Báo cáo: Vòng tuần hoàn nước toàn cầu lần đầu bị phá vỡ trong lịch sử loài người

Một báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế Nước Toàn cầu đã cảnh báo về việc con người đã phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của chu trình nước toàn cầu, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Ủy ban Kinh tế Nước Toàn cầu cho biết việc khai thác đất quá mức và quản lý nguồn nước kém hiệu quả, kết hợp với cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra, đã khiến hệ thống tuần hoàn nước của Trái Đất phải đối mặt với áp lực lớn chưa từng có.

Chu trình nước là một quá trình tự nhiên quan trọng, diễn ra liên tục và không ngừng nghỉ. Nước bốc hơi từ hồ, sông và thực vật, sau đó tạo thành hơi nước trong khí quyển. Hơi nước ngưng tụ thành mây và rơi xuống đất dưới dạng mưa hoặc tuyết.

 Hồ Yliki ở Boeotia, miền trung Hy Lạp, với mực nước thấp vào ngày 11 tháng 7 năm 2024. Ảnh: Getty Images

Hồ Yliki ở Boeotia, miền trung Hy Lạp, với mực nước thấp vào ngày 11 tháng 7 năm 2024. Ảnh: Getty Images

Sự gián đoạn chu trình nước đã gây ra tình trạng thiếu nước cho gần 3 tỷ người. Mùa màng héo úa và nhiều thành phố đang lún xuống do nước ngầm cạn kiệt.

Nếu không có những hành động kịp thời, cuộc khủng hoảng nước có thể đe dọa hơn 50% sản lượng lương thực toàn cầu và làm giảm trung bình 8% GDP của các quốc gia vào năm 2050. Đặc biệt, các quốc gia thu nhập thấp có thể chịu tổn thất lên tới 15%.

Johan Rockstrom, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nước Toàn cầu, cho biết chúng ta đã làm mất cân bằng chu trình nước, khiến mưa không còn là nguồn cung cấp nước ngọt đáng tin cậy nữa.

 Hình ảnh minh họa chuyển động của "nước xanh lá cây" và "nước xanh lam" trong chu trình nước toàn cầu. Ảnh: Ủy ban Kinh tế Nước Toàn cầu

Hình ảnh minh họa chuyển động của "nước xanh lá cây" và "nước xanh lam" trong chu trình nước toàn cầu. Ảnh: Ủy ban Kinh tế Nước Toàn cầu

Mặc dù thường bị xem nhẹ, "nước xanh lá cây" đóng vai trò không thể thiếu trong chu trình nước. Quá trình thoát hơi nước của thực vật cung cấp khoảng một nửa lượng mưa trên đất liền.

Báo cáo chỉ ra rằng sự gián đoạn chu trình nước có mối liên hệ sâu sắc với biến đổi khí hậu.

Nguồn cung cấp "nước xanh lá cây" ổn định rất quan trọng để hỗ trợ thảm thực vật lưu trữ carbon, nhưng việc phá hủy đất ngập nước và chặt phá rừng đang cạn kiệt các bồn chứa carbon này, làm gia tăng quá trình nóng lên toàn cầu. Biến đổi khí hậu lại khiến cảnh quan khô hạn hơn, giảm độ ẩm và tăng nguy cơ cháy rừng.

 Sông Rio Negro ở Manaus, Brazil khi mực nước đạt mức thấp nhất từng được ghi nhận trong đợt hạn hán dữ dội và lan rộng nhất mà quốc gia này đã trải qua kể từ năm 1950. Ảnh: Reuters

Sông Rio Negro ở Manaus, Brazil khi mực nước đạt mức thấp nhất từng được ghi nhận trong đợt hạn hán dữ dội và lan rộng nhất mà quốc gia này đã trải qua kể từ năm 1950. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng nước trở nên cấp bách do nhu cầu nước ngày càng cao. Trung bình, mỗi người cần khoảng 4.000 lít nước mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức 50 đến 100 lít mà Liên hợp quốc cho là đủ cho nhu cầu cơ bản, và nhiều khu vực không thể đáp ứng được nhu cầu này từ nguồn nước địa phương.

Theo Richard Allan, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading, các hoạt động của con người đang làm thay đổi kết cấu đất đai và không khí, làm khí hậu nóng lên, tăng cường các hiện tượng cực đoan ẩm ướt và khô hạn. Ông nhấn mạnh rằng cuộc khủng hảng này chỉ có thể giải quyết bằng việc quản lý tốt hơn tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm.

 Những cây hạnh nhân bị nông dân loại bỏ vì thiếu nước tưới ở Huron, California. Ảnh: Getty Images

Những cây hạnh nhân bị nông dân loại bỏ vì thiếu nước tưới ở Huron, California. Ảnh: Getty Images

Các tác giả báo cáo kêu gọi các nước công nhận chu trình nước là "lợi ích chung" và hợp tác để giải quyết vấn đề này. Họ lưu ý rằng các quốc gia phụ thuộc vào nhau, không chỉ qua các hồ và sông xuyên biên giới mà còn vì nước trong khí quyển, có thể ảnh hưởng đến lượng mưa ở những nơi xa xôi, do đó, quyết định của một quốc gia có thể tác động đến nước khác.

Nước là “cầu nối” giữa các quốc gia. Các quốc gia cần hợp tác vì nước không chỉ giới hạn trong biên giới mà còn di chuyển qua bầu khí quyển. Quyết định của một nước có thể ảnh hưởng đến nguồn nước của nhiều nước khác".

Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới và đồng Chủ tịch Ủy ban, nhận định rằng cuộc khủng hoảng nước toàn cầu là một thảm kịch nhưng cũng là cơ hội để thay đổi nền kinh tế nước. Bà nhấn mạnh rằng việc định giá nước đúng cách là cần thiết để nhận ra sự khan hiếm của nó và các lợi ích mà nước mang lại.

Hà Trang (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-cao-vong-tuan-hoan-nuoc-toan-cau-lan-dau-bi-pha-vo-trong-lich-su-loai-nguoi-post317497.html
Zalo