Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số
Sáng 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Bắc.
Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc là hội nghị tiếp nối các sự kiện đã, đang và sẽ được tổ chức trên cả nước.
Tham gia hội nghị có ông Vũ Quý Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản – Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại – Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam và đại diện các cơ quan báo chí khu vực phía Bắc.
Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đức Lợi thông tin, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị của báo chí: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong đó, tính chuyên nghiệp và hiện đại theo yêu cầu của Đảng có nghĩa là báo chí cách mạng của Việt Nam cũng phải phấn đấu, bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới: một trong số đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số.
Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng, mang tầm chiến lược: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
"Thực tiễn cho thấy công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí" – ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia được nêu rõ trong nhiều Nghị quyết và văn kiện Đại hội Đảng. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Để kịp thời cập nhật những xu thế mới trong cách làm báo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh vừa ký Quyết định số 50/QĐ-HĐGBCQG ngày 21/6/2024 về việc Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi). Theo đó, bổ sung thêm Giải Sản phẩm báo chí đa phương tiện và Dự án báo chí truyền thông sáng tạo. Trong đó, sản phẩm báo chí đa phương tiện gồm những tác phẩm, sản phẩm báo chí sử dụng dữ liệu đa phương tiện và áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ truyền thông số trong quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, có định dạng độc lập như: Infographic, Video clips, Podcast, gói tin tức đa phương tiện, sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí tương tác…
Hội nghị được tổ chức với mục đích tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí trong quá trình triển khai Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao cũng như những nội dung cần thiết để đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc. Đây còn là diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh trao đổi, đề xuất các giải pháp chuyển đổi số báo chí, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, đồng thời bàn giải pháp để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng điều lệ Giải Báo chí quốc gia…
Các cơ quan báo chí chuyển mình
Xác định chuyển đổi số trong làm báo là xu hướng không thể đảo ngược, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, tháng 11/2023, Báo Kinh tế và Đô thị chính thức nâng cấp hệ thống quản trị nội dung để tiến thẳng lên hiện đại. Đến tháng 11/2024, chỉ một hệ thống CMS, Báo Kinh tế và Đô thị đã xuất bản cả báo in, báo điện tử và các chuyên trang điện tử với hệ sinh thái 9 sản phẩm báo chí.
Bên cạnh đó, nhằm thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến nhân viên, Báo thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn các phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn làm báo chí hiện đại. Sau mỗi khóa đào tạo, tiến hành đánh giá, tổ chức cuộc thi.
Để đổi mới cả về nội dung và hình thức, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi nêu rõ, mục tiêu Báo đưa ra là: “Nội dung là Vua, công nghệ là Nữ hoàng”. Để làm sao có được các nội dung hay, cạnh tranh được với các cơ quan báo chí, kể cả mạng xã hội là điều không dễ.
Theo đó, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả, Báo Kinh tế và Đô thị đã sử dụng đa phương tiện: Kết hợp văn bản, hình ảnh, video, infographic, podcast để tăng tính hấp dẫn và tương tác. Tăng cường các bài viết điều tra, phân tích để đưa ra những góc nhìn sâu sắc về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị của thành phố. Tổ chức các cuộc thi, sự kiện nhằm tạo ra các sân chơi để độc giả tham gia, chia sẻ ý kiến, góp phần xây dựng cộng đồng.
Tại Đài truyền hình Việt Nam – TS Tạ Bích Loan – Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, VTV đã sử dụng các kênh truyền tải khác nhau để mở rộng độ tiếp cận với khán giả, lan tỏa các thông điệp trên diện rộng. Ví dụ như Tuần phim Tài liệu về Hà Nội trên VTVgo: Khắc họa sống động, toàn diện thủ đô trong 70 năm.
Đây là một mô hình phân phối nội dung mới, khác biệt so với cách thức trước đây của VTV. VTV thực hiện việc khai thác và làm sống dậy kho tài nguyên sẵn có trong hệ thống lưu trữ của VTV và của Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, tạo một sức sống mới, được chiếu rộng rãi trên nền tảng số và chiếu trực tiếp cho khán giả. Đó là một góc nhìn đa chiều về Hà Nội, về văn hóa, con người suốt chiều dài lịch sử.
Hoặc Chương trình “Điểm tựa Việt Nam” – Thực hiện ngay sau khi cơn bão Yagi đi qua đã Lan tỏa thông điệp của thủ tướng trên kênh truyền thông mạng xã hội về 6 Điểm tựa Việt Nam. Chương trình đã nhận được 35 nghìn lượt like Video bài phát biểu của Thủ tướng được trích từ chương trình “Điểm tựa Việt Nam”; 3,5 nghìn lượt chia sẻ Video bài phát biểu của Thủ tướng được trích từ chương trình “Điểm tựa Việt Nam”...
Ông Nguyễn Đức Lợi thông tin thêm, là cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao, sau gần 4 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội Nhà báo giai đoạn 2021 – 2025 đã có nhiều thành công trong việc hỗ trợ các nhà báo và nền báo chí Việt Nam phát triển. Cụ thể, trong 3 năm (2021 - 2023), ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 11,46 tỷ đồng; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương là 277 tỷ đồng. Qua đó thu về hàng nghìn tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Quá trình thực hiện Chương trình, nhiều tác phẩm chất lượng cao được hưởng kinh phí hỗ trợ đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải báo chí của các địa phương, giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể. Thực tế cho thấy, các tác phẩm đoạt giải cao (A,B,C) của Giải báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm báo chí chất lượng cao đã được hỗ trợ.