Băng nhóm thu mua tài khoản ngân hàng gửi ra nước ngoài lừa đảo và rửa tiền

Các đối tượng đã lập 'đại lý' các cấp nhằm tiếp cận những người dân thiếu hiểu biết về pháp luật rồi thuê họ lập tài khoản ngân hàng để thu mua, gửi ra nước ngoài hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và rửa tiền. Bước đầu Công an xác định, ổ nhóm này đã rửa tiền và lừa đảo được hơn 50 tỷ đồng của nhiều người trên cả nước.

Ngày 17/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng liên quan phá thành công một ổ nhóm tội phạm chuyên thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền, bắt giữ 41 đối tượng.

Trước đó, qua công tác nắm bắt tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phát hiện có một nhóm đối tượng người Việt Nam cấu kết với các đối tượng tại Campuchia thực hiện hành vi thu mua tài khoản ngân hàng để cung cấp cho các băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ xác lập chuyên án để đấu tranh triệt phá.

Triệu tập các đối tượng trong ổ nhóm mua tài khoản ngân hàng để gửi ra nước ngoài hoạt động lừa đảo và rửa tiền

Triệu tập các đối tượng trong ổ nhóm mua tài khoản ngân hàng để gửi ra nước ngoài hoạt động lừa đảo và rửa tiền

Quá trình lập án điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã xác định được những đối tượng giữ vai trò cầm đầu gồm: Vũ Trung Kiên (SN 1994, trú H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Phạm Hoàng Hiệp (SN 1992, trú thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An), Vũ Hoàng Nhã (SN 1984) và Hoàng Xuân Trường (SN 1988, cùng trú H.Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).

4 đối tượng cầm đầu tại cơ quan Công an

4 đối tượng cầm đầu tại cơ quan Công an

Nhóm tội phạm này hoạt động có tổ chức, rất tinh vi với nhiều thủ đoạn mới. Các thành viên tham gia đều được phân công nhiệm vụ cụ thể. Để phục vụ cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook giả danh người thân của nạn nhân rồi dụ dỗ chuyển tiền, đầu tư tài chính...

Ngoài ra, các đối tượng đã tạo dựng hệ thống “chân rết” dày đặc ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để thu mua tài khoản ngân hàng phục vụ hoạt động lừa đảo. “Con mồi” mà nhóm đối tượng này nhắm đến gồm nhiều thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau trong xã hội, đặc biệt là những người cao tuổi, người lao động có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc học sinh, sinh viên. Theo đó, các đối tượng đã thuê họ mở tài khoản ngân hàng rồi trả tiền công với giá dao động từ 500 ngàn đồng đến 4 triệu đồng/1 tài khoản.

Sau khi thuê mở tài khoản ngân hàng xong, các đối tượng yêu cầu chủ tài khoản phải bàn giao thông tin, sim điện thoại, email, quay video lại khuôn mặt của mình và làm theo các yêu cầu khác của chúng. Thông tin cá nhân, video của chủ tài khoản sẽ được các đối tượng sử dụng phục vụ cho việc hack sinh trắc học tài khoản ngân hàng rồi chuyển lại cho các đối tượng tại Campuchia để nhận tiền lừa đảo và rửa tiền do các hoạt động phạm tội mà có.

Đấu tranh lấy lời khai đối tượng cầm đầu Vũ Trung Kiên

Đấu tranh lấy lời khai đối tượng cầm đầu Vũ Trung Kiên

Để thu mua tài khoản ngân hàng cung cấp cho các đối tượng bên kia biên giới hoạt động lừa đảo, những đối tượng cầm đầu tuyển nhóm “đại lý” cấp 1 gồm: Đào Văn Khánh (SN 2001, trú H.Yên Châu, tỉnh Sơn La), Bùi Thị Thương (SN 1984, trú quận Hà Đông, TP.Hà Nội) và Tạ Thị Lan Anh (SN 1973, trú quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) trực tiếp thực hiện. Khánh, Thương, Anh sau đó tuyển thêm “đại lý” cấp dưới gồm: Đặng Quý Dương (SN 2004, trú TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), Hà Thị Lan (SN 1986, trú H.Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) và Trần Thị Lệ Giang (SN 1984, trú H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) để mở rộng thu mua được nhiều tài khoản ngân hàng hơn.

Căn cứ vào những tài liệu thu thập được, bước đầu Ban chuyên án xác định, chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đã thuê, mua hơn 500 tài khoản của nhiều ngân hàng khác nhau để hoạt động lừa đảo và rửa tiền. Theo đó, số tiền sau khi lừa đảo được, các đối tượng chuyển vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau đã thu mua được từ người dân. Sau đó, dòng tiền này được dùng để mua tiền điện tử USDT nhằm xóa dấu vết tội phạm, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Tang vật vụ án

Tang vật vụ án

Củng cố đầy đủ tài liệu, chứng cứ, ngày 15/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP.Hà Nội, Công an tỉnh Thái Nguyên, Công an tỉnh Ninh Bình, Công an tỉnh Bắc Giang và các cục, phòng nghiệp vụ có liên quan bắt giữ 41 đối tượng về hành vi “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Quá trình đấu tranh khai thác, bước đầu Ban chuyên án làm rõ, nhóm đối tượng này đã rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 50 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước. Trong đó, tại Nghệ An có bị hại đã bị chúng lừa đảo chiếm đoạt 700 triệu đồng.

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, tạm giữ 10 đối tượng về các tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Hiện chuyên án đang được tiếp tục đấu tranh mở rộng.

Văn Tình

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-chong-toi-pham-tren-khong-gian-mang/pha-o-nhom-thu-mua-tai-khoan-ngan-hang-de-gui-ra-nuoc-ngoai-hoat-dong-lua-dao-va-rua-tien_171538.html
Zalo