Báo chí cách mạng Cao Bằng thời kỳ 1945 - 1964 (phần 1)
Sau Cách mạng Tháng Tám, Báo Việt Nam Độc lập chỉ còn đảm nhiệm chức năng là cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng. Thời gian đầu, đồng chí Nguyễn Khánh Kim được Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng cử phụ trách tờ báo. Cơ quan báo được bổ sung cán bộ, nhân viên có năng lực, như: Nông Ích Đạt (họa sĩ), Bế Nhật Liên... Lúc này, nhiệm vụ của Báo là tập trung tuyên truyền, vận động toàn dân chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; phổ biến nguyên tắc, thể lệ bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta, đưa tiểu sử người ứng cử...

Một số hiện vật về các thời kỳ xuất bản báo được lưu giữ tại Phòng truyền thống Báo Cao Bằng.
Cách mạng thành công, Báo hoạt động công khai rất nhiều thuận lợi, có thêm cán bộ chuyên làm báo, giấy in, mực in và các vật tư khác dễ kiếm hơn, song việc in ấn vẫn phải dùng bàn đá để in.
Tháng 11/1946, Đại hội đại biểu toàn tỉnh bầu Tỉnh bộ Việt Minh mới, đồng chí Bế Tùng Dũng trúng cử Ban Chấp hành Tỉnh bộ Việt Minh, nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Thường trực Tỉnh bộ Việt Minh, đã cùng với đồng chí Nguyễn Khánh Kim củng cố lại tờ Báo Việt Nam Độc lập. Nội dung báo có thêm mục “Sinh hoạt mặt trận và các đoàn thể”.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Báo Việt Nam Độc lập được chú trọng hơn. Lúc này Báo đăng tải nhiều nội dung quan trọng, như: Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp nói về đồng chí Giang Từ (tức Siêu Hải) - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu dũng cảm; tin ta tiêu diệt tên Đại tá Lămbe và Bộ Tham mưu trong trận giặc dùng quân nhảy dù tập kích thị xã Cao Bằng ngày 19-10-1947; chuyện dân quân Thông Cường (Đề Thám, Hòa An) tuốt gươm giết giặc, đoạt súng giặc; nữ dân quân Mỹ Viên, giữa phiên chợ Trà Lĩnh diệt địch; đồng chí Việt Long, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Nguyên Bình ca ngợi gương chiến đấu của bộ đội dân quân huyện Nguyên Bình bằng bài thơ “Chiến địa Nguyên Bình chính Bó Ca”,...
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cơ quan Báo Việt Nam Độc lập chuyển theo cơ quan Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh tới nhiều địa điểm, gặp nhiều khó khăn về ổn định nơi làm việc, song vẫn giữ đúng kỳ ra báo. Cuối năm 1948, các đồng chí Nguyễn Khánh Kim, Nông Ích Đạt, Bế Nhật Liêm được điều chuyển công tác khác, Báo bàn giao lại cho Thường vụ Tỉnh bộ Việt Minh, do đồng chí Tùng Dũng phụ tránh. Thời gian này, cơ quan Báo thiếu giấy trắng để in, phải dùng nhiều loại giấy, có số in giấy màu hồng, màu trắng đục, giấy xanh lơ... Ngoài ra, cơ quan còn phải đào tạo người viết đá (thường gọi là viết litô) và thợ in (thường gọi là công nhân in litô hoặc công nhân ấn loát).
Có một việc đáng nhớ sâu sắc là: Do nhận thức đơn giản thấy tên Báo Việt Nam Độc lập hơi dài (thường gọi tắt là Việt Lập), đồng chí Tùng Dũng đã tự quyết định đề gọn tên báo là Việt Lập. Khi Báo ra được 1 kỳ thì bị Tỉnh ủy phê bình và kiểm điểm đồng chí Tùng Dũng. Tỉnh ủy đã ra chỉ thị phải ghi đúng tên báo như trước. Sai sót kể trên làm cho một số người sau này hiểu lầm báo Việt Lập khác với Báo Việt Nam Độc lập hoặc là tin Việt Lập. Năm 1949 có một việc hệ trọng đã xảy ra đối với Báo là: Để mừng ngày sinh của Hồ Chủ tịch, cụ Thanh Giang (Bế Ích Bồng) có bài thơ tiếng Tày gửi đăng báo, vì không có ảnh Bác, Tòa soạn mạnh dạn để anh em vẽ hình Bác theo báo Trung ương (minh họa đăng cùng bài thơ). Ít lâu sau Nha Thông tin có công văn phê bình vì bức vẽ không giống Hồ Chủ tịch mà chỉ là một ông cụ có chòm râu, dưới đề khẩu hiệu Hồ Chủ tịch Muôn Năm! Hai việc làm kể trên là bài học đáng ghi nhớ trong nghề làm báo về sau đối với cả tòa soạn.
