Bạn tôi - nhà văn Trần Thị Trường

Chúng tôi biết nhau - hay đúng hơn là nhìn thấy nhau - từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Nếu tôi nhớ không nhầm thì lần đầu tiên tôi nhìn thấy chị là ở sân 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Đây là trụ sở nổi tiếng của giới tinh hoa, của những tên tuổi lớn làm văn học nghệ thuật của Hà Nội.

Hôm ấy, trời đã gần trưa - tôi thấy chị mặc váy áo rất đẹp, ngồi một mình trên chiếc ghế đá dưới gốc cây xà cừ lâu năm của sân 51. Tôi đang có việc đi với một người bạn - nhìn thấy nhau, dù chưa quen nhưng tôi và chị đều gật đầu mỉm cười chào nhau theo phép lịch sự.

Nhà văn Trần Thị Trường.

Nhà văn Trần Thị Trường.

- Em quen cô ấy à? - Người bạn hỏi.

- Dạ, không ạ. Nhưng, nhìn thấy có vẻ mới ở Tây về, ngơ ngác giống em...

- Em tinh đấy... Bọn Nga “ngố” với bọn ở các nước Đông Âu mới về trông ngơ ngáo giống nhau cả. Chị ấy tên Trần Thị Trường, mới ở Bun về, đang muốn viết văn..., hình như có tiểu thuyết đầu tay chuẩn bị in.

Vậy ư? Mới viết văn mà đã in tiểu thuyết là giỏi rồi. Tôi khen. Người bạn bảo, trước đó cô ấy đã có một vài truyện ngắn in trên các báo cũng rất được chú ý.

Từ bữa ấy, trong đầu tôi, ba chữ Trần Thị Trường được lưu vào bộ nhớ. Nhưng, vì cả hai đam mê hai thể loại khác nhau. Trường đam mê văn xuôi còn tôi làm thơ, lại bận bịu lo lắng với những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực kịch bản phim nên ít khi có dịp gặp lại chị. Thế rồi, bẵng đi một thời gian, cả hai chúng tôi bỗng gặp nhau ở cuộc họp nhà văn nữ nhân dịp 8/3. Hóa ra cả hai đã là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, đều được kết nạp vào những năm 1990. Thật vui. Khi ấy tiểu thuyết đầu tay "Lời cuối cho em" của chị đã gây tiếng vang trong giới. Một giọng văn đầy nữ tính, đầy yêu mến nâng đỡ những mảnh đời phụ nữ ít may mắn, được các chàng văn khen ngợi.

Trong đám văn nữ, nhiều nhà văn, nhà thơ rất hiền hậu nhân từ, nhưng cũng có những người rất cá tính, chao chát và thích mình nổi bật trong đám đông vì sự chao chát của mình. Có khi, chỉ vì những lý do vớ vẩn trong cuộc sống tình cảm ghen ăn tức ở cũng khiến họ cay nghiệt. Mỗi khi thấy cảnh ấy, Trần Thị Trường - vốn dĩ thông minh, biết liền và thường bênh vực người bạn bị cạnh khóe vô cớ. (Phụ nữ mà, dù là văn nhân đi chăng nữa họ cũng có nhiều chuyện đời thường dở khóc dở cười như những người phụ nữ bình thường khác).

Mỗi lần thấy vậy, tôi hiểu Trần Thị Trường là người mạnh mẽ, nam tính. Chơi với người như thế mình cảm thấy yên tâm vì được bảo vệ và che chở. Cho dù, tôi chất nam tính cũng nhiều chả khác gì chị - bạn bè bảo thế. Hai "tên" có vẻ có nhiều nét chung giống nhau - tìm hiểu hóa ra cả hai đều sinh năm Canh Dần (1950), thảo nào cuộc sống gặp nhiều truân chuyên gập ghềnh thế.

Nhưng, Trần Thị Trường viết văn xuôi (may là không làm thơ) nên cuộc sống riêng của chị có gập ghềnh như thế nào thì chỉ những người thân của chị mới biết. Còn tôi thì có bao nhiêu yêu thương, hờn giận, hợp tan đều "phơi" ra cùng thơ, thiên hạ nhìn thấy rõ mồn một. Phải công nhận chị là người kín tiếng. Bao nhiêu năm quen nhau, tôi hầu như không nghe thấy điều tiếng gì về chị trong chuyện tình cảm. Vui buồn, lo lắng hay đau khổ gì chị đều giấu kỹ. Điều này khiến tôi rất thán phục.

Bên cạnh việc làm báo, viết văn, chị là người say mê âm nhạc. Một thời gian dài chị hết lòng đi tổ chức các show diễn cho cố ca sĩ Ngọc Tân. Rồi lại 7 năm liền làm việc cho Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam, làm Phó Giám đốc của Trung tâm khu vực phía Bắc - chỉ dưới trướng nhạc sĩ Phó Đức Phương một bậc. Công việc nào Trần Thị Trường cũng nhiệt tình, tận tụy.

