách tiếp cận khác nhau

Tờ Telegraph đang tận dụng các bài báo để phân phối đa nền tảng. Trưởng nhóm tin tức video, Kate Chaplin giải thích rằng nhóm của bà đang tối đa hóa phạm vi tiếp cận nội dung, bằng cách điều chỉnh nó thành các đoạn clip 20 giây cho trang chủ, sau đó thành các video ngang 5 phút trên YouTube và sau đó thành các video dọc 60 giây.

Họ sử dụng các nền tảng xã hội như một công cụ tiếp thị để thu hút độc giả và khuyến khích đăng ký trả phí.

talkSPORT cũng có cách tiếp cận đa nền tảng tương tự, tái sử dụng nội dung radio cho YouTube, trong khi Instagram và video dọc tập trung hơn vào tương tác với người dùng, chẳng hạn như trò chuyện với người hâm mộ tại các sân vận động và đưa ra phản ứng trực tiếp về kết quả mới nhất. Kiếm tiền trên chính nền tảng là mục tiêu cuối cùng ở đây, vì bộ các kênh lớn của NBD có thể là một nguồn thu nhập đáng kể cả về doanh thu quảng cáo và các thỏa thuận thương mại.

Công ty khởi nghiệp truyền thông xã hội The News Movement áp dụng cách tiếp cận riêng biệt cho từng nền tảng. Rebecca Hutson, giám đốc biên tập, cho biết TikTok và YouTube Shorts yêu cầu nội dung nhanh chóng, gây chú ý "cơn kích thích dopamine", trong khi Instagram ưa chuộng việc kể chuyện tập trung vào con người hơn.

Một ví dụ điển hình là chuỗi phỏng vấn "The Takeaway" của The News Movement, nơi họ đưa ra những câu hỏi thú vị và bất ngờ cho các nhân vật chính trị, thu hút sự chú ý của người xem.

Đua theo thuật toán

Piers Morgan Uncensored đã bùng nổ, thu hút 3,5 triệu người đăng ký kể từ khi ra mắt trên YouTube hai năm trước. Con số này lớn hơn nhiều so với The Times (890 nghìn),TalkTV (1,15 triệu), Times Radio và talkSPORT (cùng 1,6 triệu). Sự tăng trưởng của Piers là kết quả của việc đưa nhiều tên tuổi lớn như Jordan Peterson, Andrew Tate và Cristiano Ronaldo vào chương trình.

Các nền tảng như YouTube ưu tiên nội dung thu hút người xem, khiến các tổ chức tin tức phải chạy theo những chủ đề "hot" để tăng lượt xem. Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn tin rằng việc tiếp cận nhiều hơn đến khán giả thông qua các nền tảng này có thể là điều tốt cho báo chí.

Phan Anh (theo Journalism.co.uk)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-chi-cung-chay-theo-thuat-toan-cau-view-tren-mang-xa-hoi-nen-hay-khong-post327257.html
Zalo