Báo Cao Bằng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước 1996 - 2014 (phần 1)

Đẩy mạnh tuyên truyền sự nghiệp đổi mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1996 - 2000)

Những năm thập niên 90 thế kỷ XX, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, nền kinh tế tăng trưởng chậm, chưa ổn định và còn suy thoái trong một số lĩnh vực. Mặt khác, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; đất nước vẫn trong giai đoạn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 1996 - 2000 (tháng 6/1996), xác định: Giai đoạn từ nay đến năm 2000 là bước rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ của nhân dân ta là tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được đề ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000: tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân, nâng cao tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau.

Số báo ra ngày 5/1/1996.

Số báo ra ngày 5/1/1996.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 1996 - 2000 (diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27/4/1996), đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2000: “Chủ động tích cực khai thác các điều kiện thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; cải thiện đời sống nhân dân xóa được đói, hạ thấp tỷ lệ nghèo, nâng cao một bước trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Tăng cường ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo kỷ cương luật pháp và công bằng xã hội, đẩy lùi tiêu cực, bất công. Tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế, tạo tiền đề cơ sở cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000”.

Trong những năm 1991 - 1995, tình hình kinh tế - xã hội của Cao Bằng có sự tiến bộ khả quan. Kinh tế tương đối ổn định, bước đầu tạo điều kiện cho việc phát triển nền sản xuất hàng hóa của tỉnh; thu nhập bình quân GDP đầu người tăng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với thực tế của tỉnh; các thành phần kinh tế tiếp tục được phát triển; các hoạt động về y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa thông tin, thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo có chuyển biến tiến bộ; đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của các dân tộc trong tỉnh từng bước được ổn định, có mặt được cải thiện đáng kể; tình hình chính trị được ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; phát huy được sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc; hệ thống chính trị được củng cố, đổi mới, phát triển, lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới được nâng lên.

Tuy nhiên, Cao Bằng vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế - xã hội của tỉnh còn phát triển chậm so với cả nước, tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh để vươn lên nhanh hơn; nền kinh tế chưa ổn định vững chắc, trình độ sản xuất hàng hóa còn ở mức thấp, mang tính tự cung, tự cấp. Hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Cơ sở vật chất các ngành văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo; y tế; văn hóa thông tin, thể thao; báo chí, phát thanh truyền hình... còn nghèo nàn thiếu thốn. Đời sống nhân dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; xóa đói giảm nghèo còn nhiều hạn chế...

Đối với Báo Cao Bằng, thời kỳ này, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác nghiệp vụ cũng hết sức khó khăn, thiếu thốn. Trụ sở Tòa soạn chật hẹp, xuống cấp; phương tiện kỹ thuật lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Trước thực tế đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ chặt chẽ, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị trong tỉnh, Báo Cao Bằng đã khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, đoàn kết thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng phát triển của tỉnh trong thời kỳ đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong thời kỳ này, Báo Cao Bằng xuất bản 2 ấn phẩm: Báo thường kỳ và Tờ tin ảnh vùng cao, được phát hành đến các chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị, thôn, xóm trong tỉnh. Những năm 1996 đến năm 1998, Báo thường kỳ xuất bản 1 số/tuần, mỗi số 8 trang, khổ báo 29 x 42 cm, phát hành vào thứ Sáu hằng tuần. Được sự nhất trí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, và Bộ Văn hóa và Thông tin cấp phép, năm 1999, Báo thường kỳ xuất bản 2 số/tuần, mỗi số 8 trang, khổ báo không thay đổi, phát hành vào thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần; năm 2000, báo chuyển phát hành vào thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần. Mỗi số báo phát hành 3.800 tờ. Tờ tin ảnh vùng cao in 20 trang cả bìa; năm 1996 xuất bản 3 tháng/số; từ năm 1997 xuất bản 2 tháng/số, mỗi số phát hành 2.000 - 2.200 cuốn. Mặc dù Xí nghiệp In Việt Lập được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chuyển giao về Báo Cao Bằng quản lý, nhưng do dây chuyền công nghệ in chưa đồng bộ, không đáp ứng cho in báo, nên thời kỳ này cả 2 ấn phẩm của Báo Cao Bằng đều được in tại Công ty In Tiến bộ (Hà Nội). Ngoài ra, vào các dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, huyện và ngày truyền thống của các ngành, Báo Cao Bằng phối hợp xuất bản các số báo đặc biệt, các đặc san chuyên ngành để tuyên truyền sâu hơn. Việc ra các số báo đặc biệt, các đặc san chuyên ngành và tăng kỳ xuất bản 2 ấn phẩm: báo thường kỳ từ 1 số/tuần lên 2 số/tuần và Tờ tin ảnh vùng cao từ 3 tháng/số xuống còn 2 tháng/số, Báo Cao Bằng đã có sự phát triển mới, Báo chuyển tải được nhiều thông tin hơn, thông tin được phản ánh phong phú hơn, tờ báo trở nên sinh động hơn, giúp độc giả tỉnh nhà nắm bắt được thông tin nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin nhiều chiều của nhân dân.

