Bangladesh trên những bánh xe chao đảo

Gần 9 tháng sau khi lật đổ cựu Thủ tướng Sheikh Hasina, Bangladesh vẫn đối diện tương lai chính trị đầy bất trắc. Bánh xe lịch sử càng thêm chao đảo khi người đứng đầu chính phủ lâm thời nước này, ông Muhammad Yunus vừa đề cập đến khả năng từ chức vì không chịu nổi áp lực.

Giữa muôn vàn sức ép

Khi phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo lật đổ chính phủ của bà Sheikh Hasina vào tháng 8 năm ngoái, hàng triệu người Bangladesh đã ăn mừng sự hồi sinh sắp diễn ra của nền dân chủ. Nhưng, gần 9 tháng sau, chính phủ lâm thời do ông Muhammad Yunus đứng đầu vẫn chưa thể tổ chức một cuộc bầu cử để tìm ra những nhà lãnh đạo mới cho đất nước.

Ông Muhammad Yunus, người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh, đã nghĩ đến khả năng từ chức.

Ông Muhammad Yunus, người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh, đã nghĩ đến khả năng từ chức.

Ông Yunus, một nhà kỹ trị từng đoạt giải Nobel Hòa bình, được coi là cơ hội tốt nhất của Bangladesh để đưa các phe phái chính trị gần lại với nhau cho đến khi có thể tổ chức bầu cử công bằng. Theo Hiến pháp Bangladesh, chính phủ của ông Yunus sẽ có 90 ngày để tổ chức một cuộc bầu cử tự do. Nhưng, đến nay, nhà lãnh đạo 84 tuổi vẫn cảm thấy các điều kiện chính trị cho việc đó chưa thực sự chín muồi.

Các trợ lý của ông Yunus cho hay, nhà lãnh đạo này muốn có thêm thời gian để xây dựng thể chế bầu cử độc lập và đảm bảo rằng các đảng phái bị đàn áp trước đây có cơ hội cạnh tranh công bằng. Họ lý giải, nếu vội vã tổ chức bầu cử trong năm nay, cuộc bỏ phiếu sẽ bị thao túng bởi các thế lực có tổ chức mạnh, dẫn đến tái diễn tình trạng độc đoán tương tự thời cựu Thủ tướng Hasina. Bản thân ông Yunus cũng từng tuyên bố rằng cần cải cách sâu rộng trong hệ thống tư pháp, cảnh sát và tài chính trước khi tổ chức bầu cử, với thời gian cho việc cải cách dự kiến kéo dài từ 12 đến 18 tháng

Tuy nhiên, nhiều chính đảng tại Bangladesh không đồng tình với điều đó. Đảng Quốc dân Bangladesh (BNP), một trong những đảng đối lập lớn nhất dưới thời cựu Thủ tướng Hasina, đang gây áp lực mạnh mẽ nhất đòi tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt, cụ thể là trước tháng 12/2025. BNP cho rằng việc trì hoãn bầu cử sẽ làm gia tăng bất ổn chính trị và kinh tế.

Jamaat-e-Islami (JI), đảng Hồi giáo lớn ở Bangladesh, cũng mong muốn có một lộ trình bầu cử rõ ràng, nhưng họ lại có lập trường khác biệt về thời gian so với BNP. Jamaat-e-Islami cho rằng cuộc tổng tuyển cử chỉ nên được tổ chức sau khi các cải cách cơ bản, đặc biệt là các cải cách liên quan đến hệ thống tư pháp và bầu cử, được hoàn thành. Đảng này đề xuất các khung thời gian linh hoạt, ví dụ như giữa tháng 2/2026 hoặc sau tháng Ramadan (sau ngày 19/3/2026) nếu việc cải cách mất nhiều thời gian hơn.

Đảng Công dân Quốc gia (NCP), một đảng mới nổi lên từ phong trào sinh viên cũng kiên quyết rằng các cuộc bầu cử phải được tiến hành sau khi thực hiện các cải cách sâu rộng, đặc biệt là cải cách bầu cử. Họ nhấn mạnh không nên công bố ngày bầu cử cho đến khi các cải cách này được thực hiện, nhưng đề xuất tổ chức bầu cử địa phương trước khi bầu cử quốc hội.

