Báo cáo: Nạn đói ngày một lan rộng và nghiêm trọng hơn tại Sudan

Theo báo cáo mới nhất, nạn đói ở Sudan đã bao trùm 5 khu vực và dự kiến sẽ lan rộng ra thêm 5 khu vực nữa vào tháng 5. Trong khi đó, các hoạt động quân sự đang cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo, khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng.

Ủy ban Đánh giá Nạn đói của Phân loại Giai đoạn Thực phẩm Tích hợp (IPC) đã xác định rõ tình trạng nạn đói đang diễn ra tại các khu vực như trại tị nạn Abu Shouk và al-Salam ở thủ phủ bị bao vây al-Fashir của Bắc Darfur, và các cộng đồng dân cư ở vùng núi Nuba. Trại Zamzam, nơi nạn đói xuất hiện từ tháng 8, vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.

Ủy ban đánh giá gồm 5 thành viên sẽ thẩm tra và xác minh các phát hiện về nạn đói do các nhà phân tích kỹ thuật đưa ra. Theo đó, nạn đói dự kiến sẽ lan rộng đến 5 khu vực mới tại Bắc Darfur và đe dọa thêm 17 khu vực khác trên toàn Sudan.

 Nạn đói đang nạn rộng ở Sudan và nhiều nơi trên thế giới. Ảnh tư liệu: FAO

Nạn đói đang nạn rộng ở Sudan và nhiều nơi trên thế giới. Ảnh tư liệu: FAO

IPC ước tính số người Sudan cần viện trợ lương thực khẩn cấp đã tăng từ 21,1 triệu lên 24,6 triệu vào tháng 5.

Việc chính quyền Sudan rút khỏi hệ thống giám sát nạn đói toàn cầu và phủ nhận các báo cáo của IPC đang gây cản trở đáng kể đến các nỗ lực cứu trợ nhân đạo. Quyết định này có thể làm chậm quá trình phân bổ viện trợ đến những người cần nó nhất.

Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) kiên quyết phủ nhận tình trạng nạn đói nhằm trì hoãn sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, qua đó duy trì quyền kiểm soát các khu vực biên giới và tiếp tục cuộc xung đột với Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).

Trong một bức thư gửi IPC, Bộ trưởng Nông nghiệp Sudan đã bày tỏ sự không đồng tình với báo cáo mới nhất của tổ chức này, cho rằng báo cáo thiếu dữ liệu về suy dinh dưỡng và đánh giá không chính xác về năng suất mùa vụ. Bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về khả năng thu thập dữ liệu của IPC ở các khu vực do RSF kiểm soát.

Theo hệ thống IPC, một nhóm chuyên gia kỹ thuật, thường do chính phủ quốc gia chỉ định, sẽ phân tích dữ liệu và đưa ra báo cáo đánh giá tình hình an ninh lương thực theo thang điểm từ 1 đến 5.

Bắt đầu từ tháng 4 năm 2023, cuộc nội chiến đã tàn phá nền nông nghiệp và hệ thống thương mại của Sudan, đẩy hơn 12 triệu người vào cảnh mất nhà cửa, khiến đây trở thành cuộc khủng hoảng di dời lớn nhất thế giới.

RSF đã cướp bóc lương thực, phá hoại nông nghiệp và gây cản trở hoạt động cứu trợ, đẩy giá thực phẩm lên cao. Quân đội chính quyền Sudan cũng đã chặn các tổ chức nhân đạo tiếp cận một số khu vực của đất nước.

"Chúng tôi có thực phẩm và xe tải. Chúng tôi chỉ cần đường đi an toàn để viện trợ", Jean-Martin Bauer của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cho biết.

Việc áp đặt các thủ tục hành chính phức tạp bởi cả hai bên xung đột đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo, với chỉ 10% dân số nhận được hỗ trợ lương thực trong 3 tháng qua.

Hà Trang (theo IPC, WFP, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-cao-nan-doi-ngay-mot-lan-rong-va-nghiem-trong-hon-tai-sudan-post327324.html
Zalo