Bàn về quyền quốc tịch cho người nhập cư

Cho dù người nhập cư thường bị gắn với hình ảnh một cuộc sống bất an, đầy nguy cơ khi rời bỏ tổ quốc trốn chạy những bất ổn chính trị hay sự đói nghèo để đến với một vùng đất mới hứa hẹn hơn, không thể phủ nhận rằng càng ngày người nhập cư càng nổi lên như một nhân tố ảnh hưởng mới trên trường quốc tế. Chuyện công nhận quốc tịch cho người nhập cư trở thành việc quan trọng với nhiều quốc gia.

(KTSG) – Cho dù người nhập cư thường bị gắn với hình ảnh một cuộc sống bất an, đầy nguy cơ khi rời bỏ tổ quốc trốn chạy những bất ổn chính trị hay sự đói nghèo để đến với một vùng đất mới hứa hẹn hơn, không thể phủ nhận rằng càng ngày người nhập cư càng nổi lên như một nhân tố ảnh hưởng mới trên trường quốc tế. Chuyện công nhận quốc tịch cho người nhập cư trở thành việc quan trọng với nhiều quốc gia.

Nếu như 37% trẻ nhập cư có quốc tịch Pháp không thực sự cảm thấy mình được công nhận là người Pháp, thì có tới 89% nhìn nhận bản thân như người Pháp và có những gắn kết rất vững bền với nước Pháp qua cuộc sống, giáo dục, và đó đã là dấu hiệu của một sự hòa nhập thành công.Nguồn: france24.com

Nếu như 37% trẻ nhập cư có quốc tịch Pháp không thực sự cảm thấy mình được công nhận là người Pháp, thì có tới 89% nhìn nhận bản thân như người Pháp và có những gắn kết rất vững bền với nước Pháp qua cuộc sống, giáo dục, và đó đã là dấu hiệu của một sự hòa nhập thành công.Nguồn: france24.com

Từng bị các chính phủ phớt lờ, giờ đây quyền lợi của người nhập cư đang là chủ đề nóng ở nhiều quốc gia. Nói cách khác, câu chuyện về người nhập cư không thể tách rời những khái niệm như quyền tự chủ quốc gia, biên giới, bản sắc dân tộc, nó cũng cho thấy rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, xã hội và chính trị ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Những nguyên tắc công nhận quốc tịch

Luật về quốc tịch cho người nhập cư là một trong những chủ đề được bàn cãi nhiều nhất gần đây, nhất là ở Mỹ hay ở Liên minh châu Âu. Theo truyền thống thì có hai nguyên tắc, đó là nguyên tắc huyết thống và nguyên tắc lãnh thổ. Theo nguyên tắc huyết thống thì trẻ em được “thừa hưởng” quốc tịch của bố mẹ, cho dù sinh ra ở lãnh thổ nào. Nguyên tắc huyết thống hiện nay được thừa nhận ở mọi quốc gia trên thế giới. Nguyên tắc lãnh thổ, ngược lại, thừa nhận quốc tịch cho người sinh ra ở lãnh thổ đó.

Nếu như vào năm 2020 có 81/177 quốc gia được điều tra áp dụng nguyên tắc lãnh thổ, thì hiện nay – vào năm 2024 – chỉ còn khoảng hơn 60 quốc gia áp dụng nó. Điều này cho thấy khuynh hướng chung đang là áp dụng nguyên tắc huyết thống. Theo một điều tra tiến hành vào năm 2019, có thể chia các quốc gia trên thế giới vào bốn nhóm áp dụng các nguyên tắc cụ thể như sau:

Nguyên tắc lãnh thổ không điều kiện: các quốc gia châu Mỹ (cả Bắc Mỹ và Nam Mỹ) đều công nhận quốc tịch cho trẻ sinh ra trên lãnh thổ. Đây là một nguyên tắc có từ thế kỷ 19 ở các quốc gia này, dưới ảnh hưởng từ luật của Anh. Đặc biệt, nguyên tắc lãnh thổ được quy định trong Hiến pháp Mỹ, tu chính án thứ 14 công nhận nguyên tắc lãnh thổ được thông qua sau Chiến tranh Ly khai (1861-1865), thể hiện tinh thần “đất của người nhập cư” nước Mỹ. Ngay cả cựu Tổng thống Donald Trump vốn rất phản đối việc nhập cư, cũng đã từng phải bỏ qua ý định sửa đổi Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ.