Trong khi đó, dù không phải là một đảng chính trị, nhưng quân đội Bangladesh, thông qua tướng Waker-Uz-Zaman, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tổ chức bầu cử vào tháng 12/2025. Lập trường này có ý nghĩa quan trọng vì vai trò của quân đội trong việc duy trì ổn định và ảnh hưởng của họ đối với chính trị Bangladesh. Việc quân đội từ chối đàn áp các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu chính là một yếu tố then chốt dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền bà Hasina. Điều này cho thấy, quân đội Bangladesh có khả năng định hình các sự kiện chính trị lớn mà không cần can thiệp trực tiếp và tiếng nói của họ đương nhiên có trọng lượng rất lớn.

Đổ thêm dầu vào lửa

Như để tình hình thêm phức tạp, ông Muhammad Yunus hôm 11/5 còn ban hành lệnh cấm toàn diện đối với Liên đoàn Awami, đảng của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ lâm thời Bangladesh thông qua sửa đổi Luật Chống khủng bố năm 2025, cho phép truy tố các tổ chức chính trị.

Bangladesh cần tài lèo lái của chính phủ lâm thời trong việc cân bằng giữa cải cách và áp lực từ quân đội cũng như các đảng phái.

Bangladesh cần tài lèo lái của chính phủ lâm thời trong việc cân bằng giữa cải cách và áp lực từ quân đội cũng như các đảng phái.

Chính phủ lâm thời cáo buộc Liên đoàn Awami và các tổ chức liên quan đã phạm tội ác chống lại loài người trong các cuộc đàn áp biểu tình vào tháng 7 và tháng 8/2024, gây ra cái chết của hàng trăm sinh viên và người biểu tình. Sau khi có lệnh cấm, Ủy ban Bầu cử Bangladesh đã đình chỉ đăng ký của Liên đoàn Awami, đồng nghĩa với việc đảng này không thể tham gia cuộc tổng tuyển cử.

Nhật báo Decan Herald của Ấn Độ nhận định, lệnh cấm này có thể gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Bangladesh, tiềm ẩn nhiều hậu quả phức tạp. Đối với những người ủng hộ lệnh cấm, đây là một bước đi cần thiết để đòi lại công lý cho các nạn nhân của chế độ cũ và ngăn chặn sự trở lại của bà Hasina. Nhưng, đối với những người khác, đây là một tiền lệ nguy hiểm của sự trừng phạt tập thể, có nguy cơ làm sâu sắc thêm sự phân cực chính trị và làm suy yếu quá trình chuyển đổi dân chủ vốn đã mong manh của Bangladesh.

Việc loại bỏ một chính đảng lớn như Liên đoàn Awami - vốn có lịch sử lâu đời và cơ sở ủng hộ rộng khắp - cũng có thể làm mất đi tính hợp pháp của các cuộc bầu cử, từ đó châm ngòi cho các cuộc đối đầu và bạo lực mới. Và, trong một cái nhìn lo lắng thì mầm mống bạo lực đã xuất hiện khi Liên đoàn Awami tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động và cáo buộc chính phủ lâm thời là bất hợp pháp. Thông điệp này có thể dẫn đến các cuộc biểu tình và xung đột giữa những người ủng hộ Liên đoàn Awami với chính phủ lâm thời.

Những diễn biến như vậy, khiến nhà lãnh đạo lâm thời Yunus nản lòng tới mức đe dọa sẽ từ chức. Thông tin này được Nahid Islam, người đứng đầu đảng NCP chia sẻ với hãng tin Reuters sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo vào ngày 22/5. “Yunus nói rằng, nếu ông không thể làm công việc được giao - cải cách hệ thống và chuẩn bị cho cuộc bầu cử công bằng - thì ông có thể sẽ ra đi. Ông ấy đang cảm thấy bị mắc kẹt giữa những yêu cầu từ các phe phái chính trị khác nhau và sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng của công chúng”, Islam cho biết.