Có lần, tôi nghe anh Phó Đức Phương khen: "Trường nó coi cơ quan như nhà của mình, không nề hà bất cứ việc gì, rất siêng năng và chăm chỉ! Có được một người như vậy làm việc với mình thật yên tâm". Quả thật, người có trách nhiệm lại siêng năng chăm chỉ, biết quý trọng những người nơi mình làm việc cùng thì rơi vào đâu cũng không sợ, cũng đều khẳng định được bản ngã của mình.

Tôi nể phục Trần Thị Trường ở chỗ, chị làm hành chính cho cơ quan âm nhạc chỉ là bề nổi, sâu thẳm là ở đó chị đã học được nhiều điều về nền âm nhạc đa sắc của Việt Nam nói chung, nhạc cổ điển nói riêng. Đi nghe nhiều, thẩm thấu được những cái hay và từ đó dùng ngòi bút của mình ngoài việc động viên khích lệ các nghệ sĩ, còn truyền tải những cái hay cho người đọc bằng các bài báo nóng hổi của mình.

Một bức vẽ của nhà văn Trần Thị Trường.

Một bức vẽ của nhà văn Trần Thị Trường.

Trần Thị Trường có tài viết báo rất nhanh. Quý mến bạn bè, chị viết chân dung về họ cũng rất chân tình, ưu ái. Thường là có cái nhìn yêu mến nhau, nể vì tài năng của nhau mà viết hơn là khoét sâu vào những chuyện ngoài văn chương. Sau này, trở lại với nghề vẽ, chị cũng với tâm thế ấy, tấm lòng ấy, vẽ chân dung bạn bè rất đẹp và sinh động. Dường như vẫn chưa tự tin lột tả được nét đẹp trong chân dung bạn bè, chị lại nhờ đến người thầy tài hoa trẻ trung của mình là họa sĩ Hải Kiên vẽ thêm.

Nhóm 6 nữ bạn văn của chúng tôi chơi với nhau (Trần Thị Trường, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm Thu Yến, Kim Nhũ và tôi) được ưu ái như vậy đấy. Chị thích vẽ tranh tĩnh vật, tranh các loài hoa và các vật dụng gia đình gần gũi. Tôi rất thích bức tranh bếp lửa của chị. Bức tranh khiến tôi nhớ đến câu thơ hay của nhà thơ Bằng Việt: "Một bếp lửa ấp iu nồng đượm" thật gợi nhớ về những ngọn lửa ấm một thời của mỗi ngôi nhà ngày xưa. (Nay, nhà ai cũng có bếp điện, bếp từ nên không còn nhìn thấy ngọn lửa ấm như thế nữa!).

Nhắc đến Trần Thị Trường - ngoài những tác phẩm văn xuôi đã xuất bản: "Lời cuối cho em" (1990); "Kẻ mắc chứng điên" (1991); "Bâng khuâng" (1993); "Tình câm" (1996); "Truyện ngắn Trần Thị Trường" (1999); "Hoa mưa" (2001); "Thời gian ngoảnh mặt" (2003). Đặc biệt là không thể không nhắc đến tiểu thuyết “Phố Hoài”. Đây là cuốn tiểu thuyết làm nổi bật tên tuổi của chị trong giới văn chương. "Phố Hoài" được thai nghén rất lâu, dễ hơn 10 năm mới ra mắt bạn đọc năm 2020.

Tiểu thuyết "Phố Hoài" dày 400 trang, ngồn ngộn vốn sống về một thời đã qua của chiến tranh, đói kém bao cấp khốn khó nhưng đầy tình người và sự bao dung. Tiểu thuyết bao quát cả một không gian rộng lớn và thời gian khá dài, có rất nhiều sự kiện của giai đoạn hậu chiến chắc chưa một ai sống ở thời đó quên được, những số phận đau xót có thật ngoài đời được đưa vào tiểu thuyết gây xúc động. Có trải qua cái thời ấu trĩ như vậy mới thấy quý công cuộc đổi mới hôm nay. Nhà văn, với ngòi bút can đảm của mình, với tình yêu đất nước và dân tộc mình, đã không ngại ngần chỉ ra những điều cần tránh của một thời, để không bao giờ còn lặp lại. Để cuộc sống nhìn đâu cũng chỉ thấy tình yêu thương và những điều tốt đẹp. Bạn bè đồng nghiệp quý mến, trân trọng Trần Thị Trường ở điều này.

Và, sau khi tiểu thuyết "Phố Hoài" có tiếng vang, chị lấy tên này đặt cho studio - xưởng vẽ của mình tại nhà riêng khá rộng rãi và yên tĩnh ở Phùng Khoang. Nơi đây chị treo tranh mình vẽ, treo tranh bạn bè vẽ. Và, nơi đây cũng đã là một địa điểm văn hóa có trên Google, một sự chăm chút công phu cho niềm say mê lao động của mình không biết mệt mỏi.

Hết viết lại trở về với vẽ. Dù viết hay vẽ vẫn là con người ấy, vẫn là Trần Thị Trường đầy đam mê và tâm huyết với nghề mà mình chọn và với cuộc sống mà mình mến yêu.

10/2024

Nguyễn Thị Hồng Ngát

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ban-toi-nha-van-tran-thi-truong-i748120/
Zalo