Nguyên tắc lãnh thổ có điều kiện: nguyên tắc này được áp dụng ở một số nước Tây Âu và châu Úc. Con của người nhập cư (thế hệ thứ 2) hoặc cháu (thế hệ thứ 3) có thể được công nhận quốc tịch nếu như được sinh ra tại lãnh thổ và đáp ứng một số điều kiện như sinh sống lâu dài tại quốc gia đó hoặc sinh sống tại quốc gia đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Nguyên tắc huyết thống: phần lớn các quốc gia châu Âu và châu Phi áp dụng nguyên tắc này, nhấn mạnh vào tính “dân tộc”, theo những tiêu chí tôn giáo, ngôn ngữ hay văn hóa. Đây cũng là nguyên tắc được áp dụng tại Trung Quốc, cho dù người Trung Hoa di dân nhiều hơn số lượng người nước ngoài nhập cư vào Trung Quốc. Tại các nước vùng Vịnh, sự giàu có nhờ vào dầu lửa vào những năm 1970 trở đi đã dẫn đến việc các nước này hoàn toàn chấm dứt với chính sách nhập cư theo nguyên tắc lãnh thổ, không còn cho phép người nước ngoài có được quốc tịch ở đây.

Nguyên tắc huyết thống phân biệt: đây là nguyên tắc chỉ được áp dụng tại một số nước Hồi giáo. Hiện nay có khoảng 42 quốc gia Hồi giáo mà quốc tịch chỉ được truyền từ cha sang con, không cho phép phụ nữ được áp dụng nguyên tắc này, trừ một số trường hợp nhất định như con sinh ngoài giá thú.

Kinh nghiệm thay đổi luật lệ theo bối cảnh của Pháp

Lịch sử cho thấy rằng luật về quốc tịch thường có những thay đổi tùy theo bối cảnh chính trị quốc gia và tùy theo cách nhìn nhận của chính phủ quốc gia đó đối với làn sóng nhập cư. Ở Pháp, nguyên tắc lãnh thổ được luật hóa từ năm 1515, và tồn tại song hành với nguyên tắc huyết thống. Trong khi ở Đức, mãi đến tận năm 2000, nguyên tắc lãnh thổ mới được công nhận cho trẻ nhập cư (thế hệ thứ 3). Sau cách mạng Pháp, quyền quốc tịch được đưa vào hiến pháp và quy định việc công nhận là người Pháp cho mọi cá nhân sinh ra và lớn lên ở Pháp. Chính vì thế, nhiều người gốc Ý, Bỉ, Tây Ban Nha sống lâu dài ở Pháp đã được công nhận quốc tịch Pháp mà thậm chí họ còn… không biết (và cũng vì thế buộc phải vào quân đội Pháp).

Bộ luật Dân sự Pháp thông qua vào năm 1804 lại thay đổi nguyên tắc nói trên, và công nhận quyền lực của chính phủ trong việc quyết định ai có thể có được quốc tịch Pháp. Theo luật mới này, nguyên tắc huyết thống đã thay thế nguyên tắc lãnh thổ. Người ta cần phải chờ đến luật mới thông qua năm 1889 để đánh dấu sự trở lại của nguyên tắc lãnh thổ với quy định trẻ em sinh ra tại Pháp từ bố mẹ không phải là người Pháp và không sinh ra tại Pháp có thể có quốc tịch Pháp vào tuổi trưởng thành, sau khi chứng minh được một khoảng thời gian nhất định sinh sống ở Pháp. Năm 1927, luật mới của Pháp có nới lỏng điều kiện nhập tịch và tới năm 1973 thì có khoảng 80% đơn xin nhập quốc tịch được thông qua.

Vào những năm 1980-1990 khi đảng cực hữu của Le Pen nổi lên trong chính trường, những dự thảo luật nhằm thay thế nguyên tắc lãnh thổ bằng nguyên tắc huyết thống cũng được đưa ra ngày càng nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng quốc gia phải chọn lựa từng trường hợp cấp quốc tịch. Năm 1991, Tổng thống Pháp Mitterand cũng từng có ý định theo mô hình Đức, chỉ công nhận nguyên tắc huyết thống mà thôi. Đến nay, ở Pháp, luật 1998 đang được áp dụng trong lĩnh vực này, kết hợp nguyên tắc bình đẳng trong việc đạt được quốc tịch Pháp và nguyên tắc tự nguyện.

Sau hai thế kỷ với nhiều thay đổi, luật của Pháp giờ đây công nhận cả nguyên tắc lãnh thổ, nguyên tắc huyết thống cũng như quyền có quốc tịch nhờ vào hôn nhân và sinh sống lâu dài ở Pháp.

Theo một thống kê năm 2004, Pháp có 4,9 triệu người nhập cư, chiếm 8,1% dân số. Trong số những người nhập cư này, 40% có quốc tịch Pháp. Trong làn sóng phản đối nhập cư hiện nay, người ta thường hay nói tới việc trẻ em gốc nhập cư không có “tình yêu” với nước Pháp và nhập tịch chỉ vì nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, một nghiên cứu xã hội cho thấy một thực tế khác: Nếu như 37% trẻ nhập cư có quốc tịch Pháp không thực sự cảm thấy mình được công nhận là người Pháp, thì có tới 89% nhìn nhận bản thân như người Pháp và có những gắn kết rất vững bền với nước Pháp qua cuộc sống, giáo dục, và đó đã là dấu hiệu của một sự hòa nhập thành công.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ban-ve-quyen-quoc-tich-cho-nguoi-nhap-cu/
Zalo