Bảng giá tài sản mã hóa trên nền tảng TCBS: Đã đúng luật?

TCBS tích hợp bảng giá tài sản mã hóa như Bitcoin, Ethereum lên nền tảng giao dịch, dù chưa cho phép mua bán. Động thái này cho thấy xu hướng chuyển đổi số nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro pháp lý khi Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho tài sản mã hóa.

TCBS bổ sung bảng giá tài sản mã hóa, mở rộng theo dõi thị trường số

Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) mới đây đã mở rộng phạm vi theo dõi thị trường trên nền tảng bảng giá trực tuyến của mình. Bên cạnh thông tin về thị trường cơ sở và thị trường phái sinh, TCBS đã tích hợp thêm bảng giá tài sản mã hóa, đánh dấu một bước đi đáng chú ý trong xu hướng tiếp cận thị trường tài chính số.

Bảng giá tài sản mã hóa của TCBS hiện hiển thị thông tin về 100 đồng tiền kỹ thuật số phổ biến trên toàn cầu, bao gồm Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), XRP, Binance Coin (BNB), Dogecoin (DOGE) và nhiều mã khác. Giao diện cung cấp các chỉ số quan trọng như giá giao dịch, khối lượng mua bán, tổng giá trị vốn hóa và tỷ lệ thanh khoản của từng loại tài sản. Tuy nhiên, chức năng hiện tại của bảng giá chỉ giới hạn ở việc theo dõi thông tin; khách hàng chưa thể thực hiện giao dịch trực tiếp trên nền tảng này.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm ba quốc gia có tỷ lệ người dùng tham gia vào các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa cao nhất thế giới. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, nhiều giao dịch đang diễn ra trong môi trường phi chính thức, tiềm ẩn nguy cơ cao về rủi ro tài chính cho nhà đầu tư, đồng thời gây khó khăn trong công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý dành cho tài sản mã hóa. Một trong những định hướng trọng tâm được đề xuất là phát triển Nghị quyết thí điểm triển khai sàn giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam. Cơ chế thí điểm này không chỉ tạo điều kiện để cơ quan quản lý đánh giá thực tế hoạt động thị trường, mà còn giúp kiểm soát rủi ro, từng bước hình thành hành lang pháp lý rõ ràng nhằm bảo vệ nhà đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng từ nền kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ đang tích cực triển khai các bước cần thiết để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thí điểm liên quan. Ông nhấn mạnh rằng đây là một nội dung quan trọng, đòi hỏi quá trình nghiên cứu, chuẩn bị bài bản và triển khai đồng bộ để đảm bảo hiệu quả thực thi.

Tại hội thảo chuyên đề "Kinh nghiệm và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa" do Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, bà Đoàn Mai Hạnh – Giám đốc cao cấp phụ trách Kinh doanh và Tự doanh thị trường tài chính tại TCBS – chia sẻ rằng, khi thị trường tài sản mã hóa được Nhà nước công nhận và có hành lang pháp lý rõ ràng, TCBS sẽ sẵn sàng tích hợp các sản phẩm liên quan vào danh mục dịch vụ dành cho khách hàng. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ sự thận trọng, cho rằng tài sản mã hóa vẫn là lĩnh vực mới mẻ, với nhiều yếu tố rủi ro và thách thức. Do đó, TCBS đề xuất nên khởi đầu với danh mục tài sản giới hạn, ưu tiên các loại tiền mã hóa có giá trị vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao và được nhiều nền kinh tế công nhận.

Rủi ro pháp lý hiện hữu

Trao đổi với phóng viên trước câu hỏi, hiện Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho tài sản mã hóa, việc tích hợp như vậy có đúng luật không, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa công nhận tài sản mã hóa là phương tiện thanh toán hợp pháp, cũng chưa có quy định rõ ràng xác định tài sản mã hóa là một loại “tài sản” theo Bộ luật Dân sự. Các hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán bị cấm theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định nào cấm rõ ràng việc hiển thị giá của các đồng tiền mã hóa nếu không gắn với giao dịch, môi giới, kêu gọi đầu tư hay thực hiện các hoạt động tài chính trực tiếp.

Điều này khiến hành vi tích hợp bảng giá rơi vào vùng "xám pháp lý" – tức là chưa bị cấm nhưng cũng chưa được công nhận hoặc điều chỉnh đầy đủ. Trong nguyên tắc pháp lý Việt Nam, cá nhân, tổ chức được làm những gì pháp luật không cấm, miễn là không vi phạm các quy định cụ thể. Vì vậy, nếu việc hiển thị này đơn thuần phục vụ mục đích thông tin, không có hoạt động tư vấn đầu tư, kêu gọi vốn hay giao dịch thực tế, thì có thể tạm xem là chưa vi phạm pháp luật hiện hành.

Theo vị luật sự này, dù chưa có dấu hiệu vi phạm, việc tích hợp thông tin về tài sản mã hóa trên nền tảng chính thức của một công ty chứng khoán vẫn đặt ra nhiều lo ngại:

Thứ nhất, nhà đầu tư cá nhân có thể hiểu nhầm rằng công ty đã được cấp phép hoạt động liên quan đến tiền mã hóa, từ đó dẫn tới các kỳ vọng sai lệch hoặc quyết định đầu tư không được bảo vệ bởi pháp luật.

Thứ hai, trong bối cảnh Chính phủ đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng khung pháp lý và nghị quyết thí điểm cho sàn giao dịch tài sản mã hóa, các hoạt động hiện tại dù là “thăm dò” cũng có thể bị xem xét lại khi luật hóa được hoàn thiện.

Việc doanh nghiệp chủ động theo sát xu hướng tài sản số, chuẩn bị sẵn hạ tầng và thể hiện kỳ vọng về khung pháp lý là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng tất cả các hành vi cung cấp thông tin đều minh bạch, có cảnh báo rõ ràng về tính pháp lý của tài sản mã hóa tại Việt Nam, đồng thời tránh tạo ra tâm lý "đón đầu" hoặc "hợp pháp hóa gián tiếp" trước khi có sự cho phép chính thức của Nhà nước.

Tài sản mã hóa là một thực tế không thể đảo ngược trong nền kinh tế số. Nhưng để chuyển đổi từ “thực tế thị trường” sang “hợp pháp pháp lý”, khoảng cách này cần được lấp đầy bằng những quy định cụ thể, minh bạch, đồng bộ và có tính thực tiễn. Trong khi chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh, việc các tổ chức tài chính lớn thận trọng là cần thiết để không vượt quá lằn ranh mong manh giữa đổi mới và vi phạm.

N.Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/bang-gia-tai-san-ma-hoa-tren-nen-tang-tcbs-da-dung-luat-141697.html
Zalo