Bâng khuâng tuổi hưu

Sau thời gian dài cống hiến cho công việc, nhiều người không tránh khỏi chút bâng khuâng khi về hưu.

Về hưu, ông Toản giành toàn thời gian để chăm sóc gia đình

Về hưu, ông Toản giành toàn thời gian để chăm sóc gia đình

Một chút hụt hẫng

Khoảng nửa tháng nay, lịch sinh hoạt của ông Phạm Thanh Toản ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã thay đổi hoàn toàn.

Trước đây, khi còn là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, công việc thường ngày của ông bắt đầu ở văn phòng làm việc của hội, sau đó trao đổi công việc, nắm bắt thông tin với các thành viên, thăm, động viên người cao tuổi trong thôn, xã… Nhưng từ đầu tháng 12, ông chính thức nghỉ hưu, chỉ quanh quẩn phụ giúp công việc nhà cho vợ.

Đây đã là lần thứ 2 ông Toản về hưu. Nói vậy, bởi trước đây, khi công tác ở một xí nghiệp vận tải trên TP Hà Nội, khi hết tuổi công tác, ông được về hưu theo chế độ.

Trở về địa phương, ông tham gia công tác Hội Người cao tuổi xã. “Khác với lần trước, lần nay tôi về hưu hẳn. Hơn 10 năm tham gia công tác ở địa phương nên cũng có nhiều kỷ niệm. Lúc mới đầu cũng bâng khuâng, tâm tư vì công việc chuyên môn đã thành thói quen hằng ngày nhưng giờ ngót 80 tuổi nên không thể đảm nhận công việc. Đây là lúc tôi dành toàn bộ thời gian để chăm sóc gia đình”, ông Toản chia sẻ.

Gần 20 năm ngược xuôi theo những công trình, khi nghỉ hưu ở tuổi 60, ông Trần Văn Nam ở TP Hải Dương không khỏi có chút tiếc nuối và hụt hẫng. Mỗi công trình, mỗi vùng đất mới lại cho ông được gặp gỡ những người bạn khác nhau. Điều này giúp ông mở rộng mối quan hệ, có nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống.

Ông Nam chia sẻ dẫu biết nghỉ hưu là việc bình thường nhưng khi nhận quyết định vẫn có chút luyến tiếc và hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp mà nghề nghiệp đã mang lại.

"Dù vậy, tôi nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở quê bằng việc chăm sóc vườn tược và chăm lo cho gia đình để bù đắp những ngày tháng sống xa nhà. Dần già, công việc phải làm cũng nhiều hơn, thời gian trôi qua đỡ hụt hẫng hơn trước, tôi mới lấy lại được cân bằng cho cuộc sống”, ông Nam nói.

Đã thành quy luật, sau thời gian làm việc, dù là cán bộ, nhân viên hay công nhân thì cũng đến lúc nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước quy định.

Bởi theo năm tháng, tuổi tác, sức khỏe của con người không cho phép họ tiếp tục tham gia vào guồng máy lao động. Vẫn biết đó là quy luật của cuộc sống nhưng cũng có những tâm trạng buồn vui khác nhau. Bởi môi trường khác, nếp sống cũng thay đổi hoàn toàn. Nhưng đây cũng là cơ hội để nghỉ ngơi sau những tháng năm lao động vất vả, tự tìm niềm vui mới để cân bằng cuộc sống.

Đón nhận niềm vui mới

Nghỉ hưu theo chế độ nhưng ông Tá vẫn tham gia công tác ở Hội Sinh vật cảnh của địa phương

Nghỉ hưu theo chế độ nhưng ông Tá vẫn tham gia công tác ở Hội Sinh vật cảnh của địa phương

Về hưu ở tuổi 61 nhưng ông Vương Đình Tá ở xã Trần Phú (Nam Sách) vẫn tiếp tục cống hiến cho việc chung của xã. Từ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã (xã Nam Chính cũ) ông chuyển sang đảm nhận Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh của địa phương. “Chưa nghỉ hẳn không phải là tiếc việc mà địa phương vận động làm để giữ phong trào. Lựa chọn những công việc phù hợp với sức khỏe cũng là cách để tuổi hưu không buồn tẻ”, ông Tá chia sẻ.

Ông Tá vừa nhận quyết định nghỉ hưu khi xã Nam Chính và Nam Trung sáp nhập thành xã Trần Phú. Dù vậy, ông không luyến tiếc công việc cũ bởi ông đã làm quá 1 năm so với tuổi nghỉ hưu quy định. Nghỉ nhưng ông vẫn là thành viên của nhiều đoàn thể và tích cực tham gia các phòng trào của địa phương. Điều này khiến ông quên cảm giác hụt hẫng khi nghỉ hưu.

Với bà Nguyễn Thị Luyến, vợ ông Phạm Thanh Toản ở xã Hưng Đạo thì niềm vui lớn nhất là khi ông được nghỉ hưu hẳn. Trước đây, những năm tháng tuổi trẻ bà thường phải sống xa chồng. Đến khi về hưu theo chế độ, ông Toản tham gia công tác địa phương nên thời gian dành cho gia đình không nhiều. Đến nay, khi các con cháu đều trưởng thành và có cuộc sống riêng, chỉ 2 vợ chồng già nương tựa vào nhau, thời gian ông Toản giành cho vợ cũng nhiều hơn.

“Hằng ngày, ông ấy giúp tôi làm việc nhà, chăm sóc vườn rau, cây cảnh, cùng nhau chuẩn bị bữa cơm gia đình giản dị. Thi thoảng thăm nom các con cháu; gặp gỡ, giao lưu với bạn bè. Cuộc sống hưu trí cứ thế trôi qua bình dị mà không hề nhàm chán”, bà Luyến nói.

Nghỉ hưu là giai đoạn mới của cuộc đời khi môi trường sống, nếp sống cùng thay đổi. Đón nhận việc nghỉ hưu như thế nào tùy thuộc vào tâm thế và hoàn cảnh mỗi người. Với nhiều người, thay vì lo lắng hay hoài niệm về quá khứ, họ lại chọn biến giai đoạn nghỉ hưu thành cơ hội để khám phá bản thân hoặc đơn giản là vun đắp cuộc sống gia đình. Dù vậy, không ít người sống trong tâm trạng lo lắng, hụt hẫng trong thời gian dài khi hoài niệm về quá khứ.

Nếu có điều kiện, những người về hưu nên làm các công việc phù hợp với lứa tuổi như tham gia các hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ ở thôn, khu dân cư… để không bị cô đơn. Đối với những người không có điều kiện thì có thể tham gia Hội Người cao tuổi, câu lạc bộ dưỡng sinh gần nhà để được giao lưu, trò chuyện với mọi người nhằm tạo một tinh thần và thể chất tốt nhất. Ngoài ra, giành nhiều thời gian bên gia đình, nuôi dưỡng các sở thích cá nhân cũng là cách để tuổi già sống vui, khỏe, có ích.

KHÁNH VÂN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/bang-khuang-tuoi-huu-400741.html
Zalo