Trong khi đó, một viên chức cấp cao trong chính phủ lâm thời Bangladesh tiết lộ với Báo New York Times rằng ông Yunus thậm chí đã soạn thảo một phát biểu từ chức. Nguồn tin này nói thêm, ông Yunus đặc biệt không hài lòng với việc Tổng tham mưu trưởng quân đội Waker-uz-Zaman kêu gọi bầu cử trong năm nay và quá mệt mỏi vì những lời chỉ trích từ các đối thủ chính trị.

Kịch bản nào chờ Bangladesh?

Dù các thành viên nội các sau đó đã phải tổ chức cuộc họp khẩn với ông Yunus và thuyết phục thành công nhà lãnh đạo này gác lại ý định từ chức song việc người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh muốn “buông xuôi” vẫn gióng lên tiếng chuông báo động về nguy cơ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở quốc gia 170 triệu dân này.

Gần 9 tháng sau khi các sinh viên lật đổ cựu Thủ tướng Hasina, Bangladesh vẫn chưa thể tổ chức bầu cử để tìm ra những nhà lãnh đạo mới.

Gần 9 tháng sau khi các sinh viên lật đổ cựu Thủ tướng Hasina, Bangladesh vẫn chưa thể tổ chức bầu cử để tìm ra những nhà lãnh đạo mới.

Trong bối cảnh chính phủ lâm thời bị kẹt giữa các yêu cầu cạnh tranh về tổng tuyển cử nhanh chóng và cải cách, bức tranh chính trị Bangladesh ngày càng nhuốm màu bất ổn. Một số nhóm sinh viên Hồi giáo cực đoan đang tận dụng giai đoạn chuyển tiếp chính trị để nổi lên trở thành yếu tố gây bất ổn xã hội. Và, xu hướng này cũng được đảng BNP, do cựu Thủ tướng Khaleda Zia lãnh đạo, khai thác triệt để.

Trang tin Business Today cho hay, BNP đang liên minh với các nhóm Hồi giáo có xu hướng ủng hộ quân đội trong việc thúc đẩy bầu cử sớm như Khilafat Majlis. Đảng này cũng chỉ trích ông Yunus vì cấm Awami League tham gia bầu cử, cho rằng điều đó làm suy yếu tính “bao quát” của quá trình dân chủ, đồng thời tìm cách hợp nhất các nhóm chính trị bảo thủ và Hồi giáo để xây dựng một liên minh mạnh mẽ trước bầu cử.

Lãnh đạo cấp cao của BNP, Abdul Moyeen Khan cũng đã gửi đi thông điệp kêu gọi ông Yunus từ chức nếu không thể tổ chức được cuộc bầu cử sớm. “Tôi muốn nói rằng, mong muốn thiêng liêng của người dân Bangladesh là Tiến sĩ Yunus (và những người của ông) phải ra đi trong danh dự, đồng thời tôn vinh niềm tin mà người dân chúng tôi đặt vào ông khi tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng trong thời gian sớm nhất”, ông Abdul Moyeen Khan nói.

Trong khi đó, dù tướng Waker-Uz-Zaman vẫn cam kết quân đội Bangladesh không can thiệp trực tiếp, sự bất mãn với các chính sách của ông Yunus - đặc biệt là về thời điểm bầu cử và việc thả các nhóm cực đoan khỏi nhà tù - đang đẩy quân đội vào thế đối đầu với chính phủ lâm thời. Các nhà phân tích cho rằng, trong tương lai gần, quân đội Bangladesh vẫn có thể gia tăng áp lực để buộc tổ chức bầu cử sớm hoặc thậm chí can thiệp mạnh hơn nếu tình hình xấu đi.

Tương lai chính trị của Bangladesh sẽ phụ thuộc vào khả năng của chính phủ lâm thời trong việc cân bằng giữa nỗ lực cải cách và áp lực từ quân đội cũng như các đảng phái về một cuộc bầu cử sớm. Trong bối cảnh xã hội phân cực và chưa hết những tàn dư phức tạp của lịch sử, chính phủ lâm thời cần có bàn tay lèo lái vững vàng của ông Yunus. Nhưng, liệu cựu chủ tịch ngân hàng 84 tuổi có làm được không, khi mà kinh nghiệm chính trị của ông trước đây chỉ là con số không tròn trĩnh?

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/bangladesh-tren-nhung-banh-xe-chao-dao-i769757/
Zalo