Bằng lái do Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn cấp liệu có bị thu hồi?

Liên quan đến vụ án tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, Bộ Công an mới đây đã thông báo tìm hơn 63.000 học viên. Nhiều người băn khoăn giấy phép lái xe đã cấp ra thì có bị thu hồi?

TS. luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ án hình sự xảy ra tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề về các tội như Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ; trong đó có vấn đề giải quyết quyền lợi, trách nhiệm của những người được cấp giấy phép lái xe (GPLX) không đúng quy định.

Vụ án đưa, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn là vụ án có nhiều cá nhân có liên quan. Cơ quan điều tra xác định các bị can phạm tội nhiều lần, thời gian kéo dài, có tổ chức và có rất nhiều người liên quan là những người đã học lái xe ở cơ sở này. Đây chính là lý do mà Bộ Công an tìm hơn 63.000 học viên của Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn.

Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Anh

Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Anh

“Trong vụ án này, hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố về 3 tội danh: Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ và tội Nhận hối lộ. Trong các tội danh này thì có đến 2 tội danh (Giả mạo trong công tác, Nhận hối lộ) xử lý đối với người có chức vụ, quyền hạn và có hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình (với tội Nhận hối lộ).

Với tội Đưa hối lộ thì có thể xử lý với các cá nhân không có chức vụ, quyền hạn, trong đó có thể là người trung gian hoặc những người tham gia học nghề lái xe ở cơ sở này.

Những người khác nếu không bị xử lý hình sự nhưng có quyền lợi hoặc nghĩa vụ liên quan đến vụ việc này thì cũng sẽ được cơ quan điều tra triệu tập làm rõ hành vi và xác định trách nhiệm pháp lý có liên quan theo quy định của pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường giải thích.

GPLX cấp không đúng quy định có thể bị thu hồi

Đối với tội Giả mạo trong công tác, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng trong các hành vi cấu thành tội có hành vi cấp giấy tờ, tài liệu giả.

Theo đó, tài liệu giả là các giấy tờ, tài liệu không có giá trị pháp lý, do người cấp (làm ra) không có thẩm quyền hoặc cấp không đúng quy định. Giấy tờ, tài liệu giả có thể thuộc một trong 2 trường hợp là giả về nội dung hoặc giả về hình thức.

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: “Nếu cơ sở đào tạo không thực hiện thủ tục đào tạo theo đúng quy định, không tổ chức lớp học, buổi học, không tổ chức thi, giáo viên không đủ điều kiện tham gia giảng dạy hoặc người học thi không đỗ nhưng vẫn được cấp bằng, chứng chỉ, GPLX... thì đó là hành vi giả mạo trong công tác.

Những giấy tờ, bằng cấp được cấp ra là phôi thật, con dấu thật, chữ ký thật nhưng người học không học thật, giáo viên không dạy thật, đào tạo không đúng quy định thì đây là giấy tờ giả về mặt nội dung".

Theo luật sư Đặng Văn Cường, bằng cấp chứng chỉ là văn bản ghi nhận năng lực, trình độ của người học, bởi vậy nếu người học không tham gia học, không tham gia thi, thi không đỗ hoặc người dạy không đủ điều kiện dẫn đến việc cấp bằng, chứng chỉ không phù hợp với năng lực trình độ theo tiêu chuẩn Nhà nước quy định thì đó là giấy tờ, tài liệu giả về mặt nội dung, không đảm bảo chất lượng.

Bởi vậy, tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục để cho ra đời các bằng cấp, chứng chỉ không phản ánh đúng với nội dung năng lực trình độ của người học thì đó là hành vi giả mạo trong công tác. Người thực hiện hành vi giả mạo trong công tác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt thấp nhất 1 năm tù, cao nhất 20 năm tù. Những GPLX được cấp không đúng quy định thì có thể bị thu hồi, hủy bỏ.

Học viên có thể bị khởi tố nếu đưa hối lộ

Trong vụ án xảy ra tại Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn, ngoài việc làm rõ hành vi giả mạo trong công tác, đưa hối lộ, nhận hối lộ để xử lý đối với những người phạm tội thì vụ việc này có liên quan đến 63.000 học viên. Đến nay, cơ quan điều tra xác định những học viên này có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Những học viên không có lỗi được quyền yêu cầu Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn trả lại tiền, bồi thường thiệt hại.

Những học viên có lỗi phải nộp lại GPLX, bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội Đưa hối lộ (số tiền đưa hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên)".

Luật sư nhấn mạnh, về nguyên tắc chung, các giấy tờ giả, các GPLX được ra đời do hành vi giả mạo trong công tác thì sẽ không có giá trị pháp lý. Để đảm bảo quyền lợi của các học viên, cơ quan điều tra có thể phối hợp với cơ quan chức năng để tạo các điều kiện thuận lợi cho các học viên hoàn tất thủ tục, có thể sát hạch lại để kiểm tra kiến thức, năng lực, kỹ năng lái xe trước khi quyết định có công nhận hoặc không công nhận các GPLX này.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bang-lai-do-trung-tam-day-nghe-lai-xe-sai-gon-cap-lieu-co-bi-thu-hoi-2312376.html
Zalo