Bảng điểm 'con nhà người ta' - Gánh nặng tâm lý vô hình với nhiều cha mẹ
Cuối năm học, những tấm bảng điểm và giấy khen của 'con nhà người ta' tràn ngập mạng xã hội, vô tình tạo áp lực lớn lên tâm lý nhiều phụ huynh.
Áp lực từ "con nhà người ta"
Không khó để bắt gặp những bình luận như "Con chị giỏi quá!", "Ước gì con mình được như thế!"… dưới mỗi bài đăng khoe thành tích. Ban đầu, đây có thể chỉ là sự ngưỡng mộ. Nhưng khi tần suất xuất hiện của những "tấm gương" học tập ngày càng dày đặc, nó dần biến thành một thước đo ngầm, một tiêu chuẩn không chính thức mà mỗi phụ huynh tự đặt ra cho con mình.
Chị Mai An, một phụ huynh có con học lớp 7 chia sẻ: "Mỗi lần lướt Facebook thấy bạn bè khoe con được học sinh xuất sắc, được giải này giải kia, lòng tôi lại nặng trĩu. Dù biết mỗi đứa trẻ có một năng lực riêng, nhưng tôi vẫn không khỏi so sánh con mình. Áp lực không phải từ ai khác, mà chính là từ những suy nghĩ trong đầu tôi".
Nỗi lo này không chỉ đến từ mạng xã hội. Trong các cuộc gặp mặt bạn bè, họp phụ huynh, hay thậm chí là những buổi trà dư tửu hậu, câu chuyện về thành tích học tập của con cái luôn là chủ đề "nóng". Những lời khen ngợi dành cho "con nhà người ta" vô tình trở thành áp lực đè nặng lên những phụ huynh có con chưa đạt được những thành tích nổi bật. Họ cảm thấy có lỗi, thậm chí là bất an, tự hỏi liệu mình đã làm tròn bổn phận của một người cha, người mẹ hay chưa.
Hệ lụy của văn hóa so sánh
Áp lực từ việc so sánh không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh mà còn có thể tác động tiêu cực đến chính những đứa trẻ. Khi cha mẹ quá chú trọng vào thành tích học tập, họ có thể vô tình đặt gánh nặng lên vai con cái. Trẻ em có thể cảm thấy căng thẳng, áp lực phải đạt điểm cao để làm hài lòng cha mẹ, dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ, hoặc thậm chí là sợ hãi việc học.

Khi cha mẹ quá chú trọng vào thành tích học tập có thể vô tình đặt gánh nặng lên vai con cái. Ảnh minh họa.
Chị Phương Duyên, mẹ của một bé gái lớp 4 cho biết: "Tôi từng ép con học thêm rất nhiều vì sợ con thua kém bạn bè. Con bé có vẻ mệt mỏi, chán nản. Sau này, tôi nhận ra điều quan trọng nhất là con được phát triển một cách tự nhiên và luôn vui vẻ".
Hơn nữa, văn hóa so sánh còn làm lu mờ những giá trị khác mà một đứa trẻ cần có. Sự sáng tạo, kỹ năng mềm, lòng nhân ái, khả năng vượt khó… những yếu tố quan trọng để trở thành một công dân toàn diện lại ít khi được đưa ra để "khoe" hay so sánh. Điều này khiến cả phụ huynh và con cái đôi khi bỏ quên những giá trị cốt lõi, chỉ chạy theo những con số và danh hiệu.
Cách nào đối phó?
Vậy làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy của văn hóa so sánh và giảm bớt nỗi lo lắng?
Thạc sĩ tâm lý giáo dục Vũ Diễm (Trường phổ thông quốc tế Kinh Bắc) nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần nhận ra rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể độc đáo. Việc so sánh con mình với con nhà người khác là không công bằng và có thể gây tổn thương đến sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ.
Thay vì đặt áp lực thành tích, hãy tập trung vào sự phát triển toàn diện của con, khuyến khích con khám phá sở thích, phát triển kỹ năng sống và xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp. Thành công không chỉ nằm ở điểm số, mà còn ở việc con được sống hạnh phúc, tự tin và có ích".
Việc thoát ly khỏi văn hóa so sánh và nỗi lo lắng của phụ huynh là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và thay đổi trong tư duy. Nhưng chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể giúp con mình phát triển một cách tự nhiên, hạnh phúc và trọn vẹn nhất, không bị ám ảnh bởi những điểm số hay danh hiệu.