Băng bụi trên Sao Hỏa có thể ẩn chứa điều kiện cho sự sống

Sao Hỏa luôn là mục tiêu chính trong việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Dù chưa có câu trả lời rõ ràng, phát hiện mới về băng bụi trên hành tinh này gợi mở khả năng môi trường ở đó có thể hỗ trợ sự sống.

Gần 50 năm sau khi những tàu thám hiểm đầu tiên đặt chân lên Sao Hỏa, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được bằng chứng thuyết phục về sự sống.

Các rãnh ở Terra Sirenum từ tàu thăm dò Sao Hỏa. (Nguồn: NASA)

Các rãnh ở Terra Sirenum từ tàu thăm dò Sao Hỏa. (Nguồn: NASA)

Sao Hỏa phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta thấy từ bề ngoài. Nhiều khu vực trên hành tinh này vẫn còn chưa được khám phá hết, các nhà nghiên cứu lạc quan rằng sự sống có thể tồn tại ở những nơi mà chúng ta chưa từng nghĩ đến.

Một trong những khu vực tiềm năng là vùng Tharsis – nơi có sự kết hợp giữa núi lửa và băng, tạo ra điều kiện sống lý tưởng. Ngoài ra, các mỏ băng ở vĩ độ trung bình trên Sao Hỏa cũng có thể là "chìa khóa" để tìm ra dấu vết của sự sống.

Thách thức cho sự sống trên Sao Hỏa

Thách thức lớn nhất đối với sự sống trên Sao Hỏa hiện nay là thiếu nước lỏng, một yếu tố quan trọng cho sự sống. Hành tinh này không có bầu khí quyển dày và từ trường mạnh như Trái Đất để bảo vệ sinh vật khỏi bức xạ, điều có thể phá hủy DNA của sinh vật.

Dù vậy, nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Communications Earth and Environment, bởi Tiến sĩ Aditya Khuller và các đồng tác giả từ Caltech cho rằng, băng bụi trên Sao Hỏa có thể cung cấp lớp bảo vệ tự nhiên chống lại bức xạ.

Những lớp băng này có khả năng ngăn tia UV gây hại, tương tự như cách bầu khí quyển Trái Đất bảo vệ sinh vật. Trên Trái Đất, một số vi sinh vật có thể sống dưới lớp băng, sử dụng ánh sáng yếu để thực hiện các phản ứng hóa học cần thiết cho sự sống.

Sự sống tồn tại dưới băng trên Sao Hỏa không hề đơn giản. Nếu lớp băng quá dày, ánh sáng mặt trời không thể xuyên qua đủ để duy trì quá trình quang hợp – một yếu tố thiết yếu cho sự sống.

Vì vậy, Khuller và các đồng tác giả đã xác định một "vùng có thể ở được do bức xạ", tương tự như khái niệm "vùng có thể sống" xung quanh các ngôi sao.

Khu vực này nằm ở độ sâu từ 5-38 cm dưới bề mặt băng, tùy thuộc vào độ tinh khiết của băng. Với băng tinh khiết hơn, vùng này có thể sâu hơn, từ 2,15-3,1 m. Bên cạnh đó, các lớp bụi trong băng cũng có thể làm tan chảy băng ở nhiệt độ cao hơn, tạo ra nước lỏng trong thời gian ngắn – một điều kiện cần thiết cho sự sống.

Các lỗ hổng hình thành trên sông băng Matanuska của Alaska do các hạt bụi tan chảy vào băng theo thời gian, được gọi là cryoconite.

Các lỗ hổng hình thành trên sông băng Matanuska của Alaska do các hạt bụi tan chảy vào băng theo thời gian, được gọi là cryoconite.

Dù những điều kiện trên Sao Hỏa rất khắc nghiệt và dễ biến đổi, nghiên cứu này vẫn mang lại hy vọng, ngay cả khi tàu thăm dò Perseverance không tìm thấy dấu hiệu của sự sống.

Mặc dù ý tưởng về sự sống dưới băng trên Sao Hỏa không phải là mới, nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ băng ở Greenland chứa carbon đen – một loại băng có tính chất tương tự băng bụi trên Sao Hỏa, khác với những nghiên cứu trước đây chủ yếu sử dụng dữ liệu từ tuyết hoặc băng biển.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bang-bui-tren-sao-hoa-co-the-an-chua-dieu-kien-cho-su-song-169241018163719163.htm
Zalo