Báo An ninh Thủ đô thăm hỏi, chia buồn với gia đình 3 chiến sỹ công an hy sinh tại xã Đồng Tâm
Chiều 10-1, Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô do các đồng chí Phó Tổng Biên tập: Thiếu tá Lưu Hồng Quân và Đại úy Chu Quốc Dũng đã đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình những chiến sỹ công an hy sinh trong khi thực thi nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Tiếc thương vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm
Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh sinh năm 1972 tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm. Vợ đồng chí Nguyễn Duy Thịnh hiện làm buôn bán nhỏ ngoài chợ, con trai lớn hiện đang học năm thứ 2 đại học, con gái mới học lớp 7. Dù chưa phát tang, nhưng trong căn nhà nhỏ của gia đình anh, bà con lối xóm nườm nượp kéo đến thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau mất mát. Ai cũng rơm rớm tiếc thương người con thân yêu của quê hương. Cùng có mặt còn có Thượng tá Vũ Văn Khánh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an, đại diện chính quyền địa phương, Công an xã Cổ Bi. Trong đó, sự hy sinh của Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh đã để lại nỗi đau không thể bù đắp cho lực lượng Công an nhân dân, người thân, đồng chí đồng đội.
Chia buồn với gia quyến Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Thiếu tá Lưu Hồng Quân, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô khẳng định sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Huy Thịnh, một người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm là mất mát vô cùng to lớn đối với gia đình, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia quyến, bạn bè, đồng đội và nhân dân. Đồng chí mãi là tấm gương sáng, sống và chiến đấu hết mình, nêu cao tinh thần của người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Cảm ơn sự sẻ chia của Báo An ninh Thủ đô, CATP Hà Nội, bà, mẹ đồng chí Nguyễn Huy Thịnh xúc động nói: “Gia đình rất tự hào khi có người con dù biết trước hiểm nguy nhưng vẫn sẵn sàng đối mặt vì sự bình yên của nhân dân. Tôi chỉ buồn khi Tết Nguyên đán đến nơi rồi mà con tôi lại ra đi”.
Nỗi buồn người ở lại
Căn nhà nhỏ trong ngõ Thổ Quan (phường Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội) - nơi Trung úy Phạm Công Huy hàng ngày vẫn vui đùa với cô con gái bé bỏng của mình giờ đây vắng hẳn tiếng cười trẻ thơ. Từ khi nghe tin dữ về con, cho đến tận bây giờ, tuy đã 2 ngày trôi qua, nhưng ông Phạm Quốc Lâm (cha Trung úy Phạm Công Huy) vẫn còn nguyên cảm giác bàng hoàng không tin đó là sự thật. Người đàn ông vốn cứng rắn hàng ngày giờ đây cứ trào nước mắt khi ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Ông nghẹn ngào nhớ về cuộc điện cuối cùng của con trai mình: “Cháu bé con thằng Huy mới được vài tháng tuổi mà ốm mấy hôm rồi, vậy mà bố nó cứ bận công tác chưa đưa con đi viện được. Trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, Huy còn gọi điện thoại cho tôi bảo, con bận công việc của đơn vị vài bữa nên không về kịp, bố ở nhà đưa cháu đi khám giúp con. Tôi cứ nghĩ nó đi mấy hôm thôi, ngờ đâu tin dữ bay về. Vậy là nó chẳng giữ lời với bố mẹ, chẳng còn trêu đùa với vợ, với con được nữa… Nhìn đứa cháu còn ẵm ngửa, tôi như đứt từng khúc ruột”.
Ngoài người vợ trẻ và đứa con thơ, Trung úy Huy còn phải gánh trọng trách của người anh trai đối với tương lai sau này của cậu em ruột vốn không hoạt bát. Sự hy sinh của anh đã trọn vẹn với trách nhiệm của một người lính, những mãi là sự dang dở với những người thân còn lại trong gia đình. Nghe tâm sự, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình Trung úy Huy, Đại úy Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô chia sẻ: “Chấp nhận thiệt thòi, hy sinh là những điều người chiến sỹ Công an nhân dân đã lựa chọn vì sự nghiêm minh của pháp luật, vì bình yên của đất nước và nhân dân. Chắc chắn sự ra đi của Trung úy Phạm Công Huy sẽ được Bộ Công an, CATP Hà Nội và người dân mãi mãi ghi công”.
Nỗi đau người mẹ
Hai hôm nay, bà Bích (mẹ Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân) không gượng dậy nổi khi nghe tin dữ về con. Căn nhà nhỏ nằm tít trong con ngõ hun hút trên phố Đội Cấn bỗng trở nên lạnh lẽo. Chiếc bàn thờ lập vội với bức di ảnh của người lính trẻ vẫn được úp vào trong. Thiếu úy Quân chờ được đưa về, trong căn phòng khách vài người bạn thuở học trò của anh ngồi trầm ngâm và trò chuyện thì thầm.
Hay tin Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô đến thăm, bà Bích cố mãi mới xuống được cầu thang tiếp chúng tôi, nhưng vẫn phải có người dìu bởi bà có thể gục xuống bất cứ lúc nào. Nỗi đau mất con quá lớn khiến người mẹ trở nên thất thần không còn khóc nổi. Thiếu úy Quân mồ côi cha từ nhỏ, một mình bà Bích tần tảo nuôi anh cùng chị gái trưởng thành. Khi tốt nghiệp đại học ngành Công an rồi đi làm, anh không chỉ là niềm tự hào của mẹ mà bên nội cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào đứa cháu đích tôn. Anh rể của Trung úy Quân chia sẻ: “Em tôi tuy còn trẻ, nhưng biết nghĩ xa và thương mẹ lắm! Cậu ấy vẫn tâm sự, làm công an là ước mơ từ bé và sẽ cố gắng phấn đấu đền đáp công ơn của mẹ. Vậy mà bây giờ mẹ đã già yếu, cần nơi nương tựa thì cậu ấy lại bỏ ra đi. Hôm vừa rồi, để chuẩn bị chờ cậu Quân về cùng ăn Tết, mẹ tôi còn lúi húi dọn dẹp và mang hết quần áo của cậu ấy ra giặt. Ai ngờ…”.
Trở về, cán bộ chiến sĩ Đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô lòng trĩu nặng. Chúng tôi đã đến để thăm hỏi, động viên với thân nhân gia đình những chiến sỹ đã hy sinh. Mỗi cán bộ chiến sỹ Báo An ninh Thủ đô đã để dành một ngày lương để đồng cảm, chia buồn với thân nhân chiến sĩ đồng đội. Đau xót, mất mát là không thể bù đắp được, nhưng đó còn là sự tự hào, các anh đã anh dũng hy sinh để cho cuộc sống của người dân hôm nay được bình yên!