Bangkok tiếp tục khắc phục ảnh hưởng từ trận động đất
Thủ đô Bangkok của Thái Lan những ngày qua đang đẩy nhanh việc khắc phục những tác động từ trận động đất xảy ra tại Myanmar ngày 28/3 vừa qua.

Tòa nhà gần trạm thu phí Din Daeng có cẩu tháp bị hư hại do động đất. (Ảnh: MINH THẮNG)
Ngay sau trận động đất, Cơ quan quản lý đường cao tốc Thái Lan (EXAT) đã tiến hành kiểm tra và nhận định kết cấu của các tuyến đường cao tốc ở Bangkok phần lớn không bị ảnh hưởng, vẫn ổn định và chắc chắn. Tuy nhiên, một số tuyến cao tốc của Thái Lan đã bị đóng cửa nhằm sửa chữa nhỏ và đã mở cửa trở lại sau thời gian ngắn.
Hôm qua 5/4, EXAT đã tạm thời đóng cửa cổng dẫn lên và xuống khu vực Din Daeng của tuyến đường cao tốc Chalerm Maha Nakhon từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng các ngày 5, 6 và 7/4 để bảo đảm công tác tháo dỡ một cẩu tháp bị hư hại nặng do động đất.
Cẩu tháp này được sử dụng tại công trường xây dựng một tòa nhà gần trạm thu phí Din Daeng. EXAT cũng chỉ dẫn các tuyến đường để xe cộ di chuyển trong các khoảng thời gian trạm thu phí này đóng cửa.

Đa số các cẩu tháp tại Bangkok đều không bị ảnh hưởng bởi động đất. (Ảnh: MINH THẮNG)
Trả lời Bangkok Post mới đây, Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư kết cấu Thái Lan Amorn Pimanmas cho biết, chủ sở hữu và cư dân tại các tòa nhà cao tầng ở Bangkok nên đề nghị các kỹ sư kiểm tra nhằm giảm bớt lo ngại về độ an toàn của các tòa nhà. Bangkok hiện có hơn 1.000 tòa nhà cao hơn 23m (tương đương 8 tầng).
Theo ông Amorn Pimanmas, người dân có thể tìm kiếm sự hỗ trợ thông qua Traffy Fondue, một ứng dụng do Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) điều hành, cũng như khoảng 1.000 kỹ sư tình nguyện tiến hành kiểm tra sau động đất và tư vấn miễn phí về cách bảo đảm các tòa nhà có khả năng chống động đất.
Ông Amorn Pimanmas cho biết thêm, một nhóm các nhà nghiên cứu Thái Lan đã thiết kế và lắp đặt các công cụ để đo độ rung của một số tòa nhà ở Bangkok. Tuy nhiên, ông Amorn Pimanmas cho rằng, các công cụ này không thể dự đoán chính xác thời gian và địa điểm xảy ra động đất, cũng như khó đưa ra cảnh báo kịp thời về những trận động đất với độ sâu chỉ 10km như ở Myanmar vừa qua.

Tính đến trưa 6/4, đã có 16 người chết do vụ sập tòa nhà OAG. (Ảnh: XUÂN SƠN)
Trong khi đó, Thái Lan vừa công bố, nước này đã ngừng sử dụng 48 tòa nhà và cơ sở hạ tầng trên toàn bộ 77 tỉnh, thành phố do ảnh hưởng của động đất.
Đây là các tòa nhà được đưa vào diện cảnh báo đỏ sau các đợt kiểm tra của Cục Công trình công cộng và Quy hoạch Đô thị Thái Lan phối hợp Hội đồng kỹ sư, kiến trúc sư Thái Lan, Hiệp hội Thanh tra Xây dựng và một số bên liên quan. Như vậy, cho đến nay, không có tòa cao ốc, tòa nhà lớn nào tại Bangkok bị ảnh hưởng nhiều do động đất.
Trưa 6/4, số liệu cập nhật cho biết, đã có 16 người chết trong vụ sập tòa nhà đang xây dựng, dự kiến làm trụ sở Văn phòng Tổng kiểm toán Nhà nước Thái Lan (OAG). Dựa theo số lượng người làm việc tại đây, còn 78 người được cho là mất tích trong vụ sập tòa nhà OAG. Một số thi thể được phát hiện trong đống đổ nát, tuy nhiên vẫn chưa thể đưa ra được do còn bị quá nhiều sắt thép, bê tông vùi lấp.