Về công tác tổ chức và cán bộ, Báo Cao Bằng cũng gặp không ít khó khăn. Năm 1996, đội ngũ phóng viên của cơ quan Báo Cao Bằng chỉ có 8 người, trong đó, 6 phóng viên viết, 2 phóng viên ảnh. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX tại Kỳ họp thứ 10, từ ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Thái được chia tách thành 2 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, đội ngũ phóng viên Báo Cao Bằng lại có sự biến động, Báo đã san sẻ 2 đồng chí phóng viên cho Báo Bắc Kạn. Tiếp đó, tháng 10/1998, 1 đồng chí phóng viên chuyển công tác về Thái Nguyên, lực lượng phóng viên có những lúc giảm còn một nửa. Trong khi đó, các phòng chuyên môn của Báo chưa được thành lập, Tòa soạn chỉ có Phòng Hành chính - Trị sự, các bộ phận phóng viên, thư ký xuất bản, bạn đọc, do Ban Biên tập trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Trước thực tế đó, Ban Biên tập Báo Cao Bằng đặc biệt chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức, quan tâm công tác tuyển dụng, phát triển, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với lực lượng phóng viên, biên tập viên, nên đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo Cao Bằng thời kỳ này đã có bước trưởng thành nhanh chóng cả về phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và trình độ chuyên môn. Đến năm 1998, 50% số phóng viên, biên tập viên của Báo có 2 bằng đại học báo chí và chuyên môn khác.

Giai đoạn này, cán bộ Ban Biên tập Báo Cao Bằng có một số thay đổi, tiếp tục được kiện toàn. Tháng 3/1995, sau khi đồng chí Nguyễn Ly, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng được nghỉ hưu, đồng chí Nông Văn Tín, Phó Tổng Biên tập được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Quyền Tổng Biên tập, và đến tháng 1/1997 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Cao Bằng. Phó Tổng Biên tập gồm hai đồng chí: Nông Thanh Quế, Hà Hữu Huyền, đều được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định bổ nhiệm từ tháng 2/1995.

Thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến tháng 2/1998, đồng chí Hà Hữu Huyền, Phó Tổng Biên tập Báo Cao Bằng được điều động đến nhận công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy, giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy và đồng chí Tô Ngọc Thái, Trưởng phòng Tổng hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, được điều động đến nhận công tác tại Báo Cao Bằng và đề bạt giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Cao Bằng. Tháng 2/1999, đồng chí Nông Văn Tín, Tổng Biên tập được nghỉ hưu, đồng chí Tô Ngọc Thái, Phó Tổng Biên tập được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Quyền Tổng Biên tập, đến tháng 1/2000, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Cao Bằng.

Thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn đan xen, Ban Biên tập Báo Cao Bằng đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII về đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xác định nhiệm vụ trọng tâm phải tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức các ấn phẩm, đổi mới thông tin, tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh vào cuộc sống một cách sinh động, hiệu quả và thiết thực.

Về công nghệ làm báo, thời kỳ này máy móc, phương tiện kỹ thuật để sản xuất số báo của Báo Cao Bằng chưa được đầu tư, công nghệ thông tin cũng chưa được áp dụng, nên cách tổ chức trình bày tờ báo hết sức lạc hậu. Cả Tòa soạn chỉ có một chiếc máy đánh chữ để soạn thảo nội dung văn bản và bản thảo tác phẩm báo chí của phóng viên, cộng tác viên gửi đến Tòa soạn. Họa sĩ trình bày makét báo chỉ sử dụng bút dạ nhiều màu để kẻ vẽ, sắp xếp, bố trí tin, bài, ảnh trên khổ giấy A3, chuyển Ban Biên tập duyệt in, nên không tránh khỏi những hạn chế về chất lượng nội dung thông tin cũng như hình thức trình bày số báo. Để chuyển in từng số báo, tòa soạn phải cử 2 đồng chí kỹ thuật viên luân phiên nhau trực tiếp cầm ma két, bản thảo tác phẩm báo chí và ảnh xuống Công ty In Tiến bộ (Hà Nội) để in và các ấn phẩm sau khi in xong lại thuê chuyển về tòa soạn bằng ôtô khách để phát hành. Ban Biên tập Báo Cao Bằng cũng đã cố gắng tổ chức các chuyên trang, chuyên mục khá ổn định, kết cấu trang báo tương đối hợp lý, công tác xuất bản, phát hành báo vẫn đảm bảo.

