Báo cáo chính trị phải đưa ra thông điệp của Mặt trận đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực

Sau 1 ngày thảo luận sôi nổi, tâm huyết và thẳng thắn, chiều 4/9, Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 đã thành công tốt đẹp. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng ghi nhận các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm đề cập tới 7 nhóm vấn đề mà các đại biểu thảo luận tại Hội nghị và khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với tinh thần cầu thị, nghiêm túc; tiến hành giải trình, hoàn thiện và báo cáo tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 5/9/2024 theo đúng tinh thần Điều lệ và Luật MTTQ Việt Nam.

Xung quanh các vấn đề xã hội và nhân dân quan tâm, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, đây là vấn đề cốt lõi mà báo cáo chính trị cần tập trung đề cập như vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, Đảng ta đã nhận thức rất rõ vấn đề này, xác định đây là vấn đề có tính chiến lược toàn cầu. Dự thảo nêu rõ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Từ nội dung của dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và ý kiến đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Tiểu ban văn kiện Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cần làm rõ vai trò của Mặt trận đối với công tác bảo vệ môi trường, để hoạt động này mang tính toàn dân, toàn diện, không chỉ dừng lại ở đồng bào tôn giáo mà sẽ là cuộc vận động có tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc.

Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, thực tế đã chứng minh đây là một cuộc đấu tranh cam go, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu rất quan trọng về vấn đề này và nhấn mạnh, chúng ta phòng chống tham nhũng tiêu cực nhưng phải nhằm mục tiêu phát triển đất nước; đồng thời công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Mặt trận sẽ khẳng định vai trò và sự vào cuộc của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực thông qua hoạt động giám sát, đưa ra kiến nghị để các cơ quan liên quan xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Mặt trận sẽ khẳng định vai trò và sự vào cuộc của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực thông qua hoạt động giám sát, đưa ra kiến nghị để các cơ quan liên quan xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Quang Vinh.

Nêu vấn đề dự thảo Báo cáo chính trị phải làm rõ Mặt trận tham gia như thế nào đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Tô Lâm, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, từ những gợi mở của đại biểu tham dự Hội nghị, Mặt trận sẽ khẳng định vai trò và sự vào cuộc của mình thông qua hoạt động giám sát, đưa ra kiến nghị để các cơ quan liên quan xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nội dung dự thảo Báo cáo chính trị phải thể hiện đậm nét thêm, rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đưa ra thông điệp của Mặt trận đối với cuộc chiến cam go này.

Đề cập đến khát vọng, trí tuệ của nhân dân hội tụ trong dự thảo Báo cáo chính trị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, từ những gợi mở này, Tiểu ban văn kiện cần tiếp thu, đưa vào dự thảo nội dung Mặt trận sẽ vào cuộc và sẽ triển khai tuyên truyền, vận động như thế nào để khắc phục vấn đề già hóa dân số. Bởi nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số sau này.

Đối với tiêu đề của Đại hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, tiêu đề cần diễn đạt lại thành: “Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, phát huy dân chủ, truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Đề cập tới nhóm ý kiến nhằm nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, nội dung Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã tạo một bước chuyển biến mới đối với công tác nhân sự tại Đại hội. Hiện nay, 50% Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp xã là Ủy viên Ban thường vụ cùng cấp; 459/648 Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp huyện là Thường vụ Huyện ủy.; 77,65% Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh/Thành ủy trực thuộc Trung ương (22,35% Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Tỉnh ủy viên đã được quy hoạch Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy).

Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Từ cơ cấu nhân sự tại Đại hội, trong nhiệm kỳ 2024-2029 cần triển khai mạnh mẽ việc đào tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ Mặt trận từ Trung ương tới cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu đối với công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.

Nhắc đến nội hàm “dân là gốc” mà đại biểu đề cập tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, GS. TS, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã viết: “Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu...”. Quan điểm này được minh họa rõ nét qua Đại hội MTTQ Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trên cả nước trong những ngày qua, Đại hội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của nhân dân và sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp chính quyền. Thông qua Đại hội một lần nữa khẳng định được vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị.

Nhấn mạnh tới việc tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, từ nội dung Quyết định số 120-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo nghiên cứu quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn và chế độ chuyên gia của MTTQ Việt Nam...

Từ những ý kiến thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn thời gian tới các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị; dự thảo Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi, bổ sung; dự thảo Đề án nhân sự;... trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 dự kiến diễn ra trong 3 ngày: 16,17,18/10/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ và đoàn kết, các đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 20, khóa IX.

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-cao-chinh-tri-phai-dua-ra-thong-diep-cua-mat-tran-doi-voi-cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-10289308.html
Zalo