Tháng 12/1949, Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng hoàn thành sứ mệnh lịch sử và hòa vào Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Tỉnh hội Liên Việt Cao Bằng cử đồng chí Tùng Dũng làm Phó Hội trưởng kiêm phụ trách Báo Việt Nam Độc lập, cơ quan của Tỉnh hội Liên Việt Cao Bằng. Khi cơ quan Báo vừa từ Mỏ Sắt (xã Dân Chủ, Hòa An) cách thị xã Cao Bằng 31 km, về cánh đồng Nước Hai thì cũng là lúc quân Tưởng thua Hồng quân Trung Quốc chạy và đột nhập vào Cao Bằng theo đường Sóc Giang (Hà Quảng). Cơ quan Báo lại phải lên Lũng Chung ở vùng Lam Sơn (Hòa An). Sau khi quân Tưởng bị Trung đoàn 74 đánh chặn, chúng chạy qua Lục Khu vượt sang Trà Lĩnh đến Quảng Uyên, Tà Lùng (Phục Hòa) thì tan tác, cơ quan Báo lại trở về vùng đồng Hòa An. Cơ quan Báo chuyển về nơi mới chưa được bao lâu, thì lại nhận được tin quân Pháp ở thị xã Cao Bằng sắp đánh ra vùng Hòa An. Trong buổi sớm sương mù đầu năm 1950, cơ quan Báo lại nhanh chóng di chuyển lên Mỏ Sắt. Tại đây, Trung đoàn 74 yêu cầu in tài liệu huấn luyện cho tiểu đội trưởng, Tỉnh ủy đã chỉ thị cơ quan Báo phải khẩn trương in giúp Trung đoàn. Cơ quan Báo vừa phải đảm bảo phát hành báo đúng kỳ, vừa tranh thủ ngày đêm trong ánh sáng mờ mờ của mấy đĩa đèn dầu trẩu để in kịp tài liệu theo yêu cầu của lực lượng vũ trang. Khi ấn phẩm in xong đã nhận được sự khem ngợi là in sạch, rõ, đóng thành sách bỏ vào túi rất thuận tiện.
Có thể nói từ khi có cơ sở in của Báo, mặc dù chỉ là in đá (litô), song cơ quan Báo đã đảm nhiệm in hầu hết các tài liệu trong thời kỳ bí mật, sau Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Khi giặc Pháp không nống được ra khỏi thị xã Cao Bằng, cơ quan Báo lại về vùng Nước Hai (Hòa An). Thời gian này đang chuẩn bị thành lập Binh đoàn Cao - Bắc - Lạng, tuy phải chuẩn bị gấp nhưng Báo đã ra được số đặc biệt để chào mừng sự kiện thành lập Binh đoàn chủ lực.
Không khí những tháng đầu năm 1950 rất sôi sục, từng đoàn dân công ở nhiều miền đất nước, các tầng lớp nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng hồ hởi nối tiếp nhau tham gia dân công phục vụ Chiến dịch Biên giới.
Tháng 5/1950, Trung đoàn 174 diệt gọn cứ điểm Đông Khê (Thạch An). Do cơ quan Báo ở xa nên bài viết phản ánh chiến thắng đã không đầy đủ lại có điểm sai sót. Cuối tháng 8/1950, Tỉnh ủy chỉ thị cơ quan Báo chuyển sang huyện Quảng Uyên. Lúc này, tổng số cán bộ, nhân viên cơ quan báo có 6 người đã chia nhau ra mỗi người một việc. Người thì đeo đá in, vác giấy in (được bọc lá chuối để che mưa vì khi đó không có nilông để dùng), người gánh mực in, dụng cụ in, cả nồi niêu, bát đĩa mải miết đi cả ngày lẫn đêm hòa vào các đoàn dân công từ các huyện miền Tây kéo sang để phục vụ Chiến dịch. Ở Quảng Uyên được ít lâu, cơ quan Báo có lệnh chuyển về gần Đông Khê. Khi cơ quan Báo di chuyển đến xã Cách Linh, huyện Phục Hòa thì Đông Khê đã giải phóng. Khi cơ quan ra được hai kỳ báo (5 ngày một kỳ), chưa mài xong đá thì thị xã Cao Bằng đã giải phóng. Cơ quan Báo tiếp tục chuyển xuống dưới vùng Cách Linh vài kilômét thì tin vui chiến thắng bay về: Binh đoàn Lơpagiơ và Sáctông đã bị tiêu diệt, hàng đoàn tù binh Âu Phi đang bị giải qua Phục Hòa sang Quảng Uyên.
Hơn một tháng đi chiến dịch, tuy gian nan, vất vả nhưng Báo vẫn ra đúng kỳ, đã cổ vũ quân và dân ta chiến đấu, phục vụ chiến đấu và khuếch trương chiến thắng; nêu gương anh dũng chiến đấu, hy sinh của bộ đội và dân công hỏa tuyến...
(còn tiếp)