Về nội dung, Báo Cao Bằng tuyên truyền khá phong phú, toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội trong từng thời kỳ; xây dựng và duy trì nhiều chuyên mục: “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Người tốt việc tốt”, “Diễn đàn người quản lý”, “Bạn đọc viết”, “Nông dân cần biết”, “Dân biết - Dân bàn”, “Khuyến nông”, “Non nước Cao Bằng”, “Chuyện thường ngày”, “Ý kiến nhỏ”, “Ống kính chụp nhanh”... Đặc biệt để đấu tranh chống truyền đạo trái pháp luật, như các tổ chức bất hợp pháp “Thìn Hùng”, “Vàng Chứ” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phê phán các hủ tục, mê tín dị đoan, các hành vi sai trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội…, Báo Cao Bằng đã xây dựng chuyên mục “Người Mông, Dao một lòng theo Đảng”, “Tìm hiểu và giữ gìn nền văn hóa bản sắc cổ truyền dân tộc”... Các chuyên mục được tuyên truyền đều đặn, ổn định và tập trung, đã tạo cho nội dung tờ báo của Đảng bộ tỉnh phong phú, hấp dẫn, đem lại hiệu quả thông tin, tuyên truyền cao.

Để thông tin hiệu quả, Ban Biên tập Báo Cao Bằng đã chú trọng quan tâm đến công tác phát triển lực lượng cộng tác viên, thường xuyên định hướng, đặt tin, bài phù hợp với từng chuyên đề tuyên truyền, tạo cho thông tin trên báo được đa dạng, phong phú, toàn diện và hấp dẫn. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên tuy ít, với địa bàn thông tin rộng khắp 12/12 huyện, thị xã trong toàn tỉnh, nhưng đã không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị cách mạng, tư cách đạo đức người làm báo và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thể hiện rõ bản lĩnh, không quản ngại khó khăn, lăn lộn, bám sát thực tiễn cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị và các chương trình trọng tâm của tỉnh, tích cực tìm tòi, phát hiện cái mới trong cuộc sống, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Đảng bộ tỉnh. Tuyên truyền hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đi sâu phân tích, lý giải sâu sắc, tham gia tháo gỡ nhiều vấn đề đặt ra từ cơ sở, giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt và chỉ đạo, điều chỉnh, giải quyết kịp thời phù hợp với thực tiễn, đã định hướng đúng đắn dư luận xã hội. Nhờ đó, Báo Cao Bằng thời kỳ này trở thành kênh thông tin hữu ích trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng bộ và chính quyền tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuyên truyền góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy hành động cách mạng ở các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh với các tiêu cực, sai trái, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; cổ vũ tập thể tiên tiến, cá nhân điển hình trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… Từ đó, tăng cường củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vào sự nghiệp đổi mới của Đảng. Khích lệ, động viên, cổ vũ nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV đề ra.

- Những năm 1996-2000, công tác xây dựng Đảng, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan Báo Cao Bằng cũng được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Chi ủy, chi bộ Báo Cao Bằng đã có nhiều đổi mới và phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị; thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, viên chức cơ quan. Công tác phát triển Đảng được chú trọng tăng cường. Năm 1996, chi bộ Báo Cao Bằng có 12 đảng viên, đến hết năm 2000, chi bộ đã kết nạp thêm 5 đảng viên. Song do yêu cầu nhiệm vụ, trong 5 năm này, tòa soạn đã có 7 đồng chí cán bộ, phóng viên là đảng viên chuyển công tác khác, nên đến cuối năm 2000, chi bộ còn có 10 đảng viên. Các đảng viên trong chi bộ Báo Cao Bằng đã phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, kiên định với lý tưởng cách mạng, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ người đảng viên. Các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Chi hội Nhà báo, Đoàn thanh niên, Chi hội Hội Cựu chiến binh…, được củng cố, kiện toàn, hoạt động nền nếp, tổ chức được nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tích cực tham gia xây dựng chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng chính quyền cơ quan vững mạnh, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tòa soạn.

Với những thành tích xuất sắc, ngày 13-12-1999, Báo Cao Bằng vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong thời kỳ 1996-2000, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Báo Cao Bằng được các cấp, ngành Trung ương, tỉnh tặng nhiều bằng khen; nhiều cán bộ, viên chức được nhận nhiều bằng khen, giấy khen các loại.

Không ngừng nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng nội dung thông tin và cải tiến hình thức trình bày số báo, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và viên chức Báo Cao Bằng ngày càng được trưởng thành về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ chuyên môn, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng phát triển tỉnh Cao Bằng trong thời kỳ đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và luôn xứng đáng là “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng”, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.

Lịch sử Báo Cao Bằng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-cao-bang-trong-thoi-ky-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-1996-2014-phan-1-3176681.html
Zalo