Bánh đa quạt An Viên, món quà quê dân dã

Nghề làm bánh đa quạt ở xã An Viên (Tiên Lữ) được nhiều người biết đến. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản như gạo, vừng…, qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây chế biến thành món quà quê mộc mạc nhưng không kém phần hấp dẫn.

Đồng chí Phạm Sinh Mừng, Chủ tịch UBND xã An Viên cho biết: Chế biến bánh đa quạt là nghề truyền thống của địa phương, đã tồn tại cách đây hàng trăm năm. Hiện nay, toàn xã còn hơn 10 hộ làm nghề, tập trung chủ yếu ở 2 thôn: Nội Mai và Nội Thượng. Hoạt động sản xuất diễn ra quanh năm nhưng nhộn nhịp hơn vào dịp cuối năm và mùa lễ hội. Trung bình mỗi năm, một hộ làm nghề cung cấp ra thị trường khoảng 2 vạn chiếc bánh. Dù là nghề phụ nhưng công việc này mang lại thu nhập khá cho người dân, góp phần lưu giữ nghề truyền thống của quê hương.

Gia đình chị Phạm Thị Tình ở thôn Nội Mai, xã An Viên có 3 đời làm nghề sản xuất bánh đa quạt

Gia đình chị Phạm Thị Tình ở thôn Nội Mai, xã An Viên có 3 đời làm nghề sản xuất bánh đa quạt

Những ngày thời tiết thuận lợi, không khí lao động tại các hộ làm nghề chế biến bánh đa quạt ở An Viên vô cùng tấp nập. Trong bếp, người thợ nhanh tay tráng bánh bằng chiếc nồi hơi nghi ngút khói. Trên khoảng sân trước nhà, hàng trăm chiếc bánh tròn được xếp ngay ngắn trên phên tre, hứng ánh nắng vàng…

Nguyên liệu chính để làm bánh đa quạt gồm gạo tẻ, vừng, lạc, cùi dừa… Gạo dùng để làm bánh là loại ít dẻo được đãi sạch, sau đó ngâm nước mưa khoảng 2 giờ rồi xay thành bột mịn. Người làm bánh sẽ cho thêm đường kính hoặc muối ăn để tạo thành vị ngọt, mặn.

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm, để làm được chiếc bánh đạt chuẩn thì tráng bánh là khâu quan trọng nhất. Bánh được tráng hai lần, sau khi lớp một chín nhưng vẫn còn ướt thì tiếp tục trải thêm lớp hai, sau đó rắc một lượt vừng cùng lạc sống giã giập và dừa nạo sợi lên mặt bánh còn bốc hơi nóng hổi. Vào mùa gấc chín, các hộ sản xuất sử dụng thịt gấc xay nhuyễn trộn cùng bột để tạo màu đẹp mắt và tăng độ ngậy cho bánh.

Tay thoăn thoắt tráng từng lớp bánh đều chằn chặn, chị Trần Thị Hoa ở thôn Nội Thượng cho biết: Tráng bánh đa có nhiều điểm tương đồng với tráng bánh cuốn nhưng vì thêm công đoạn nướng nên dày hơn. Ngoài ra, khi thao tác phải nhẹ tay và khéo léo để mặt bánh đều và phẳng, trong đều và không bị rách.

Người làm bánh đa quạt ở An Viên rất quan tâm theo dõi thời tiết. Bởi lẽ, sau khi tráng xong, trời mà mưa là coi như mẻ bánh đó “xôi hỏng bỏng không”. Vào những ngày thời tiết thuận lợi, người dân thường bắt đầu công việc từ sáng sớm. Khi tia nắng của một ngày mới bắt đầu chiếu rọi thì những phên bánh đã tráng xong...

Phơi bánh cũng đòi hỏi kinh nghiệm. Nắng không quá “nhạt” nhưng cũng không được quá gắt. Khi đủ thời gian để bánh se mặt nhưng vẫn dẻo, người thợ nhanh tay gỡ bánh cho khỏi dính vào phên, rồi lật bánh để phơi tiếp cho đến khô kiệt, bánh mới giòn. Bánh khô hẳn sẽ được bảo quản trong túi nilon buộc chặt, để nơi khô ráo, thoáng khí tránh bị mốc, ẩm.

Bánh tráng khô đã có thể bán cho thương lái. Tuy nhiên, người dân nơi đây thường nướng chín để được giá hơn hoặc mang đến các chợ dân sinh trong huyện bán lẻ.

Chị Trần Thị Hoa ở thôn Nội Thượng, xã An Viên (Tiên Lữ) quạt bánh bán tại lễ hội đền Đậu An

Chị Trần Thị Hoa ở thôn Nội Thượng, xã An Viên (Tiên Lữ) quạt bánh bán tại lễ hội đền Đậu An

Nhiều năm nay, chị Phạm Thị Tình ở thôn Nội Mai thường mang bánh đến khu vực chợ Tiên Lữ (thị trấn Vương) để nướng chín rồi bán cho khách. Trung bình một ngày, chị bán được từ 100 đến 200 chiếc, khách thường mua vài chiếc trở lên. Mỗi chiếc bánh sau khi nướng có giá bán từ 10.000 đến 15.000 đồng (tùy vào loại dày hay mỏng, to hay nhỏ).

Trên chậu than củi đỏ rực, chị Tình một tay thoăn thoắt lật đi lật lại chiếc bánh, tay còn lại cầm chiếc quạt nan điều chỉnh gió, mùi hương gạo, hương vừng tỏa ra thơm phức… “Nướng bánh là công đoạn cuối cùng nhưng rất quan trọng quyết định chất lượng, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế. Khi nướng, phải quạt đều tay, lật liên tục, thi thoảng uốn nắn để bánh không vênh, tròn đều; đồng thời căn chỉnh lửa để bánh chín đều, không bị cháy, vỡ”, chị Tình chia sẻ.

Chiếc bánh đa quạt ra lò đạt tiêu chuẩn phải nở phồng, vàng rộm. Khi thưởng thức, bánh giòn tan, có hương thơm của gạo, vị bùi, béo của lạc, vừng, dừa... Tất cả hòa quyện tạo nên hương vị mộc mạc, thấm đẫm hồn quê nhưng không kém phần hấp dẫn. Đối với du khách thập phương và những người con xa quê, chiếc bánh đa quạt giòn rụm là thức quà dân dã ngon và lành, nhất định phải tìm mua mỗi khi có dịp về trẩy hội đền Đậu An.

Dương Miền

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/banh-da-quat-an-vien-mon-qua-que-dan-da-3176877.html
Zalo